Dự án cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ: Mất an toàn giao thông tại hệ thống đường gom

Sau nhiều năm đi vào hoạt động và thu phí, chủ đầu tư dự án cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ vẫn chưa hoàn thành hệ thống đường gom dân sinh theo cam kết. Ngoài ra, cả một trục đường gom dài hàng chục km, hệ thống ống chui dân sinh dày đặc nhưng hệ thống chiếu sáng không đảm bảo, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Tại nhiều điểm cống chui dân sinh không có đèn chiếu sáng gây mất an toàn giao thông.

Tại nhiều điểm cống chui dân sinh không có đèn chiếu sáng gây mất an toàn giao thông.

Cống dân sinh thường xuyên ngập nước

Chỉ sau một trận mưa giữa mùa hè, tại nhiều vị trí cống chui dân sinh dự án cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ đã bị ngập nước, mặt đường sình lầy bùn đất, ngập ngụa trong rác thải và vật liệu xây dựng khiến việc lại của người dân gặp nhiều khó khăn.

Theo ghi nhận của PV Báo Gia đình & Xã hội, cống chui dân sinh tại cầu vượt thuộc hai xã Đông Mỹ và Liên Ninh (huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) thường xuyên bị ngập nước cục bộ do mặt đường trong cống thấp hơn so với độ cao đường gom. Tại đây không có hệ thống rãnh thu cũng như thoát nước tại 2 đầu cống.

Nhiều vị trí đường gom sau một thời gian khai thác đã bị trồi lún, võng vệt bánh xe, đọng nước trên mặt đường… một số đoạn đường dân sinh khả năng thoát nước hạn chế, ngập nước cục bộ khi mưa lớn như: Km184, Km185 phía bên phải tuyến đoạn qua xã Tứ Hiệp và đoạn nút giao thông cầu vượt Đông Mỹ (huyện Thanh Trì, Hà Nội).

Trục đường gom của dự án cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ đi qua các xã của huyện Thanh Trì (Hà Nội) xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: P.V

Trục đường gom của dự án cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ đi qua các xã của huyện Thanh Trì (Hà Nội) xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: P.V

Ở bên ngoài các cống chui dân sinh tại đây luôn là hình ảnh ngổn ngang đất cát, vật liệu xây dựng bừa bãi hoặc là những hệ thống rãnh thu và thoát nước đang trong quá trình thi công đang dở, tạm bợ. Tại nhiều vị trí, trên hệ thống rãnh thu và thoát nước bị lấp kín bởi đất cát, cỏ dại mọc um tùm. Quan sát bên trong cống chui dân sinh, trên mặt đất xuất hiện dày đặc ổ gà, bùn đất vương vãi, mạng nhện bám bụi bẩn chi chít khắp nơi.

"Vào ngày nắng thì mặt đường bụi đất, cát sỏi bay mù mịt, còn ngày mưa thì nước bùn đất đọng lại thành hố trơn trượt, lầy lội, nước bẩn bắn tung tóe. Chưa kể, cứ mưa là cống chui dân sinh ngập nước cục bộ do nền thấp hơn mặt đường. Thời điểm triển khai dự án, phía chủ đầu tư cam kết sẽ sớm khắc phục thế nhưng chẳng giải quyết gì. Không ít vụ tai nạn giao thông trên trục đường này đã xảy ra gây nhiều lo lắng cho người dân địa phương", chị Lưu Thị Huyền (ở xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì) cho biết.

Mỗi khi di chuyển qua tuyến đường gom và ống chui dân sinh cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, các phương tiện giao thông phải "mò mẫm" đi trong đêm bởi hệ thống chiếu sáng của tuyến đường gom và ống chui dân sinh rất yếu. Đây là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ tai nạn trên tuyến đường gom cao tốc, do các phương tiện di chuyển với tốc độ cao, đường không đủ ánh sáng, khi gặp sự cố không thể kịp xử lý.

Anh Nguyễn Thành Hưng, một tài xế taxi cho biết: "Chạy trên tuyến đường gom cao tốc vào ban đêm tôi không dám đi nhanh, bởi đường có nhiều xe máy lưu thông, lại không có đèn cao áp nên chỉ cần một xe ngược chiều chiếu pha là không nhìn thấy gì, rất dễ xảy ra tai nạn".

Theo một người bán nước ven đường, thời điểm buổi tối tại cung đường này thường xuyên xảy ra tai nạn do các phương tiện chạy với tốc độ cao, đường tối nên không kịp xử lý.

Chủ đầu tư nói gì?

Nhiều ống cống thoát nước từ hai bên đường gom vẫn chưa có nắp đậy.

Nhiều ống cống thoát nước từ hai bên đường gom vẫn chưa có nắp đậy.

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Vũ Ngọc Oánh, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ thừa nhận hiện trạng mất an toàn giao thông tại hệ thống đường gom và cống chui dân sinh của dự án. Tuy nhiên, theo ông Oánh, vì đây là đường cũ nên trách nhiệm thuộc về Sở GTVT Hà Nội quản lý.

Ông Oánh cũng cho biết, hiện chủ đầu tư chưa có phương án nào bởi muốn hoàn thiện hệ thống đường gom và cống dân sinh còn liên quan đến vấn đề giải phóng mặt bằng. "Mà vấn đề giải phóng mặt bằng thì trách nhiệm thuộc về UBND TP Hà Nội chứ không phải chủ đầu tư dự án", Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ nhấn mạnh.

Nói về việc tuyến đường gom và ống chui dân sinh không có hệ thống đèn chiếu sáng, theo ông Oánh, hiện nay chủ đầu tư cũng đã đề nghị Bộ GTVT xem xét. "Bộ GTVT thiết kế thế nào thì mình làm như thế. Trước kia chưa có đường gom, ít người qua lại, bây giờ giao thông thuận lợi nên nhiều phương tiện lưu thông. Nếu nâng cấp mặt đường gom thì ô tô không đi qua cống chui được. Nói chung còn nhiều vấn đề lắm. Việc này, Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang nghiên cứu chứ chúng tôi muốn làm cũng không làm được", ông Oánh nói thêm.

Được biết, dự án đầu tư nâng cấp tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ theo hình thức BOT có tổng chiều dài khoảng 29km với điểm đầu tại Km182+300; điểm cuối tại Km211+256. Dự án có tổng mức đầu tư là 6.731 tỷ đồng và được chia thành hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 được khởi công từ ngày 29/9/2014 và hoàn thành vào 30/6/2015. Tổng mức đầu tư là 1.974 tỷ đồng, bao gồm cải tạo, nâng cấp kết cấu mặt đường chính tuyến đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe cơ giới, tận dụng đường hiện tại với bề rộng nền đường 25m.

Giai đoạn 2 có mức đầu tư là 4.757 tỷ đồng để mở rộng thêm 2 làn, xây dựng mở rộng hoàn chỉnh đường cao tốc thành 6 làn xe cơ giới, bề rộng nền đường 33,5m, xây dựng đường gom song hành hai bên với quy mô đường cấp 4 đồng bằng. Dự án bắt đầu thu phí hoàn vốn từ ngày 6/10/2015. Sau khi giảm giá vé, tính toán lại phương án tài chính, Bộ GTVT đã đồng ý để nhà đầu tư giảm số năm thu phí từ 17 năm 3 tháng xuống còn 15 năm 7 tháng.

Cao Tuân - Ngọc Tuấn

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/du-an-cao-toc-phap-van-cau-gie-mat-an-toan-giao-thong-tai-he-thong-duong-gom-20190626154513381.htm