Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông qua tỉnh Phú Yên còn gặp nhiều vướng mắc

Đây là thông tin được đồng chí Nguyễn Tấn Chân, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Phú Yên cung cấp tại Hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Yên tổ chức vào chiều 6-7.

Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, đoạn trên tỉnh Phú Yên qua 24 xã phường, thị trấn thuộc 6 địa phương gồm: Thị xã Sông Cầu, huyện Tuy An, TP Tuy Hòa, huyện Phú Hòa, huyện Tây Hòa và thị xã Đông Hòa, có tổng chiều dài 90,12km, được khởi công ngày 1-1-2023, với tổng mức đầu tư khoảng 20.848 tỷ đồng.

 Đồng chí Nguyễn Tấn Chân, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Phú Yên phát biểu.

Đồng chí Nguyễn Tấn Chân, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Phú Yên phát biểu.

Theo đồng chí Nguyễn Tấn Chân, hiện nay địa phương đã hoàn thành công tác kiểm kê, kiểm đếm theo chiều dài tuyến là 90,122km, đạt 100%; về số hộ là 5.184 hộ, đạt 100%; số hộ dự kiến bố trí tái định cư là 377 hộ, bố trí 12 khu tái định cư trên 18,33ha. Địa phương đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư 85,41km, đạt 94,77%, cơ bản đáp ứng tiến độ; phần còn lại khoảng 5,23% tương ứng với 4,71km chủ yếu là đất nhà ở của hộ gia đình. Tuy nhiên, địa phương thực hiện chưa bảo đảm mốc thời gian yêu cầu theo Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11-2-2022 của Chính phủ, đến ngày 30-6-2023 phải bàn giao toàn bộ mặt bằng. Nguyên nhân, do trong quá trình thực hiện đã gặp khó khăn, vướng mắc chủ yếu là về công tác quản lý đất đai, di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xây dựng khu tái định cư.

Bên cạnh đó, mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng, bãi thải, việc bảo vệ và sử dụng tầng đất mặt đất trồng lúa nước cũng gặp khó khăn. Trong đó, đối với các mỏ đang khai thác công suất, trữ lượng hiện tại rất nhỏ so với nhu cầu vật liệu cho dự án, các nhà thầu không đề nghị nâng công suất. Đối với các mỏ mới, chủ đầu tư phải thực hiện các thủ tục theo Luật Đất đai thông qua hình thức nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất, việc làm này mất nhiều thời gian, nhà thầu gặp khó khăn trong công tác thỏa thuận với người sử dụng đất, đã làm ảnh hưởng đến tiến độ và nguồn vật liệu khai thác phục vụ thi công.

Các đơn vị huy động lực lượng phương tiện đẩy nhanh tiến độ thi công. Ảnh: NHÃ UYÊN

Các đơn vị huy động lực lượng phương tiện đẩy nhanh tiến độ thi công. Ảnh: NHÃ UYÊN

Ngoài ra, về bảo vệ và sử dụng tầng đất mặt của đất chuyên trồng lúa nước, các chủ đầu tư phải xây dựng phương án sử dụng tầng đất mặt, phương án sử dụng tầng đất mặt là thành phần hồ sơ xin phép chuyển mục đích sử dụng đất. Dự án có khối lượng bóc tách tầng đất mặt tương đối lớn, các chủ đầu tư đang gặp nhiều khó khăn trong công tác thỏa thuận các vị trí để tập kết bảo vệ tầng đất mặt đất chuyên trồng lúa nước.

Để bảo đảm dự án thực hiện theo tiến độ, UBND tỉnh Phú Yên đã có kiến nghị với Bộ Giao thông vận tải, cùng các bộ, ngành có liên quan xem xét và tháo gỡ các nội dung xung quanh các vấn đề về cơ chế trong sử dụng đất đối với các trường hợp hoạt động khai thác mỏ, đối với các mỏ khoáng sản; việc tận dụng, xử lý nguồn vật liệu dôi dư của dự án đường cao tốc; bảo vệ và sử dụng tầng đất mặt của đất chuyên trồng lúa nước.

Cùng với đó, địa phương cũng tiếp tục tổ chức tuyên truyền sâu rộng, vận động nhân dân hiểu ý nghĩa và tầm quan trọng của dự án để nhân dân đồng thuận, ủng hộ với chủ trương, chính sách giải phóng mặt bằng; tập trung rà soát đẩy nhanh tiến độ phê duyệt phương án giải phóng mặt bằng đối với các đoạn còn lại; xây dựng hoàn thành các khu tái định cư; triển khai di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi ảnh hưởng của dự án phục vụ công tác bàn giao mặt bằng theo yêu cầu. Phối hợp với các chủ đầu tư và nhà thầu vận động nhân dân, kịp thời giải quyết các phát sinh vướng mắc để người dân đồng thuận sớm bàn giao mặt bằng triển khai thi công.

Tin, ảnh: VŨ DUY HIỂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/du-an-cao-toc-bac-nam-phia-dong-qua-tinh-phu-yen-con-gap-nhieu-vuong-mac-733584