Dự án đường Hồ Chí Minh chỉ đạt khoảng 8% tổng khối lượng và chậm gần 2 năm

y ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, trong 5 năm (2017-2021), Dự án đường Hồ Chí Minh được triển khai chỉ đạt khoảng 8% tổng khối lượng và đã chậm gần 2 năm so với yêu cầu hoàn thành các dự án thành phần và nối thông toàn tuyến với quy mô 2 làn xe.

Nhiều khó khăn, vướng mắc

Trình bày Báo cáo Tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo trước Quốc hội (sáng 24/5), Bộ trưởng Bộ Giao thông Nguyễn Văn Thể cho biết, theo Nghị quyết số 66/2013/QH13 đến năm 2020 hoàn thành nổi thông tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) quy mô tối thiểu 2 làn xe với chiều dài khoảng 2.744 km.

Đến nay, dự án đã hoàn thành 2.362 km đạt 86,1% và khoảng 258 km tuyến nhánh; đang triển khai 211 km; còn lại khoảng 171 km chưa bố trí được vốn để triển khai thực hiện.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, trong quá trình triển khai Dự án đã gặp những khó khăn, vướng mắc trong đó có: Khả năng cân đối nguồn lực, hình thức đầu tư, đầu tư theo hình thức BOT.

Đáng chú ý, về khả năng cân đối nguồn lực; theo Bộ trưởng Bộ GTVT, giai đoạn từ năm 2000 đến 2011, dự án triển khai cơ bản đáp ứng tiến độ yêu cầu. Tuy nhiên, do chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 nên nhiều dự án phải dùng giãn tiến độ trong đó có các dự án thành phần (DATP) thuộc đường Hồ Chí Minh. Do đó, giai đoạn từ năm 2011 đến hết năm 2015 mặc dù đã được phê duyệt dự án đầu tư nhưng có rất ít các dự án giao thông nói chung và các DATP đường Hồ Chí Minh nói riêng được triển khai đầu tư.

Trong bối cảnh quy mô nền kinh tế chưa đủ lớn, khả năng nguồn lực có hạn nên đến hết năm 2020 chưa cân đối bố trí đủ nguồn vốn để nối thông toàn tuyến như mục tiêu của Nghị quyết số 66/2013/QH13.

Về khó khăn trong đầu tư theo hình thức BOT, ông Nguyễn Văn Thể cho biết, việc hoàn thành các DATP đầu tư theo hình thức BOT, BT đã góp phần giảm ùn tắc giao thông trên đường Hồ Chí Minh, chia sẻ lưu lượng với QL1, hạn chế tai nạn giao thông, giảm chi phí vận tải (từ Tây Nguyên về thành phố Hồ Chí Minh đã giảm thời gian chạy xe ít nhất 3 - 4 giờ), hỗ trợ phát triển kinh tế khu vực.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn nhiều bất cập, hình thức đầu tư PPP phức tạp hơn đầu tư công truyền thống, các chủ thể đều hạn chế về kinh nghiệm, trước nhu cầu cấp bách phát triển kết cấu hạ tầng, việc triển khai không tránh khỏi những tồn tại, hạn chế.

Ông Lê Quang Huy – Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Nhất trí đưa nội dung về Dự án đường Hồ Chí Minh vào Nghị quyết chung của kỳ họp

Trình bày báo cáo thẩm tra, ông Lê Quang Huy – Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (Ủy ban KH,CN&MT) cho biết, về tiến độ triển khai thực hiện Dự án: Đối với phân kỳ đầu tư đến năm 2020, Dự án chưa đạt yêu cầu nối thông toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) với quy mô 2 làn xe. Theo Tờ trình của Chính phủ, đến hết năm 2020 còn 06 đoạn với tổng chiều dài khoảng 279 km chưa triển khai, trong đó mới cân đối bố trí vốn cho 03 đoạn với tổng chiều dài 108 km, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025.

Đối với phân kỳ đầu tư sau năm 2020, một số đoạn đường Hồ Chí Minh được quy hoạch là đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây; một số đoạn đi trùng cao tốc Bắc - Nam phía Đông, triển khai đầu tư một số đoạn theo giai đoạn phân kỳ; một số đoạn tuyến khác đã được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Theo Tờ trình của Chính phủ, đến năm 2021, Dự án đã được triển khai hoàn thành khoảng 2.362 km/2.744 km, đạt 86,1% và khoảng 258 km tuyến nhánh; đang thực hiện 211 km; chưa bố trí vốn để triển khai thực hiện 171 km còn lại để nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh, bao gồm 03 đoạn: Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn; Đoan Hùng - Chợ Bến và Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận.

Theo Báo cáo số 11784/BGTVT-KHĐT ngày 05/11/2021 của Bộ Giao thông vận tải, tỷ lệ hoàn thành đến năm 2017 là 78%, đến năm 2018 là 79%, đến năm 2019 là 80,8%, đến năm 2020 là 80,8%. Theo Tờ trình Chính phủ, đến năm 2021 là 86,1%.

“Ủy ban KH,CN&MT nhận thấy, trong 5 năm (2017-2021), Dự án được triển khai chỉ đạt khoảng 8% tổng khối lượng và đã chậm gần 02 năm so với yêu cầu hoàn thành các dự án thành phần và nối thông toàn tuyến với quy mô 02 làn xe theo quy định tại khoản 4 Điều 2 của Nghị quyết và chưa rõ thời gian kết thúc”, ông Lê Quang Huy nêu rõ.

Về nguồn vốn thực hiện Dự án, ông Lê Quang Huy cho biết, theo Tờ trình của Chính phủ, tổng mức đầu tư các dự án thành phần để nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh là 99.170 tỷ đồng. Các dự án đã và đang đầu tư có tổng mức đầu tư 88.400 tỷ đồng.

Đến năm 2020, đã bố trí 62.316 tỷ đồng (nguồn vốn ngân sách nhà nước 43.728 tỷ đồng, nguồn vốn ngoài ngân sách 18.588 tỷ đồng). Giai đoạn 2021 - 2025 đã cân đối bố trí 16.706 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước (4.677 tỷ đồng cho dự án chuyển tiếp, 4.686 tỷ đồng khởi công mới 02 dự án thành phần 7.343 tỷ đồng thanh toán dự án La Sơn - Túy Loan đầu tư theo hình thức BT). Còn lại 03 đoạn với tổng chiều dài 171 km, tổng mức đầu tư là 10.770 tỷ đồng chưa được bố trí nguồn vốn.

Cũng theo Tờ trình của Chính phủ, 2 dự án thành phần đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn và Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận cần ưu tiên đầu tư để nối thông tuyến có tổng mức đầu tư 5.570 tỷ đồng.

Về nội dung này, Ủy ban KH,CN&MT đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, tính toán kỹ lưỡng các số liệu này đảm bảo sự chính xác trong việc cân đối bố trí nguồn vốn và chịu trách nhiệm về các số liệu báo cáo Quốc hội.

Theo ông Lê Quang Huy, Ủy ban KH,CN&MT nhất trí với đề xuất đưa nội dung về Dự án đường Hồ Chí Minh vào Nghị quyết chung của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Gia Phát

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/du-an-duong-ho-chi-minh-chi-dat-khoang-8-tong-khoi-luong-va-cham-gan-2-nam-post196180.html