Dự án chăn nuôi bò 2.632 tỉ đồng ở Đắk Nông... 'sớm nở, tối tàn'

Đầu năm 2016, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai triển khai dự án nuôi bò công nghệ cao tại tỉnh Đắk Nông với quy mô đầu tư hơn 2.632 tỉ đồng. Thế nhưng, siêu dự án này chỉ 'sớm nở, tối tàn' đã khiến cho rất nhiều người dân vô cùng thất vọng.

Dự án chăn nuôi bò hơn 2.632 tỉ đồng của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai đắp chiếu nhiều năm nay. Ảnh: Phan Tuấn

Dự án chăn nuôi bò hơn 2.632 tỉ đồng của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai đắp chiếu nhiều năm nay. Ảnh: Phan Tuấn

"Vẽ" dự án nuôi bò siêu khủng hơn 2.632 tỉ đồng

Tháng 1.2016, dự án chăn nuôi bò công nghệ cao của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai được được UBND tỉnh Đắk Nông chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu với quy mô đàn bò hơn 33.000 con. Trong đó, có 10.000 con bò sữa, 20.000 con bò thịt và 3.000 con bò giống thịt. Dự án được triển khai tại xã Quảng Phú, huyện Krông Nô.

Mục tiêu của dự án sẽ phát triển tạo thành trang trại chăn nuôi bò thịt, bò sữa theo mô hình trang trại, tập trung, chuyển giao kỹ thuật cho người dân xung quanh vùng dự án. Khi dự án đi vào hoạt động, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai sẽ cung cấp con giống cao sản cho nông dân, dần thay thế cho bò con nhập khẩu.

Đặc biệt, dự án nuôi bò hơn 2.632 tỉ đồng sẽ thu hút, tạo việc làm và gắn kết doanh nghiệp với người nông dân trong phát triển nông nghiệp, nâng cao trình độ canh tác, đóng góp cho ngân sách địa phương...

Dự án được chia làm 2 giai đoạn, trên tổng diện tích 1.500ha. Cụ thể, giai đoạn 1 sẽ triển khai xây trang trại và cơ sở hạ tầng là 75,68ha, còn 198ha sẽ được sử dụng trồng nguyên liệu làm thức ăn cho gia súc.

Giai đoạn 2, sẽ khảo sát tại tiểu khu 1327, 1333 và 1334 với diện tích hơn 1.226ha. Dự kiến đến tháng 10.2018 dự án sẽ hoàn thành việc đầu tư xây dựng hạ tầng, mua sắm máy móc, thiết bị, nhập bò và trồng cỏ để chăn nuôi.

Thực tế, chủ đầu tư đã xây dựng 2 chuồng trại với quy mô rộng hàng nghìn mét vuông. Trong khoảng 2 năm đầu tiên, chủ đầu tư cũng đã trồng nhiều héc ta cỏ voi, nhập nhiều con bò về để chăn nuôi.

Tuy nhiên, siêu dự án này được đánh giá là "sớm nở, tối tàn" như bông hoa phù dung. Những ngày này, quay trở lại vùng dự án, chúng tôi không thấy bất cứ con bò nào. Toàn bộ dự án là cây bụi mọc um tùm. Đặc biệt, ở 2 chuồng trại được xây dựng với mục đích nuôi bò nay đã hoen ố, rỉ sét, nền nhà bị bong tróc, nứt nẻ...

Nhiều hạng mục của trang trại chăn nuôi bò bị rỉ sét, hư hỏng. Ảnh: Phan Tuấn

Nhiều hạng mục của trang trại chăn nuôi bò bị rỉ sét, hư hỏng. Ảnh: Phan Tuấn

Nỗi thất vọng của người dân nghèo

Ngày 12.10. 2020, trang trại chăn nuôi bò lớn nhất tỉnh Đắk Nông và khu vực Tây Nguyên chính thức... "hóa kiếp".

Theo đó, UBND tỉnh Đắk Nông đã quyết định điều chỉnh chủ trương Dự án Trang trại chăn nuôi bò của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai từ 33.000 con xuống còn 1.000 con bò sinh sản, bò giống; phát triển đàn chăn nuôi heo giống, thịt thương phẩm xuất trại 110.000 con/năm, 4.800 con nái.

Với việc thay đổi quy mô này, tổng số vốn đầu tư cũng đã thay đổi, giảm xuống chỉ còn 254 tỉ đồng, với diện tích đất còn lại là gần 71ha.

Theo cơ quan chức năng, về nguồn gốc đất thực hiện dự án của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai là đất của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Đức chuyển về cho địa phương quản lý sử dụng. Hàng chục năm trước đã bị người dân xâm canh, lấn chiếm, sử dụng trái phép.

Trên phần đất này, ngoài người dân bản địa còn có nhiều người dân đến đây để mua lại với giá 30-40 triệu đồng/ha để phát triển sản xuất.

Ông Y'Vinh H'long, ở thôn Phú Lợi cho biết, gia đình bị thu hồi 3ha đất với mức hỗ trợ được đưa ra là 15 triệu đồng. Lúc đầu nghe họ hứa hẹn thì mình cũng mừng, nghĩ dân thôn Phú Lợi ở đây sắp được thoát nghèo, không còn đói khổ, có công ăn việc làm… Vì nhà mình ở đây mà lại có việc làm thì tiện quá còn gì nữa.

Theo anh Y'Vinh Hlong, nhà anh có 5 người con thì có một đứa được chủ dự án nuôi bò nhận vào làm việc trong khoảng 2 năm đầu. Thế nhưng, sau đó công ty bất thình lình chuyển hết đàn bò đi rồi "đắp chiếu" dự án cho đến nay.

"Thời công ty còn hoạt động con trai tôi và khoảng 20 người địa phương được nhận vào làm việc. Tuy nhiên, con trai tôi nhanh chóng rơi vào cảnh thất nghiệp phải lặn lội hơn 300km đến tỉnh Bình Dương để làm công nhân. Bây giờ họ đi luôn rồi, chỉ có dân là khổ thôi" – ông Y’Vinh Hlong cho biết.

Tương tự, bà Y Ngúc, một người dân ở đây cho biết, nhà tôi có 1,6ha bị thu hồi và được nhận 7,5 triệu đồng tiền hỗ trợ đền bù. Họ hứa là sẽ đền đất thổ cư khác cho dân, cứ 1 khẩu là cấp 5 sào, rồi nuôi dân trong 3 năm (cấp gạo, cấp lúa, tiền bạc) nhưng rốt cuộc có cấp đâu.

Thậm chí, con tôi đi làm cắt cỏ ở trại bò, ông hứa làm nuôi ăn, nuôi ở nhưng không có nên con tôi làm được 1 tháng xong cũng nghỉ. Họ trả cho con tôi có có 3 triệu đồng tháng.

Liên quan đến việc triển khai thực hiện dự án, ông Đỗ Thanh Hùng, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú chia sẻ, trước kia chính quyền địa phương rất mong muốn dự án đi vào hoạt động để đảm bảo công tác thu ngân sách, tạo công ăn việc làm trên địa bàn, đặc biệt là các hộ bị thu hồi đất. Tuy nhiên đến nay mô hình hoạt động không hiệu quả nên gây bức xúc trong nhân dân.

Theo Phan Tuấn-Phương Nhiên (LĐO)

https://laodong.vn/kinh-doanh/du-an-chan-nuoi-bo-2632-ti-dong-o-dak-nong-som-no-toi-tan-1066105.ldo

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/1624/202207/du-an-chan-nuoi-bo-2632-ti-dong-o-dak-nong-som-no-toi-tan-5783867/