Dự án đằng sau tham vọng trở thành tập đoàn tỷ USD của Đức Giang
Chủ tịch HĐQT Đức Giang kỳ vọng Tổ hợp Nhôm - Alumin ở Đắk Nông sẽ đưa doanh nghiệp này trở thành tập đoàn tỷ USD.
ĐHĐCĐ thường niên 2024 của CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (Đức Giang – HoSE: DGC) được tổ chức thành công ngày 29/3 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Almaz , Phúc Lợi, Long Biên, Hà Nội. Với tỷ lệ đồng thuận cao, cổ đông công ty đã thông qua toàn bộ tờ trình.
Trong năm 2024, Đức Giang lên kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu hợp nhất 10.202 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 3.100 tỷ đồng, cổ tức tiếp tục ở mức cao 30%. So với những năm qua, kế hoạch kinh doanh của Đức Giang năm nay có phần thận trọng hơn.
Đánh giá về việc này, Chủ tịch HĐQT Đào Hữu Huyền cho biết "thực ra năm 2024 khó khăn chứ không phải thận trọng. Năm 2024, doanh nghiệp phấn đấu lợi nhuận đạt hơn 3.000 tỷ là không hề đơn giản, chưa kể vấn đề điện tăng giá."
Hiện tại, tình hình tiêu thụ của tập đoàn vẫn tốt, có gì là bán hết, không ế nhưng giá cả không phải cao, ông Huyền nói.
Công ty không đề cập chi tiết sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt hay cổ phiếu. Theo ông Đào Hữu Huyền, nếu như các dự án liên tục đi vào triển khai, công ty sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu và tăng vốn điều lệ thay vì chia cổ tức bằng tiền mặt.
Về tình hình kinh doanh 3 tháng đầu năm, Chủ tịch Đào Hữu Huyền cho biết tập đoàn thu về khoảng 3.000 tỷ đồng doanh thu, hơn 700 tỷ đồng lợi nhuận. Kết quả chưa khả quan lắm vì vướng vào một tháng lễ Tết (tháng 2).
Kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản năm 2024 bao gồm xây dựng Tổ hợp Xút - Chất dẻo tại Nghi Sơn (giai đoạn 1) 500 tỷ đồng; tiếp tục nghiên cứu và khảo sát để có giấy phép đầu tư Dự án Alumin; mở rộng, nâng cấp trữ lượng tại Khai trường 25.
Trong năm 2024, DGC sẽ lên kế hoạch sáp nhập Phốt pho 6 vào Công ty TNHH Hóa Chất Đức Giang Lào Cai và nghiên cứu sáp nhập CTCP Phốt Pho Apatit Việt Nam (UPCoM: PAT) vào DGC.
Tại đại hội, cổ đông DGC tỏ ra không quá hào hứng với việc sáp nhập PAT. Ông Đào Hữu Huyền cho biết cổ đông PAT cũng phản ứng tương tự tại ĐHĐCĐ công ty này vào ngày 27/3 vừa qua.
Theo ông Huyền, khi sáp nhập công ty con PAT vào công ty mẹ, Đức Giang sẽ phải trả thêm 200 tỷ đồng tiền thuế. Chủ tịch Đức Giang cho biết ông không thích có quá nhiều mã cổ phiếu trên sàn chứng khoán.
“Một mã thôi cho nó mạnh mẽ,” ông Đào Hữu Huyền nói.
Một trong những nội dung quan trọng khác được ĐHĐCĐ Đức Giang thông qua, là việc tái bầu cử nhân sự HĐQT và BKS, nhiệm kỳ 2024 – 2029. Về cơ bản, nhân sự HĐQT và BKS của DGC được giữ nguyên, ngoại trừ việc bà Nguyễn Thị Thu Hà thay thế vị trí Thành viên HĐQT độc lập của ông Nguyễn Văn Quang – người đã gắn bó với công ty này từ năm 2015.
Chia sẻ về tầm nhìn của tập đoàn trong 5 năm tiếp theo, Chủ tịch Đức Giang đánh giá cao tầm quan trọng của Tổ hợp Nhôm - Alumin ở Đắk Nông. Dự án alumin với công suất 2 triệu tấn có thể mang về 16.000 tỷ đồng doanh thu. Nhà máy nhôm công suất 300.000 tấn/năm, với giá hiện nay tính ra đã là 600 triệu USD/năm, cộng với 16.000 tỷ đồng của nhà máy alumin, doanh số thu về có thể lên đến tầm 30.000 tỷ đồng.
“Chắc chắn với dự án nhôm - alumin, Đức Giang sẽ trở thành doanh nghiệp tỷ USD,” ông Đào Hữu Huyền nhận định. Theo người đứng đầu của DGC, đây cũng là mục tiêu trong nhiều năm nay của tập đoàn hóa chất này.
Sôi nổi phần thảo luận
Một trong những vấn đề được cổ đông Đức Giang quan tâm hàng đầu tại đại hội là dự án Tổ hợp Nhôm – Alumin tại Đắk Nông.
Chia sẻ tại đại hội, Chủ tịch Đào Hữu Huyền cho biết vào tuần trước Đức Giang đã ký biên bản MOU với UBND tỉnh Đắk Nông với dự án bauxite trị giá 2,3 tỷ USD. Đây phải là một dự án "hoành tráng" của Đức Giang, công ty cũng không “ký bừa”.
Tầm cỡ Đức Giang giờ đã khác, tập đoàn có tầm chục nghìn tỷ đồng, vay ngân hàng và huy động tiền từ cổ đông, công ty thừa sức để thực hiện những dự án tỷ USD. Ngân hàng Vietcombank cũng đã ký cam kết cho công ty vay 14.500 tỷ đồng.
Đối với dự án bauxite, người ta yêu cầu đầu tiên là năng lực tài chính, sau đó là năng lực công nghệ. Tỉnh Đắk Nông đánh giá DGC là công ty sẽ làm nhanh nhất và hiệu quả nhất dự án, khi công ty có sẵn tiền và có nhiều chuyên môn, ông Huyền nói.
Về tiến độ thực hiện, Tổng giám đốc Đào Hữu Duy Anh nhận định là dự án phức tạp. Khoảng bao giờ có thể bắt đầu thì rất khó. Công ty mong muốn có giấy chứng nhận đầu tư trong vòng 2 năm tới, đưa vào hoạt động phải từ 4-5 năm nữa.
Tính đến cuối năm 2023, Đức Giang sở hữu 1.061 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, cùng với 9.342 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn. Tại đại hội, một số cổ đông đề nghị công ty xem xét những kênh đầu tư với lãi suất cao hơn, như đầu tư trái phiếu.
Phản hồi cổ đông, Chủ tịch Đỗ Hữu Huyền cho biết, sở hữu lượng tiền mặt khổng lồ giúp Đức Giang có nhiều lợi thế để xin dự án các tỉnh. Công ty cũng không có ý định đầu tư, kiếm tiền từ trái phiếu. Nhiều công ty tài chính đã từng mời DGC mua trái phiếu nhưng ban lãnh đạo không đồng ý vì thấy rất rủi ro. Đức Giang hiện sẽ ôm “bọc tiền” này để đầu tư các dự án tiềm năng.
Một trong những nội dung khác được cổ đông DGC quan tâm là việc sản xuất axit photphoric cấp độ bán dẫn.
Tổng giám đốc Đào Hữu Duy Anh cho biết DGC đang nghiên cứu, tuy nhiên công nghệ rất phức tạp. Khách hàng hiện đang đang yêu cầu mức độ siêu tinh khiết, để nghiên cứu phát triển và sản xuất là rất khó khăn. Đức Giang đang nghiên cứu và cập nhật những công nghệ mới ở trên thế giới, tuy nhiên vẫn còn cần một khoảng thời gian nữa.
Để sản xuất thì sẽ cần xây dựng một nhà máy mới, chứ không thể sử dụng cơ sở hiện ở có Lào Cai. Sản xuất xong rồi, việc tìm khách hàng để mua cũng là một vấn đề. DGC đang nghiên cứu đón đầu, nếu Samsung hay ai đó về Việt Nam làm chất bán dẫn, chúng ta có thể cung cấp trực tiếp cho họ, ông Duy Anh nói.
Liên quan tới dự án Nghi Sơn, nhiều cổ đông băn khoăn vì sao Đức Giang đang tạm dừng triển khai giai đoạn 2.
Theo ông Đào Hữu Duy Anh, công ty đang muốn kiểm nghiệm thêm công nghệ chất xúc tác vàng clorua trong dây chuyền sản xuất PVC. Với sản xuất PVC từ đá vôi, việc sử dụng thủy ngân clorua trên thế giới đang bị cấm. Xúc tác vàng đang dần được sử dụng, Đức Giang đang đang chậm lại một chút để xem xét tính khả thi của phương án này, cũng như cho công nghệ được hoàn thiện trước khi đầu tư.
Chủ tịch Đào Hữu Huyền nhận định dự án Nghi Sơn có 2 giai đoạn, giai đoạn 1 là xút, giai đoạn 2 là chất dẻo. Chất dẻo là một bước tiến mới, lần đầu PVC được sản xuất tại Việt Nam. Trong thời buổi công nghệ đổi thay, chất xúc tác thủy ngân clorua không được phép sử dụng, phải sử dụng chất xúc tác mới là vàng. Phương án này các nước trên thế giới cũng đã sử dụng, tuy nhiên chạy chưa ổn định.
Đối với dự án xút, công ty hy vọng tháng 6 bắt đầu khởi công, và hoàn thành trong vòng 1,5 năm.
Về dự án bất động sản dự kiến triển khai trong các năm tới, Chủ tịch Đào Hữu Huyền cho biết Nhà nước mới đưa tập đoàn vào diện thí điểm, nhanh thì có thể triển khai trong 2025. Dự án có quy mô khoảng 1.000 căn hộ và 60 căn liền kề. Tập đoàn cũng đã chờ 5 năm nay.