Dự án đập dâng sông Trà Khúc: Cảnh báo những hệ lụy quanh dự án đội vốn 24 lần
Dự án đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc (Quảng Ngãi) sau hàng chục năm 'treo', chỉ báo cáo đội vốn, nay được cho tái khởi động trở lại, với việc phê duyệt đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của UBND tỉnh quá nhanh. Mới đây, Hội Nghề cá đã có văn bản gửi lên UBND Quảng Ngãi lên tiếng cần xem xét lại.
Đội vốn từ 60 tỷ lên 1.500 tỷ
Dự án đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc được UBND Quảng Ngãi phê duyệt vào tháng 4/2004, tổng mức đầu tư ban đầu 60,7 tỷ. Mục tiêu của dự án để giữ nước có mức dâng trên sông Trà Khúc đoạn qua TP Quảng Ngãi nhằm tạo cảnh quan phục vụ du lịch, giải trí và ngăn xâm nhập mặn... Khi dự án được phê duyệt, thân đập được làm bằng cao su. Tuy nhiên đến năm 2009, dự án được điều chỉnh, bổ sung quy mô thân đập bằng bê tông, tổng vốn đầu tư tăng lên 225,3 tỷ.
Tháng 9/2010, dự án được khởi công rầm rộ. Sau khi khởi công, công trình lại tiếp tục được điều chỉnh bổ sung, nâng cấp khiến tổng mức đầu tư tăng lên 325 tỷ rồi lên 424 tỷ đồng tính đến thời điểm năm 2013. Tuy nhiên vẫn chỉ có khởi công, tăng vốn rồi để đó. Đến tháng 6/2013, Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn có công văn đề xuất thực hiện dự án này theo hình thức BT và UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có công văn đề nghị lên Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét.
Ngày 27/10/2017, Chủ tịch UBND Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng ký ban hành quyết định về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án với tổng mức đầu tư dự kiến lên đến 955 tỷ đồng. Theo quyết định này, công trình có các hạng mục gồm: Đập dâng dài 893m, cầu giao thông dài 1.125m và một số hạng mục phụ.
Năm 2018, Quảng Ngãi ký quyết định cho thực hiện dự án với tổng mức đầu tư lên gần 1.500 tỷ. Theo đó, dự án sẽ xây dựng ở đoạn qua xã Tịnh An và Nghĩa Dũng, TP. Quảng Ngãi. Vị trí xây dựng đập dâng cách cầu Trà Khúc 2 khoảng 3,2km về phía hạ lưu. Dự án được thuyết trình kết hợp giao thông gồm phần đập dâng với phần chính là cổng ngăn sông có cửa van điều tiết và tràn. Ngoài ra còn có âu thuyền, cầu và đường giao thông… Thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2018 - 2021.
Về phương án nguồn vốn, dự án lấy nguồn tăng thu ngân sách địa phương năm 2015 để thực hiện cải cách tiền lương 200 tỷ đồng; nguồn tăng thu ngân sách địa phương năm 2017 để thực hiện cải cách tiền lương năm 2018, nguồn ngân sách tỉnh, nguồn khai thác quỹ đất và các nguồn vốn hợp pháp khác 1.298 tỷ đồng.
Qua cả chục năm trời ngâm và chỉ đội vốn, mới đây, Quảng Ngãi hối hả cho khởi động lại dự án mà công tác đánh giá tác động môi trường còn cần nhiều phân tích. Theo kế hoạch, Quảng Ngãi sẽ đưa dự án khởi công đúng dịp kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh vào tháng 7/2019. Dự án do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Ngãi làm chủ đầu tư; đơn vị tư vấn đánh giá tác động môi trường là Công ty TNHH dịch vụ và công nghệ Môi trường xanh.
Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án này vừa được phê duyệt với sự “thần tốc” khiến dư luận bất ngờ. Cụ thể, ngày 21/9/2018, Sở TNMT Quảng Ngãi tổ chức họp thẩm định ĐTM dự án. Tại báo cáo lần này, vì chưa làm rõ các vấn đề môi trường nên Hội đồng thẩm định trả hồ sơ, không thông qua. Đến ngày 11/4/2019, Hội đồng thẩm định họp lần 2 và thông qua có chỉnh sửa ĐTM này.
Ngày 19/4/2019, Cơ quan thường trực Hội đồng ĐTM ra thông báo thẩm định và yêu cầu chủ đầu tư, đơn vị tư vấn chỉnh sửa một số nội dung ĐTM. Ngày 15/5/2019, trên cơ sở yêu cầu của cơ quan thường trực Hội đồng ĐTM, chủ đầu tư có văn bản giải trình.
Một ngày sau, ngày 16/5/2019, Chủ tịch UBND Quảng Ngãi ký quyết định phê duyệt thay đổi thiết kế kỹ thuật đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc có mực nước dâng từ 3,65m xuống còn 3,5m. Cùng ngày, Sở TNMT lập tờ trình trình UBND tỉnh phê duyệt ĐTM. Ngày 17/5/2019, Chủ tịch UBND Quảng Ngãi ký quyết định phê duyệt ĐTM dự án.
Nhiều lo lắng
Trước việc Quảng Ngãi hối hả cho khởi động lại dự án mà công tác đánh giá tác động môi trường còn cần nhiều phân tích, đã dấy lên nhiều ý kiến lo ngại.
Ông Lê Ngư (55 tuổi, ngụ TP Quảng Ngãi) cùng nhiều người dân địa phương cho biết, lâu nay có quy luật cá từ biển vào vùng nước ngọt đến tận chân đập Thạch Nham đẻ, người dân dựa vào đây để đánh bắt. Bây giờ làm đập dâng (không có cửa xả đáy), lại không có đường cá đi khiến cá không thể vào sinh sản được nữa, sẽ di cư đến vùng khác. “Khi ấy nguồn lợi thủy sản bị mất đi, những hộ dân cư sinh sống bằng nghề đánh bắt thủy sản không có việc làm, họ sẽ sống bằng gì?”, ông Ngư nói.
Đồng quan điểm, ngày 7/6 vừa qua, Hội Nghề cá Quảng Ngãi cũng đã có văn bản gửi lên UBND Quảng Ngãi kiến nghị xem lại một số nội dung tác động của dự án với môi trường sống. Theo Hội Nghề cá, qua đánh giá vị trí, quy mô của dự án sẽ có tác động lớn đến môi trường, nguồn lợi thủy sản và đời sống hàng trăm cư dân hành nghề thủy sản trên đoạn sông Trà Khúc từ hạ lưu chân đập Thạch Nham đến cửa Đại, trong đó có loài thủy sản đặc hữu, mang lại giá trị kinh tế, thương hiệu sản phẩm truyền thống như cá bống sông Trà, don Quảng Ngãi…
Ngoài ra, việc chỉ thực hiện nội dung nghiên cứu, đánh giá hiện trạng vi sinh vật của Chủ đầu tư chưa đầy đủ, chưa đánh giá được tác động, ảnh hưởng của dự án đến toàn bộ môi trường sinh sản, sinh trưởng tự nhiên, đến quá trình đánh bắt, nuôi trồng, chế biến, kinh doanh các giống loài thủy đặc sản nước ngọt, nước lợ từ hạ lưu chân đập Thạch Nham đến vùng nước cửa Đại của nhân dân địa phương…
Về kỹ thuật, một chuyên gia thủy lợi tại Quảng Ngãi lên tiếng cảnh báo, đây là vấn đề đặc biệt quan trọng. Theo phân tích, dự án này làm đập dâng kết hợp đường giao thông mà địa chất ở hạ lưu sông Trà Khúc toàn là cát. Điểm này khác với đập Thạch Nham ở phía trên cầu Trà Khúc, dựa trên khối đá rất lớn. Do đó, nếu làm sẽ phải đóng cừ thép để làm trụ đỡ. Thế nhưng nếu mai này dưới tác động của dòng chảy lên xuống của thủy triều, sự tiến lùi của biển, liệu khối cát ở đập dâng có bị xói mòn?
Ngoài ra, chuyên gia này cũng lưu ý đây là cửa biển, thông suốt từ sông Trà Khúc chảy ra biển. Ở phía trên đã có đập Thạch Nham đứng trên khối đá nên không xói được vào đập nữa mà chỉ xói vào bờ phải. Giờ dưới hạ lưu làm đập dâng, nếu như dự định ban đầu làm đập cao su, ông cho rằng phù hợp bởi đập cao su có nghĩa không có giao thông, chỉ có mục đích dâng nước, như công trình tạm, sau này không dùng có thể bỏ đi. Còn làm đập bê tông, công trình vĩnh cửu, tuổi thọ phải tính hàng trăm năm, trên có đường giao thông, thì lại khác.
Một vấn đề nữa liên quan đến kỹ thuật là bờ biển quanh Quảng Ngãi có nguy cơ bị xói. Bùn cát ở trên thượng nguồn đã bị đập Thạch Nham giữ lại, nhưng đập này trong thiết kế có xả đáy, vì thế khi cần có thể xả bớt bùn cát xuống biển. Tuy nhiên, đập dâng không xả đáy được, tích bùn cát khiến cửa biển đói chất bồi tích và hệ quả nó buộc phải ngoạm hai bên bờ.
Có ý kiến còn lo lắng về môi trường cũng bị ảnh hưởng khi dự án chặn dòng chảy và khu vực này sẽ thành khu du lịch, vui chơi, giải trí. Nguy cơ ô nhiễm rất lớn khi các tàu thuyền đều chạy máy, chưa kể nhà hàng, khách sạn quanh vùng sẽ phát triển, chất thải chảy thẳng ra biển.
Chưa hết, vào mùa mưa bão, lũ lụt đã trở thành nỗi lo của người dân. Khi có đập dâng, mô hình thoát lũ chạy như thế nào, ai chịu trách nhiệm tính toán thoát lũ sai gây ngập?