Dự án đường sắt 7.000 tỷ nỗ lực vượt 'bão' Covid-19
Dịch Covid-19 bùng phát tác động lớn đến công trường thi công Dự án đường sắt 7.000 tỷ.
Tuy nhiên, với nhiều giải pháp vượt khó, nhiều công trình, gói thầu quan trọng vẫn về đích đúng tiến độ.
Công trường không ngơi nghỉ
Những ngày cuối năm, các công trình thuộc 4 dự án đường sắt quan trọng, cấp bách sử dụng nguồn vốn dự phòng đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 với tổng mức đầu tư 7.000 tỷ đồng vẫn hối hả thi công để khẩn trương hoàn thiện các phần việc cuối cùng để bàn giao.
Ông Lê Văn Toan (Công ty CP Công trình Thành Phát), chỉ huy trưởng công trình gói 15 Dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Nha Trang - Sài Gòn (Dự án Nha Trang - Sài Gòn) chia sẻ: “Cả năm qua, dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến công tác tổ chức thi công, nhưng chúng tôi vẫn hoàn thành gói 15 đảm bảo tiến độ, nghiệm thu kỹ thuật từ cuối tháng 10 và trong tháng 12 tiến hành bàn giao cho Đường sắt VN để khai thác chạy tàu Tết”.
Ông Toan cho biết, Liên danh Công ty CP Công trình Thành Phát - Công ty CP Đường sắt Thuận Hải - Công ty CP Đường sắt Nghĩa Bình - Công ty CP Thông tin tín hiệu đường sắt Sài Gòn đảm nhận thi công gói thầu 15 - cải tạo đường ga Hòa Trinh (huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận).
Trong đó, hạng mục kéo dài 2 đường ga 2 và 3 về phía Nam khoảng 250m, để khi tàu dừng tránh, vượt không chắn ngang lối đi dân sinh trong khu vực ga, ảnh hưởng đến dân đi lại.
Có thời điểm dịch Covid-19 phức tạp, rất nhiều lao động gần khu vực thi công không thể đi về trong ngày, buộc phải ở lại công trình. Việc cung cấp vật tư, vật liệu cũng bị ảnh hưởng do các lái xe phải đáp ứng các quy định về phòng dịch.
“Để đảm bảo nhân lực, trên công trường thực hiện 3 tại chỗ. Vật liệu, vật tư thì tập kết dần, khi nào đủ tập trung thi công ngay”, ông Toan cho biết.
Tại các gói 16, 17, ông Phạm Xuân Tú, Phó giám đốc Công ty CP Đường sắt Vĩnh Phú - đơn vị đứng đầu liên danh nhà thầu cho hay, đơn vị đã thực hiện cải tạo, nâng cấp kiến trúc tầng trên của đường sắt như thay ray, tà vẹt; bổ sung đá trên địa bàn các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận; mở mới các ga Vĩnh Tân, Phong Phú, nâng cấp đường ga Sông Lòng Sông, Sông Lũy.
“Có thời điểm khu vực ga Vĩnh Tân và ga Vĩnh Hảo rất nhiều F0, lẽ ra phải dừng thi công vì không được tập trung đông người. Chúng tôi đã tự phong tỏa, khoảng 30 người mỗi ga. Thực phẩm và các đồ dùng thiết yếu có người đưa đến. Dù thiếu thốn đủ bề, phải ở lán trại bạt, thời tiết nắng nóng, khắc nghiệt nhưng anh em vẫn nỗ lực thi công đảm bảo tiến độ”, ông Tú nói.
Ông Tú cho biết thêm, chỉ một điểm thi công phong tỏa, có khi phần việc cần nhân lực tập trung thi công rốt ráo chỉ 10 ngày nhưng vẫn phải ở đến 28 ngày, khi nào được gỡ phong tỏa mới được sang thi công điểm khác.
“Chúng tôi phải thuê thêm lao động, vừa lãng phí nguồn nhân lực hiện có vừa tốn kém chi phí. Tuy vậy, gói thầu vẫn nghiệm thu kỹ thuật và sẽ bàn giao trước 30/12/2021 để khai thác”, ông Tú chia sẻ.
Nhiều công trình cán đích ngoạn mục
Dự án cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM (Dự án Cầu yếu) cũng gặp nhiều khó khăn do Covid-19, nhất là tại địa bàn các tỉnh Nam Trung bộ, Nam bộ.
Đại diện liên danh nhà thầu thực hiện gói 8, Công ty Cổ phần - Tổng công ty Cơ khí xây dựng Thăng Long cho biết, từ cuối tháng 6/2021, nhiều cầu trong gói thầu nằm trong khu vực phong tỏa, giãn cách nên việc cung cấp vật tư, vật liệu, huy động và điều phối nhân sự thi công rất khó khăn.
Đến khi nới lỏng giãn cách, khu vực miền Trung lại bị ảnh hưởng của các cơn bão và các đợt mưa lớn liên tiếp từ tháng 9 - 11. Vì vậy, tiến độ thi công bị ảnh hưởng.
“Để bù tiến độ, chúng tôi thực hiện 3 tại chỗ đối với công tác sản xuất dầm thép trong xưởng và công trường; sau đó thực hiện tiêm vaccine cho nhân sự tại công trường và huy động mọi nguồn lực để cung cấp vật tư kịp thời, bổ sung nhân sự tăng ca để thi công tập trung ngoài công trường”, đại diện nhà thầu chia sẻ.
Tại cầu Châu Me Km 995+695 tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM, chuẩn bị sàng dầm thì địa phương bị phong tỏa. Trong khi đó, theo quy định của ngành Đường sắt, công trình cầu này hoàn thành, trả tốc độ mới cho phép phong tỏa điểm khác trong cùng khu gian để sàng dầm.
Vì vậy, để hoàn thành sàng dầm cầu Châu Me, các đơn vị đã phải thực hiện xét nghiệm toàn bộ nhân lực tham gia tại công trình, từ công nhân, lái máy… để tập trung hoàn thành công việc liên quan trong một ngày. Từ cách triển khai công trình cầu này, nhân rộng các cầu khác.
Với Dự án gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM (Dự án Vinh - Nha Trang) do Ban Quản lý dự án 85 làm chủ đầu tư, các địa bàn thi công thuộc tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Bình Định tình hình dịch phức tạp ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công một số hạng mục và tiến độ GPMB. Mưa lớn thường xuyên cũng ảnh hưởng nhiều.
Để khắc phục, gỡ tiến độ, Ban 85 đã chỉ đạo các đơn vị thi công, tư vấn giám sát đưa ra các giải pháp điều chỉnh các mũi thi công trong từng hạng mục, gói thầu. Yêu cầu nhà thầu tập trung nhân lực, thiết bị thi công sau khi nới lỏng giãn cách để bù tiến độ. Do đó các hạng mục bị ảnh hưởng bởi dịch và mưa lũ đến giữa tháng 12 cơ bản đáp ứng được tiến độ.
Ông Mai Minh Việt, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết, 2021 là năm “nước rút” để hoàn thành dự án. Đợt bùng phát dịch thứ 4 kéo dài ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ triển khai dự án. Tại một số công trình phải dừng thi công do có cán bộ, công nhân lây nhiễm Covid-19, phải cách ly. Khoảng 51/138 mũi thi công phải tạm dừng.
“Chúng tôi lập 3 tổ công tác Covid-19 tại 3 dự án, làm việc với các địa phương, giải quyết các khó khăn cho nhà thầu kịp thời để nhà thầu thi công đảm bảo tiến độ. Đồng thời, yêu cầu nhà thầu lập kế hoạch thi công chi tiết từng tuần/tháng/quý; Ban kiểm tra, giám sát chặt chẽ, có giải pháp xử lý ngay các nhà thầu chậm tiến độ, lập kế hoạch bù lại khối lượng đã chậm”, ông Việt chia sẻ.
Cùng đó, đơn vị yêu cầu nhà thầu huy động đủ máy móc, thiết bị, nhân lực, tăng mũi thi công để bù lại tiến độ chậm; áp dụng biện pháp mạnh với các nhà thầu chậm tiến độ, điều chuyển khối lượng cho các thành viên liên danh.
“Với sự quyết tâm đó, 3 dự án đang triển khai thi công các gói thầu xây lắp tại hiện trường đều cơ bản đáp ứng tiến độ điều chỉnh. Tổng sản lượng 3 dự án đạt khoảng đạt khoảng 75,9% so với giá trị hợp đồng. Với những hạng mục buộc phải chuyển sang năm 2022 do có nhiều khó khăn, vướng mắc, chúng tôi đã báo cáo Bộ GTVT và vẫn đang nỗ lực tìm giải pháp để đẩy nhanh tiến độ triển khai”, ông Việt nói.
Dự án Hà Nội - Vinh có 7/8 gói thầu xây lắp đã triển khai thi công. Sản lượng thi công đạt khoảng 76,9% so với giá trị hợp đồng. Tính đến hết năm 2021 đã hoàn thành 11/16 hạng mục ga; Hoàn thành cải tạo kiến trúc tầng trên 73,75km/74,95km trên 15 khu gian thuộc hạng mục công trình cải tuyến để trả tốc độ; Hoàn thành 2 công trình hành lang đảm bảo ATGT.
Dự án Nha Trang - Sài Gòn có 9/9 gói thầu đã triển khai thi công, trong đó đã bàn giao xong gói 15; Nghiệm thu hoàn thành khu gian các gói thầu số 16, 17, 18, 19, 20 và đang tiến hành công tác bàn giao các khu gian. Sản lượng thi công đạt khoảng 75%.
Dự án Cầu yếu có 11/11 gói thầu đã triển khai thi công, có 7/11 gói đã cơ bản hoàn thành thi công; Cơ bản hoàn thành sàng dầm 109/111 cầu làm mới; Hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng 1/11 gói; Kiểm tra công tác nghiệm thu được 2/11 gói; Kiểm tra nghiệm thu kỹ thuật được 8/11 gói. Sản lượng thi công đạt khoảng 86,4%.
Dự án Vinh - Nha Trang có 7/7 gói thầu xây lắp đã triển khai thi công, trong đó 4 gói cơ bản hoàn thành và sẽ nghiệm thu hoàn thành trong năm 2021. Giá trị thực hiện dự án đạt khoảng 70%.