Dự án chống ngập 10.000 tỷ: Điểm nghẽn vẫn là vốn

'Nếu muốn dự án đưa vào hoạt động đúng thời hạn thì phải hoàn tất gấp thủ tục gia hạn tái cấp vốn và bàn giao mặt bằng cho chúng tôi thi công. Nếu không thì chắc chắn đến tháng 6/2020, dự án cũng chưa đưa vào vận hành được. Chúng tôi cũng kiến nghị HĐND thông qua kế hoạch ghi vốn năm 2020 để hoàn trả cho dự án', ông Tiến giải trình.

Giám sát dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng của TP.HCM, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM cho rằng, đến thời điểm này tiến độ dự án chưa có gì mới so với thời điểm 6 tháng trước.

Giải trình về vấn đề này, ông Nguyễn Tâm Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 - chủ đầu tư dự án cho biết, sau khi UBND TP.HCM cho phép tái khởi động dự án, hiện tại tất cả các hạng mục chính đã triển khai, tiến độ đạt 76%. Tổng giá trị đã thực hiện của dự án hiện vào khoảng 6.000 tỷ đồng, đạt gần 63% tổng đầu tư dự án. Cụ thể, cống Bến Nghé đạt 77% mức đầu tư, cống Tân Thuận đạt 60%, cống Phú Xuân đạt 69%, cống Mương Chuối đạt 82%, cống Cây Khô đạt 66%, cống Phú Định đạt 65%. Về tiến độ đê - kè đạt 65%, và dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2020.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trước chất vấn của đại biểu HĐND về tính hiệu quả sau khi dự án hoàn thành, ông Nguyễn Tâm Tiến khẳng định rõ 4 mục tiêu quan trọng của dự án là: Chống ngập do triều; điều tiết mực nước kênh rạch; cải tạo cảnh quan, cải thiện môi trường; đảm bảo giao thông thủy. Khi hoàn thành, dự án sẽ kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570km2, với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực trung tâm TP.HCM, phía bờ hữu sông Sài Gòn. Đồng thời, hoàn toàn kiểm soát triều cường từ sông lớn, kể cả triều biển dâng cho khu vực nội đô thành phố…

Theo chủ đầu tư, dự kiến dự án hoàn thành vào tháng 6/2020 nhưng hiện tại đang gặp một số vướng mắc khiến thời gian đưa vào hoạt động có thể kéo dài hơn. Hiện nay, UBND TP.HCM chưa ký xác nhận báo cáo thanh toán giải ngân nên ngân hàng không giải ngân, do đó nhà đầu tư thiếu kinh phí thực hiện. Bên cạnh đó, vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng tại huyện Nhà Bè cũng đang kéo lùi tiến độ dự án. Hiện tại huyện Nhà Bè có 63 hộ dân và 2 đơn vị chưa được giải tỏa đền bù do thiếu kinh phí.

"Nếu muốn dự án đưa vào hoạt động đúng thời hạn thì phải hoàn tất gấp thủ tục gia hạn tái cấp vốn và bàn giao mặt bằng cho chúng tôi thi công. Nếu không thì chắc chắn đến tháng 6/2020, dự án cũng chưa đưa vào vận hành được. Chúng tôi cũng kiến nghị HĐND thông qua kế hoạch ghi vốn năm 2020 để hoàn trả cho dự án", ông Tiến giải trình.

“Tiến độ dự án chậm ngày nào lãi phát sinh càng lớn, không chủ đầu tư nào muốn dự án kéo dài như vậy. Chính vì vậy, đề nghị, các đơn vị, cơ quan chức năng, sở ngành có liên quan khẩn trương tham mưu UBND thành phố hoàn tất quy trình thủ tục để kiến nghị các bộ ngành thẩm định và kiến nghị ngành Ngân hàng sớm tái cấp vốn để thực hiện dự án”, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ yêu cầu.

“Kỳ họp HĐND TP.HCM tới sẽ thông qua một khoản kinh phí 2.700 tỷ đồng để bố trí vốn năm 2020 cho thành phố trả tiền gốc và lãi theo hợp đồng của dự án”, bà Lệ cho biết.

Ngọc Hậu

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/du-an-chong-ngap-10000-ty-diem-nghen-van-la-von-94748.html