Dự án Dòng chảy phương Bắc 2: Đứng trước nhiều rủi ro

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vừa thông báo Washington sẽ tiếp tục thúc đẩy các biện pháp trừng phạt với những công ty có liên quan đến hệ thống đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 dẫn khí đốt từ Nga tới châu Âu. Với lập luận dự án này chỉ mang lại lợi ích cho Mátxcơva, động thái mới trên của Mỹ sẽ khiến việc hoàn tất công trình được xem là biểu tượng hợp tác giữa châu Âu và Nga đứng trước nhiều rủi ro.

Mỹ tiếp tục gia tăng sức ép đối với dự án Dòng chảy phương Bắc 2.

Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 là liên doanh giữa tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga cùng 5 tập đoàn châu Âu là BASF (Đức), E.ON và Engie (Pháp), OMV (Áo) và Shell (Anh - Hà Lan). Theo dự án, tổng cộng 2 tuyến đường ống dài 1.200km sẽ được xây dựng với công suất lên tới 55 tỷ mét khối khí/năm, đi qua các vùng lãnh thổ và vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia nằm ngoài khơi bờ biển Baltic là Nga, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Đức. Dự án trị giá gần 10 tỷ euro này được xây dựng song song với dự án Dòng chảy phương Bắc khánh thành năm 2011, vốn đã giúp vận chuyển 40 tỷ mét khối khí/năm từ Nga sang châu Âu.

Tuy nhiên, Mỹ là quốc gia phản đối mạnh mẽ dự án này do lo ngại đây là công cụ chính trị buộc Liên minh châu Âu (EU) phụ thuộc vào năng lượng của Nga, đồng thời ảnh hưởng tới tham vọng xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng của Mỹ sang Lục địa già.

Trên thực tế, các biện pháp ngăn cản từ Washington đã tác động không nhỏ tới việc hoàn thiện dự án Dòng chảy phương Bắc 2 mà cả châu Âu và Nga đều mong chờ. Ban đầu, dự án dự kiến hoàn tất cuối năm 2019, nhưng sau đó bị ngừng trệ do Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt các công ty tham gia hoặc hỗ trợ xây dựng các hạng mục của công trình này. Điều đó khiến Công ty Allseas (Hà Lan - Thụy Sĩ) phải bỏ dở thi công. Không chỉ liên quan đến việc xây dựng, lệnh trừng phạt còn ảnh hưởng tới các cá nhân và tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ kiểm tra hoặc chứng nhận hoạt động của đường ống dẫn khí, cũng như mua khí đốt của Nga. Điều đó đồng nghĩa với việc doanh nghiệp châu Âu có quan hệ làm ăn với xứ Bạch dương phải đứng trước lựa chọn khó khăn là từ bỏ đối tác đầy tiềm năng này hoặc phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt từ cường quốc kinh tế mạnh nhất thế giới.

Phản ứng trước tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ M.Pompeo, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov chỉ trích Mỹ đang “gây sức ép quá đáng” với hoạt động thương mại của Cựu lục địa mà các công ty Nga cũng tham gia. Trong bối cảnh Mátxcơva là tâm điểm của các lệnh trừng phạt từ phương Tây liên quan đến vấn đề Ukraine, dự án này đang là một kênh hữu hiệu giúp xứ Bạch dương đa dạng hóa nền kinh tế, tăng nguồn thu ngân sách và củng cố thị trường tiêu thụ năng lượng rộng lớn tại châu Âu.

Trong khi đó, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU Joseph Borrell Fontelles cũng bày tỏ lo ngại sâu sắc trước việc Mỹ gia tăng sử dụng và đe dọa sử dụng biện pháp trừng phạt nhằm vào các công ty và lợi ích của châu Âu. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã bác bỏ cảnh báo mới nhất của Washington với dự án Dòng chảy phương Bắc 2 và gọi đây là sự cạnh tranh không lành mạnh. Đức hiện được đánh giá là quốc gia châu Âu hưởng lợi nhiều nhất từ dự án này và đóng vai trò là bên đàm phán chủ đạo với Nga, từ đó giúp Berlin gia tăng vị thế ở châu Âu với tư cách là nhà phân phối năng lượng của Mátxcơva tại EU.

Trong những tuần gần đây, Đức đã tiến hành nhiều cuộc đàm phán với Mỹ khi chính quyền Tổng thống Donald Trump lên kế hoạch siết chặt trừng phạt nhằm vào dự án Dòng chảy phương Bắc 2. Theo Hãng tin Bloomberg, việc xây dựng đường ống khí đốt đã bước vào giai đoạn cuối và sắp hoàn thành. Tuy nhiên, Giám đốc Quỹ Phát triển năng lượng Nga Sergei Pikin lo ngại, những cản trở bên ngoài sẽ khiến dự án này dù có thể được hoàn tất cũng sẽ mất thêm vài năm mới được đưa vào hoạt động.

Minh Hiếu

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/973215/du-an-dong-chay-phuong-bac-2-dung-truoc-nhieu-rui-ro