Dự án đường Sa Pả - Tả Phìn - Bản Khoang: Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ
Lẽ ra đến thời điểm này, Dự án 'Nâng cấp tuyến đường Sa Pả - Tả Phìn - Bản Khoang' đã được bàn giao để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, đặc biệt là phát triển du lịch địa phương. Tuy nhiên, do vướng mắc giải phóng mặt bằng cùng những phát sinh khác nên sau gần 3 năm thi công, dự án vẫn chưa biết khi nào hoàn thành.
Đang dùng chổi phủi bụi bàn ghế khu nhà hàng ăn uống, anh Lê Đức Trình - chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch Trình Tâm ở xã Tả Phìn chán nản cho biết, khi tuyến đường được khởi công, người dân Tả Phìn và khu vực lân cận rất mừng vì tin rằng tuyến đường sau khi hoàn thành nâng cấp sẽ góp phần “kéo” khách du lịch đến đông hơn. Tuy nhiên, ngày đó chờ mãi chưa thấy trong khi việc thi công tuyến đường diễn ra ì ạch đã khiến lượng khách đến xã sụt giảm trông thấy. “Mới đây, một đoàn khách du lịch dưới xuôi đặt cơm trước tại nhà hàng của tôi, nhưng khi xe ô tô chở họ đến khu vực đầu xã thì không thể đi tiếp, điều này buộc nhà hàng phải dùng xe máy chuyển đồ ăn, thức uống từ Tả Phìn ra ngoài cho khách”, anh Trình nói.
Ông Lý Láo Lở, Chủ tịch UBND xã Tả Phìn cho biết: Tuyến đường đoạn qua xã Tả Phìn vẫn như một đại công trường ngổn ngang, ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là ảnh hưởng đến việc vận chuyển, tiêu thụ hàng hóa, nông sản của người dân trong xã. Cũng từ khi tuyến đường được nâng cấp, việc đón khách du lịch vào xã gần như dừng hẳn.
Qua theo dõi của chính quyền địa phương, công tác giải phóng mặt bằng của chủ đầu tư và việc thi công của nhà thầu đều diễn ra khá chậm. Giải phóng mặt bằng không thông tuyến, chỗ nào thuận lợi thì giải phóng trước để bàn giao cho nhà thầu, nhưng tại những vị trí này nhà thầu cũng không thi công dứt điểm. Đoạn đường qua thôn Sả Séng gần khu xây dựng điểm ngắm cảnh liên tục sụt, sạt, cản trở việc đi lại của người dân. Đặc biệt, đoạn đường qua trung tâm xã không vướng mắc gì nhưng đến nay hệ thống thoát nước cũng chưa xong, một số đoạn được rải nhựa đã có dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp.
Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường Sa Pả - Tả Phìn - Bản Khoang (nay là xã Ngũ Chỉ Sơn) do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư, sử dụng nguồn vốn ODA của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và vốn đối ứng ngân sách tỉnh. Dự án gồm 2 phân đoạn: Phân đoạn 1 Sa Pả - Tả Phìn dài 6,07 km và phân đoạn 2 Tả Phìn - Bản Khoang dài 8,5 km; tổng dự toán hơn 101 tỷ đồng. Công trình do Liên danh Công ty TNHH Anh Nguyên và Công ty TNHH MTV Công trình giao thông Sông Đà trúng thầu thi công. Dự án khởi công tháng đầu năm 2018 và dự kiến hoàn thành sau 15 tháng thi công.
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ tăng trưởng toàn diện khu vực tiểu vùng Mê Công mở rộng tỉnh Lào Cai (Ban Quản lý dự án GMS - đại diện chủ đầu tư), dự án bị chậm tiến độ do ngoài việc phải chờ các đơn vị liên quan thực hiện thủ tục điều chỉnh một số hạng mục thì chủ yếu do vướng giải phóng mặt bằng. Ông Hoàng Tuấn Huy, Giám đốc Ban Quản lý dự án GMS cho biết: Công tác đền bù giải phóng mặt bằng dự án nằm trên địa bàn 3 xã phát sinh nhiều vướng mắc do tranh chấp đất của các hộ, điều này dẫn đến công tác giải phòng mặt bằng, thu hồi đất bị chậm so với tiến độ.
Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã Sa Pa, diện tích phải thu hồi phục vụ dự án này là 13,29 ha, số hộ thu hồi đất là 342 hộ với 13,06 ha, 4 tổ chức (UBND xã, trường học, bưu điện, trạm y tế) với 0,23 ha. Đến nay, UBND thị xã Sa Pa đã phê duyệt phương án bồi thường đối với 278 hộ, với diện tích 10,16 ha, tổng số tiền là 18,2 tỷ đồng. Số hộ đã nhận tiền là 260 trong tổng số 278 hộ đã phê duyệt, với diện tích 9,79 ha. Còn lại 18 hộ chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ với lý do đơn giá bồi thường, hỗ trợ thấp. Còn 64 hộ chưa phê duyệt với diện tích là 2,9 ha, trong đó vướng mắc nhất là 52 hộ của xã Tả Phìn đang tranh chấp với 20 hộ của xã Ngũ Chỉ Sơn với diện tích 2,46 ha.
Về giải pháp giải quyết tranh chấp của các hộ ở khu vực giữa xã Ngũ Chỉ Sơn và xã Tả Phìn, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo UBND huyện Sa Pa trước đây và thị xã Sa Pa hiện nay về việc phối hợp với chủ đầu tư (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) giải quyết dứt điểm. Mới đây nhất, Văn phòng UBND tỉnh có thông báo truyền đạt ý kiến của Thường trực UBND tỉnh chỉ đạo UBND thị xã Sa Pa tổ chức họp vận động, tạo đồng thuận trong Nhân dân 2 xã, trước mắt chi trả cho các hộ đang canh tác cây cối, hoa màu; đối với đất thu hồi, giao UBND thị xã Sa Pa lập đoàn thanh tra liên ngành xác định rõ và quy chủ để chi trả theo quy định hiện hành.
Ông Trần Trọng Thông, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa cho biết: Vừa qua, UBND thị xã đã ban hành quyết định thanh tra đột xuất trong việc tham mưu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ, cá nhân tại thôn Phìn Hồ (xã Ngũ Chỉ Sơn) đối với Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã để từ đó xác định chủ sử dụng đất hợp pháp cho phần diện tích trên. Sau khi có kết luận thanh tra sẽ lập hồ sơ, trình phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư về đất cho các hộ theo kết luận.
Chúng tôi đã gặp gỡ, trao đổi với một số hộ ở xã Tả Phìn thì được biết, những chỗ đang vướng mắc trong đền bù, giải phóng mặt bằng là do đất được các hộ mua đi bán lại nhiều lần nên việc xác định hộ có quyền sử dụng cuối cùng rất phức tạp. Vì vậy, khi nhà thầu thi công đưa máy móc vào làm, có nhiều hộ đến ngăn cản và nhận đó là đất thuộc quyền sử dụng của mình và yêu cầu đền bù xong mới cho thi công. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng nhà thầu nổ mìn chưa hợp lý đã ảnh hưởng đến an toàn nhà cửa, cây cối, hoa màu của người dân nên người dân chưa đồng tình.
Để có mặt bằng thi công, chủ đầu tư đã tạm ứng kinh phí và chi trả thiệt hại về cây cối, hoa màu trên đất cho các hộ; về thu hồi đất liên quan đến tranh chấp, đang chờ thanh tra liên ngành của thị xã Sa Pa kết luận để có phương án giải quyết dứt điểm.
Để đẩy nhanh tiến độ dự án đường Sa Pả - Tả Phìn - Bản Khoang, chính quyền từ cấp xã đến cấp tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan cần tích cực vào cuộc để tháo gỡ tận gốc những vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, đồng thời có biện pháp thi công hợp lý, không gây ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân nơi tuyến đường đi qua.