Dự án cảng sông hàng ngàn tỉ đồng ở Bình Dương giờ ra sao?
Nghiên cứu, bổ sung công năng Cảng sông An Tây thành cảng tổng hợp và cập nhật vào Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050.
Trước đó, vào tháng 6-2023, UBND tỉnh Bình Dương ban hành quyết định về việc duyệt danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất để tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Cảng sông An Tây (thuộc địa bàn thị xã Bến Cát).
Dự án có quy mô hơn 100 ha, dự kiến tổng số vốn khoảng 2.300 tỉ đồng.
Sau đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương đã thực hiện đăng tải thông tin về dự án Cảng sông An Tây trên trang mạng đấu thầu Quốc gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Sau 2 lần gia hạn thời gian nộp hồ sơ, đến nay cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương vẫn chưa tiếp nhận hồ sơ nào từ nhà đầu tư.
Một lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương cho biết dự án Cảng sông An Tây có quy mô rất lớn, khó thực hiện nên kén nhà đầu tư.
Mới đây, Tổng Công ty Becamex IDC có công văn trình UBND tỉnh về việc đề xuất chủ trương thực hiện nghiên cứu, khảo sát, lập hồ sơ đề xuất Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị - Cảng cạn An Tây.
Theo đề xuất này, Cảng sông An Tây có quy mô khoảng 180 ha, trong đó diện tích khu cảng khoảng 97 ha, diện tích khu đô thị - tái định cư khoảng 83 ha.
Tại cuộc họp giữa tháng 4-2024, UBND tỉnh Bình Dương giao UBND thị xã Bến Cát nghiên cứu, bổ sung công năng Cảng cạn An Tây thành cảng tổng hợp (cảng hành khách kết hợp cảng hàng hóa) và cập nhật vào Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050.
Theo UBND tỉnh Bình Dương, khi xây dựng Cảng sông An Tây, Bình Dương đặt mục tiêu hình thành chuỗi dịch vụ logistics để đưa hàng hóa từ các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước và khu vực Tây Nguyên về cảng Cát Lái (TP HCM) và Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu), tránh được kẹt xe trên các tuyến đường bộ.
Lợi thế vị trí của Cảng sông An Tây kết nối hầu hết các khu công nghiệp, tránh được kẹt xe khu vực kết nối với TP HCM, kết nối đường sông thuận lợi với các cảng Cát Lái, Cái Mép. Đồng thời, tạo ra một khu dịch vụ logistics khép kín nhằm sử dụng hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông đa phương thức, giảm chi phí logistics, thúc đẩy sản xuất công nghiệp tại địa phương trong tỉnh cũng như trong vùng Đông Nam Bộ.