Dự án Cát Linh - Hà Đông: 28% công nhân nghỉ việc vì chờ quá lâu

Đến nay, 28% những người được tuyển dụng chờ quá lâu đã nghỉ. TP Hà Nội đã tiếp tục bổ sung số lượng cán bộ này để luôn có bộ máy tiếp nhận là hoạt động ngay. TCDN -

Sáng 19/10 Đoàn Đại biểu QH TP Hà Nội có cuộc làm việc với thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội trước kỳ họp thứ X, Quốc ho khóa XIV.Tại cuộc làm việc, nhiều ĐBQH đặt câu hỏi tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông bao giờ mới khai thác. Đây là vấn đề cử tri thủ đô đặc biệt quan tâm.

Công nhân nghỉ việc vì chờ quá lâu

Trả lời vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho biết, đến giờ phút này, những việc Thủ tướng giao cho Hà Nội đã hoàn thiện. Hà Nội sẵn sàng tiếp nhận, đưa công trình vào khai thác, vận hành.

Cụ thể, Hà Nội đã thuê tư vấn vận hành chạy thử giai đoạn đầu để đảm bảo an toàn trước khi đưa vào khai thác thương mại, vì đây là vấn đề mới chúng ta chưa có kinh nghiệm. Hà Nội đã thành lập công ty TNHH nhà nước 1 thành viên đường sắt đô thị, bố trí kinh phí hoạt động từ 2014 đã dùng ngân sách để nuôi bộ máy này.

 Tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông.

Tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông.

“Tuy nhiên, đến nay, 28% những người được tuyển dụng chờ quá lâu đã nghỉ. TP Hà Nội đã tiếp tục bổ sung số lượng cán bộ này để luôn có bộ máy tiếp nhận là hoạt động ngay”, ông Hùng nói.

Hà Nội đã xây dựng kế hoạch, có phương án kết nối với mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, điều chỉnh toàn bộ hệ thống xe buýt các ga tuyến này để kết nối với tuyến đường sắt đô thị. Hà Nội cũng phê duyệt toàn bộ hạ tầng phục vụ kết nối với hạ tầng xe buýt, tất cả các ga này phải cải tạo lại. Công tác tổ chức thông tin tuyên truyền về tuyến đường này cũng đã làm…

Ông Hùng cũng thông tin về những vướng mắc Hà Nội đang gặp phải. Chẳng hạn, đội ngũ chuyên gia cần 150 người thì hiện nay mới có 39 người. Hà Nội đã bố trí nơi cách ly riêng cho các chuyên gia này, nhưng giờ họ chưa sang được. Vướng mắc với tư vấn ICT của Pháp về đánh giá quá trình vận hành họ cũng chưa sang được.

Vướng mắc nữa là công tác nghiệm thu giữa nhà thầu và Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chưa thống nhất với nhau liên quan đến công trình kĩ thuật, một số thiết bị không phù hợp với thiết kế, những vấn đề này thuộc trách nhiệm của Bộ GTVT với tổng thầu. Vấn đề thanh toán cũng vướng mắc.

Về vấn đề này, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, mới đây, Hà Nội có cuộc làm với Bộ GTVT về tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông với tinh thần sẵn sàng phối hợp thực hiện các bước để nhanh chóng đưa tuyến đường này vào khai thác. Hà Nội luôn sẵn sàng tinh thần hợp tác, sớm đưa vào vận hành.

Vận hành đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội vào đầu năm 2021

Ông Lê Trung Hiếu, Phó trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết trong tháng 11/2020 sẽ tổ chức trưng bày đoàn tàu đường sắt đô thị số 3 Nhổn-ga Hà Nội để cho người dân tham quan. Dự kiến sau Tết Tân Sửu 2021 sẽ triển khai chạy thử.

Ngay sau khi đoàn tàu đường sắt đô thị số 3 Nhổn-ga Hà Nội cập cảng Nam Hải Đình Vũ (Hải Phòng) ngày 18/10, theo kế hoạch, các toa tàu sẽ được vận chuyển bằng xe siêu trường siêu trọng từ cảng tới khu Depot Nhổn (Hà Nội), sau đó lắp đặt lên ray để vận hành thử nghiệm trước khi vận hành chính thức.

“Do đoàn tàu thuộc loại hàng hóa siêu trường, siêu trọng, chiều cao lớn nên phải xin giấy phép vận chuyển, với hành trình và thời gian cụ thể. Vào lúc 22 giờ ngày 18/10, các đoàn xe bắt đầu khởi hành từ cảng Nam Hải Đình Vũ để về Depot Nhổn,” ông Hiếu thông tin.

 Đoàn tàu đường sắt đô thị số 3 Nhổn-ga Hà Nội đang được vận chuyển về khu Depot Nhổn.

Đoàn tàu đường sắt đô thị số 3 Nhổn-ga Hà Nội đang được vận chuyển về khu Depot Nhổn.

Cung đường vận chuyển đoàn tàu metro Nhổn-ga Hà Nội là 189 km, sẽ đi từ cảng Nam Hải Đình Vũ-Quốc lộ 5 kéo dài-Quốc lộ 10, đường nối Thái Bình-Hà Nam, nút giao Liêm Tuyền-Quốc lộ 21 để ra Quốc lộ 1 cũ từ thành phố Phủ Lý (Hà Nam). Sau đó, đoàn tàu được chở đi theo Quốc lộ 1A cũ-đường Giải Phóng (Hà Nội)-đường vành đai 3-Lê Đức Thọ (sân vận động Mỹ Đình)-Hồ Tùng Mậu để về Depot.

“Sau 2 đêm vận chuyển, đoàn tàu sẽ về khu Depot Nhổn và thực hiện lắp đặt lên ray để vận hành thử nghiệm trước khi vận hành chính thức. Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội sẽ đưa tàu lên nhà ga trên cao S1 để quản lý, trưng bày cho người dân tham quan vào tháng 11/2020,” ông Hiếu cho hay.

Theo đại diện MRB, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ dự án như các gói thầu xây lắp như khó khăn trong việc huy động nhân công và nhập khẩu vật tư, vật liệu có nguồn gốc nước ngoài; các gói thầu thiết bị ảnh hưởng do đa số thiết bị được sản xuất và nhập khẩu từ các đơn vị tại các nước châu Âu dẫn tới tiến độ sản xuất chế tạo, nghiệm thu tại nhà máy và vận chuyển thiết bị của gói thầu bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, dự án đang bước vào giai đoạn lắp đặt và thử nghiệm thiết bị và hệ thống, do vậy cần số lượng lớn chuyên gia của nhà thầu và tư vấn từ nước ngoài tới Việt Nam để thực hiện công việc.

Là đơn vị vận hành, khai thác tuyến metro Nhổn-ga Hà Nội, ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đường sắt Hà Nội cho hay đơn vị đã tuyển được 50 lái tàu và đưa đi đào tạo và đang tiếp tục tuyển 525 nhân sự để vận hành như nhân viên bán vé, phục vụ trên tàu…

“Dự kiến tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn-ga Hà Nội sẽ khai thác thương mại trước đoạn trên cao dài 8,5km vào nửa cuối năm 2021, bắt đầu từ Nhổn đến ga S8-Đại học Giao thông Vận tải. Riêng 4km đi ngầm còn lại sẽ khai thác vào cuối năm 2022,” ông Trường nói.

Dự án có tổng mức đầu tư 1.176 triệu Euro, từ nguồn vốn vay ODA Ngân hàng đầu tư châu Âu, Chính phủ Pháp, Ngân hàng phát triển châu Á và vốn đối ứng trong nước.

Thanh Hà

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/du-an-cat-linh--ha-dong-28-cong-nhan-nghi-viec-vi-cho-qua-lau-d16098.html