Dự án du lịch Tiên Trang chậm tiến độ nhiều năm: Cần xử lý dứt điểm
Theo chuyên gia pháp lý, việc dự án kéo dài nhiều năm vẫn chưa cán đích, cơ quan chức năng cần xem xét lại năng lực của chủ đầu tư dự án.
Trước đó, Báo GD&TĐ có thông tin phản ánh về việc Dự án Đô thị du lịch sinh thái Tiên Trang (xã Tiên Trang, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) do Công ty TNHH Soto làm chủ đầu tư, sau nhiều năm được giao đất vẫn chưa thể về đích.
Thông tin tới báo chí, ông Phạm Đình Hải, Giám đốc Công ty TNHH Soto cho biết, dự án hiện nay đang tồn tại rất nhiều vấn đề, công ty đã nhiều lần kiến nghị UBND tỉnh Thanh Hóa để trình bày quan điểm nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Theo tìm hiểu, dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào ngày 28/11/2008, được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa cấp điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, chứng nhận thay đổi lần thứ 5 ngày 5/7/2021.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, khu dự án vẫn triển khai “ì ạch”, lộn xộn công trình nằm gọn trong khu đất quy hoạch.
Dự án đã đạt kỳ vọng?
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Nam (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, với dự án chậm tiến độ, người dân sống trong phạm vi dự án sẽ ảnh hưởng rất lớn.
Theo luật sư Tuấn, các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét việc Dự án Đô thị du lịch sinh thái Tiên Trang mang lại những lợi ích như thế nào cho người dân sau nhiều năm vẫn chưa thể về đích?
Luật sư Tuấn nhìn nhận, dự án được quy hoạch lên với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội. Nhưng việc dự án kéo dài đến nay mà vẫn chưa cán đích, các cấp chính quyền cần phải xem xét tới năng lực của chủ đầu tư dự án.
“Chủ đầu tư có thực hiện đúng những cam kết không? Năng lực ra sao dẫn tới việc dự án chậm tiến độ khiến người dân gặp nhiều khó khăn. Luật đầu tư quy định về thời gian triển khai dự án. Tại sao một dự án có tới 5 lần điều chỉnh mà vẫn chưa đâu vào đâu", chuyên gia pháp lý đặt câu hỏi.
Với câu hỏi có thu hồi dự án hay không? Luật sư Tuấn cho rằng: “Ở đây có việc điều chỉnh, nghĩa là họ đang không hề sai luật, nhưng kết quả thực hiện dự án vẫn chưa đạt được kỳ vọng. Vì vậy, việc thu hồi dự án, cần phải đánh giá tổng thể”.
Theo ông Tuấn, việc để dự án kéo dài khiến cuộc sống người dân địa phương “lộn xộn”, gây bức xúc, xôn xao dư luận cũng là một phần trách nhiệm của chính quyền địa phương?
“Một dự án mang tính tổng thể rất nhiều, không thể dựa vào một vài vị trí, mấy nhà hàng chưa giải tỏa mà dừng lại cả dự án. Tiếp đến, vấn đề giải phóng mặt bằng cần xem xét đến trách nhiệm của chính quyền địa phương. Việc giải tỏa đã làm đúng pháp luật hay chưa?”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Cần đánh giá lại tiềm lực chủ đầu tư...
Luật sư Tuấn cho rằng,doanh nghiệp có thể đăng ký nhiều ngành nghề, hoàn toàn phù hợp với những quy định của pháp luật. Tuy nhiên, với Dự án Đô thị du lịch sinh thái Tiên Trang, cần phải đánh giá qua các giai đoạn, xem ngay từ đầu tiên Công ty Soto đã thực hiện tốt chưa? Đã làm được những gì tại dự án? Và cần căn cứ vào những thực tế khách quan và chủ quan, để điều chỉnh cho hợp lý.
Hơn nữa cũng cần phải xem xét việc chuyển đổi mục đích sử dụng đối với đất rừng, nhất là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ… phục vụ quy hoạch thì phải được các cấp có thẩm quyền cho phép... Nếu có việc chồng lấn và chưa được phép, thì đó sẽ là một câu chuyện vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng.
Ông Tuấn chia sẻ, chúng ta cần nhìn lại vấn đề, người dân Quảng Xương, toàn những ngư dân bám biển, thậm chí có người còn không biết chữ. Trách nhiệm của chính quyền và các cơ quan pháp luật nếu nhận thấy có những dấu hiệu vi phạm trong việc mua bán đất tại dự án cần phải ngăn chặn, thậm chí xử lý đối với những hành vi đó, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.
Mới đây, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa ra quyết định khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với 5 bị can liên quan đến vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”.
Theo đó, các bị can bị khởi tố và bắt tạm giam, gồm: Trần Văn Công, sinh năm 1960 trú tại phường Đông Hải, TP Thanh Hóa - nguyên Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương; Chu Đức Khương, sinh năm 1979, trú tại phường Quảng Cát, TP Thanh Hóa - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quảng Xương;
Mai Ngọc Tứ, sinh năm 1970, trú tại xã Quảng Chính, huyện Quảng Xương - Chủ tịch UBND xã Quảng Trung, huyện Quảng Xương, nguyên Chủ tịch UBND xã Quảng Chính, huyện Quảng Xương;
Lê Đình Khoa, sinh năm 1974, trú tại phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa - Trưởng Phòng kinh tế hạ tầng huyện Quảng Xương - nguyên Chủ tịch UBND xã Quảng Chính, huyện Quảng Xương;
Nguyễn Văn Luyện, sinh năm 1969, trú tại xã Quảng Trường, huyện Quảng Xương - cán bộ địa chính UBND xã Quảng Trường, huyện Quảng Xương, nguyên cán bộ địa chính xã Quảng Chính, huyện Quảng Xương.