Dự án cầu Dây Văng chậm tiến độ
Theo phản ánh của người dân sinh sống quanh khu vực cầu Dây Văng trên địa bàn phường Tô Hiệu (Thành phố), sau hơn 5 tháng kể từ khi cầu Dây Văng được tháo gỡ đến nay, không thấy nhà thầu triển khai thi công các hạng mục tiếp theo. Phóng viên Báo Sơn La tìm hiểu nguyên nhân để giải đáp thắc mắc của người dân.
Cầu Dây Văng là một trong những hạng mục của Dự án kè suối Nặm La (giai đoạn II) đoạn từ cầu 308 đến cầu Dây Văng, khi công trình hoàn thành sẽ góp phần cải thiện môi trường sinh thái, thúc đẩy phát triển thương mại-du lịch, tạo tiền đề phát triển đô thị dọc hai bên suối. Theo thiết kế, cầu Dây Văng xây dựng mới có chiều dài 44,46 m, chiều rộng 15 m, kết cấu dạng vòm bê tông cốt thép, với tổng vốn đầu tư 19,7 tỷ đồng. Ban Quản lý dự án di dân TĐC Thủy điện Sơn La làm chủ đầu tư, Công ty Soricom là đơn vị thi công. Công trình khởi công tháng 3/2021. Dự kiến sẽ hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng trong quý I năm 2022.
Tuy nhiên, qua kiểm tra hiện trường và báo cáo tình hình tổ chức triển khai thi công của đơn vị tư vấn giám sát tại công trình, nhận thấy, sau khi tháo dỡ cầu cũ, nhà thầu không bố trí máy móc thiết bị, nhân lực để phục vụ thi công hạng mục cầu Dây Văng. Trao đổi với ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Công ty TNHH Soricom, ông cho biết: Ngày 1/3/2021, nhà thầu mới được bàn giao mặt bằng để thi công cầu Dây Văng. Sau đó, ngày 3/3, đã tiến hành việc tháo dỡ cầu Dây Văng và phần tháo dỡ cầu phải làm thủ công kết hợp với máy, các kết cấu của cầu lâu ngày không duy tu, bảo dưỡng nên sắt bị hoen gỉ khiến việc tháo gỡ đến hết tháng 5 mới hoàn thành, chậm hơn 1 tháng so với tiến độ đề xuất của nhà thầu. Sau khi tháo dỡ xong kết cấu của cầu, nhà thầu đã tiến hành khoan 5 cọc khoan nhồi, trong đó có 1 cọc đã khoan hoàn thiện và đổ bê tông.
Cũng theo ông Tuấn: Đơn vị đã nỗ lực huy động phương tiện, nhân công để đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các hạng mục cầu theo hợp đồng. Tuy nhiên, 4 cọc còn lại đang khoan phải dừng lại do địa chất thay đổi so với hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công đã duyệt là lớp đá vôi mầu xám xanh, ghi xanh, phong hóa nứt nẻ; trên thực tế thi công thì đá quá cứng, dẫn đến việc khoan tạo lỗ cọc nhồi bằng máy khoan xoay không khoan được, phải chuyển sang khoan bằng máy khoan đập cáp. Khó khăn là trên địa bàn tỉnh chưa có loại máy khoan này. Sau khi báo cáo xin ý kiến của chủ đầu tư, chúng tôi đã tìm thuê đơn vị dưới xuôi lên để thi công. Đúng thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát, chưa vận chuyển máy khoan từ Hà Nội lên Sơn La được. Bây giờ, lại bước vào mùa mưa, khiến công trình chưa thực hiện được.
Phía nhà thầu cho biết thêm: Thời điểm đơn vị ký hợp đồng thực hiện dự án cầu Dây Văng từ tháng 11/2017. Nhưng sau 4 năm, đến tận tháng 3/2021, nhà thầu mới được bàn giao mặt bằng để thi công. Thời điểm này, giá nhân công, vật liệu, nhiên liệu tăng cao khoảng 40% so với thời điểm ký kết hợp đồng, đặc biệt là giá sắt thép thời điểm ký hợp đồng chỉ có 11.400 đồng/kg thì hiện nay tăng lên 19.872 đồng/kg, tăng 80%, nên nhà thầu cũng gặp khó khăn.
Băn khoăn với lý do nhà thầu đưa ra là phải tạm ngừng thi công do địa chất thay đổi so với hồ sơ thiết kế, chúng tôi đã gặp và trao đổi với ông Đoàn Kim Chung, Trưởng phòng Quản lý dự án (Ban quản lý dự án di dân TĐC thủy điện Sơn La). Ông Chung khẳng định: Kết quả khảo sát địa chất của đơn vị tư vấn khảo sát đã được chủ đầu tư giám sát trong quá trình thực hiện và nghiệm thu theo đúng quy định. Quá trình khảo sát địa chất đã khoan tại hiện trường, lấy mẫu để thí nghiệm. Từ đó đánh giá được tính chất cơ lý của các lớp địa chất và là một trong yếu tố để xác định cao độ đặt mũi cọc khoan nhồi. Quá trình thi công theo dõi thực tế tại các vị trí cao độ gặp các lớp địa chất thay đổi đúng với hồ sơ khảo sát địa chất. Nhà thầu nói địa chất thay đổi so với hồ sơ được duyệt là chưa có căn cứ.
Ông Chung cũng thông tin thêm: Riêng dự án kè suối Nặm La đã thi công xong 4 cầu tương tự, cầu Dây Văng là cầu thứ 5 và thi công sau cùng; đều do cùng một đơn vị tư vấn khảo sát, thiết kế và đều phải khoan sâu vào lớp đá cứng tương tự như cầu Dây Văng (vì theo tiêu chuẩn thiết kế bắt buộc đầu cọc khoan nhồi phải ngàm vào trong đá cứng) như hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt. Theo thực tế đã thực hiện thì khi khoan vào lớp đá một ngày (thi công khoảng 10 tiếng), chỉ khoan được gần 1m chiều sâu và thường xuyên phải thay đầu búa thì mới thi công được.
Để đẩy nhanh tiến độ, không làm ảnh hưởng tới cuộc sống của các hộ dân sinh sống xung quanh khu vực thi công công trình, ngày 10/8, Ban Quản lý Dự án di dân TĐC Thủy điện Sơn La cũng có Công văn số 317/TĐC-QLDA về việc đẩy nhanh tiến độ thi công hạng mục cầu Dây Văng thuộc Dự án kè suối Nặm La, thành phố (giai đoạn II) đoạn từ cầu 308 đến cầu Dây Văng gửi Công ty TNHH Soricom, Công ty TNHH Tư vấn xây dựng 319.
Ông La Minh Khôi, Trưởng Ban Quản lý Dự án di dân TĐC Thủy điện Sơn La, cho biết: Ban Quản lý Dự án đã yêu cầu Công ty TNHH Soricom khẩn trương tập trung máy móc thiết bị, vật tư vật liệu và nhân lực tổ chức triển khai thi công ngay hạng mục cầu Dây Văng theo hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công đã được phê duyệt, biện pháp thi công được chấp thuận; lập rào chắn, các điều kiện đảm bảo an toàn tránh gây nguy hiểm cho người và phương tiện đi lại quanh khu vực thi công cầu; khơi thông dòng chảy đúng theo hồ sơ thiết kế tránh gây ngập úng cho các hộ dân hai bên bờ suối. Đối với đơn vị tư vấn, giám sát, tập trung nhân lực thường xuyên có mặt tại hiện trường để kiểm tra đôn đốc việc triển khai tổ chức thi công của nhà thầu.
Bên cạnh đó, để đảm bảo vệ sinh, cảnh quan môi trường khu vực kè suối Nặm La nói chung và khu vực cầu Dây Văng nói riêng, Ban Quản lý Dự án di dân TĐC Thủy điện Sơn La cũng đã có công văn đề nghị UBND thành phố, chỉ đạo UBND phường Tô Hiệu, Chiềng Lề, Chiềng Cơi tuyên truyền, vận động các hộ dân không được đổ các loại rác thải ra khu vực công trường đang thi công cũng như dọc suối.
Chị Cao Hường, tổ 5, phường Tô Hiệu, sống gần khu vực thi công cầu Dây Văng, nói: Khi biết cầu được bắt đầu tháo dỡ để triển khai xây dựng cầu mới, tôi và người dân trong tổ rất phấn khởi. Cây cầu hoàn thành, tuyến đường 2 bên cầu được nối liền sẽ tạo mỹ quan đô thị, thuận lợi cho người dân trong việc đi lại và kinh doanh. Chúng tôi rất mong các ngành chức năng chỉ đạo quyết liệt để cầu sớm hoàn thành. Tôi và bà con trong tổ thực hiện nghiêm việc giữ vệ sinh chung, tuyệt nhiên không có chuyện đổ rác xuống lòng suối hay tại các mố cầu nơi công trình đang thi công.
Chia sẻ với nhà thầu về khó khăn gặp phải khi thi công, ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19; biến động giá nhân công, vật liệu và yếu tố thời tiết. Tuy nhiên, việc khắc phục khó khăn, đảm bảo tiến độ thi công chính là thước đo năng lực của nhà thầu. Rất mong Ban quản lý Dự án di dân TĐC Thủy điện Sơn La tiếp tục tăng cường giám sát, đôn đốc, chỉ đạo nhà thầu thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, sớm đưa cầu Dây Văng vào hoạt động, đáp ứng sự kỳ vọng, mong đợi của nhân dân, góp phần xây dựng thành phố Sơn La ngày càng sáng-xanh-sạch-đẹp.
Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/du-an-cau-day-vang-cham-tien-do-42466