Dự án đường trăm tỷ ở Hà Nội dấu hiệu thi công ẩu: Thanh tra Sở GTVT vào cuộc kiểm tra
Sau khi Báo Giao thông phản ánh dự án đường Lê Quang Đạo kéo dài có dấu hiệu thi công ẩu, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã vào cuộc kiểm tra dự án này.
Chuyên gia bất ngờ trước câu trả lời "chỉ không ổn về mỹ thuật"
Liên quan đến vụ việc dự án đường Lê Quang Đạo kéo dài do UBND quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội làm chủ đầu tư có biểu hiện thi công ẩu ở một số hạng mục, trao đổi với PV Báo Giao thông, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án (QLDA) quận Nam Từ Liêm Nguyễn Duy Trinh cho biết, Thanh tra Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Hà Nội đã đến làm việc và kiểm tra chất lượng, môi trường và công tác đảm bảo an toàn giao thông ở dự án.
"Sau khi Báo Giao thông phản ánh, ngày hôm qua (25/3), Sở GTVT Hà Nội do Phó chánh thanh tra làm trưởng đoàn đã đến dự án làm việc và kiểm tra chất lượng, công tác đảm bảo về môi trường, công tác đảm bảo an toàn lao động, đảm bảo an toàn giao thông tại dự án.
Chúng tôi đã yêu cầu các đơn vị thi công, giám sát thi công phải đảm bảo chất lượng của dự án. Cùng với đó là đảm bảo về môi trường, an toàn lao động và an toàn giao thông khi thực hiện dự án", ông Trinh thông tin.
Bình luận về chất lượng của dự án, một chuyên gia quản lý chất lượng công trình xây dựng tỏ ra bất ngờ trước câu trả lời "chỉ không ổn về mỹ thuật" của Ban QLDA quận Nam Từ Liêm.
Nói về những hố ga ở dự án bị đục nham nhở, vị chuyên gia này cho rằng, nếu như trong thiết kế có cống dẫn nước vào hố ga hay đường cáp ngầm đi qua thì trong quá trình đúc khuôn phải để lại lỗ để đặt cống hoặc luồn cáp ngầm qua.
"Nếu trong thiết kế có đường ống và đường cáp ngầm đi qua hố ga thì không ai lại đi đục đẽo nham nhở như thế cả. Làm như thế sẽ không đảm bảo được chất lượng kết cấu. Tôi cũng rất bất ngờ về cách giải thích của cơ quan chức năng là "đúc nham nhở như thế để tạo kết dính", vị này nói.
Bình luận về một số chân đế cột đèn chiếu sáng bê tông bị rỗ mặt, vị chuyên gia này cho rằng, đây là biểu hiện của sự cẩu thả trong thi công.
"Hình ảnh cho thấy chỉ có cốt liệu đá, không có tí nước xi măng nào. Như vậy toàn bộ cấu kiện bê tông như thế là không đảm bảo chất lượng. Việc này ảnh hưởng đến chất lượng của bê tông chứ không chỉ xấu về mặt mỹ thuật. Những trường hợp này buộc phải phá bỏ để làm lại chứ không phải lấy vữa vá vào là xong", vị chuyên gia này nói.
Để bảo đảm chất lượng của dự án, vị chuyên gia này đề xuất, cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng xây dựng của TP Hà Nội cần vào cuộc kiểm tra với hiện tượng nêu trên.
Nói về công tác đảm bảo an toàn tại một dự án thi công giao thông, nhất là dự án có nút giao với đường dân sinh, vị chuyên gia này cho biết, trên dọc tuyến thi công cần phải có biển báo về an toàn lao động cũng như là biển thông báo cho người đi đường biết.
"Trong thi công xây dựng đường cần phải có cán bộ HSET (H: health: sức khỏe, S: safety: an toàn, E: environment: môi trường, T: transport: giao thông). Nghĩa là phải bảo đảm về an toàn cho con người người lao động, bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn giao thông nội bộ, cũng như an toàn giao thông cho những người sử dụng con đường tạm", vị chuyên gia này nói.
"Làm nham nhở để tạo kết dính"
Trước đó, phản ánh tới Báo Giao thông, bạn đọc cho biết, quá trình thi công dự án đường Lê Quang Đạo kéo dài (đoạn từ Đại lộ Thăng Long, quận Nam Từ Liêm đến vị trí ranh giới với khu đô thị Dương Nội, quận Hà Đông) gây bụi bặm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đối với người tham gia giao thông.
Có mặt tại đây những ngày giữa tháng 3/2024, PV Báo Giao thông nhận thấy, dự án xây dựng đường Lê Quang Đạo kéo dài đang thi công đến đoạn cắt ngang phố Đại Linh.
Nhiều xe công trình, xe chở vật liệu xây dựng thường xuyên ra vào công trường, hoặc đi cắt ngang đường Đại Linh để sang hai bên công trường nhưng lại không được cảnh báo hay che chắn đảm bảo an toàn.
"Xe chở vật liệu xây dựng, bê tông trọng tải lớn ra vào công trường này nhưng tôi không thấy có người hướng dẫn, điều tiết giao thông. Hơn nữa, đoạn giao với đường Đại Linh cũng không được rào chắn, việc ra vào không được quản lý", anh Nguyễn Văn Huy, ở phố Lê Quang Đạo cho hay.
Không những vậy, quá trình ra vào tại dự án, những chiếc xe trọng tải lớn còn mang theo bùn đất khiến đường Đại Linh thường xuyên bụi bặm. Điều này ảnh hưởng đến tầm nhìn, gây khó khăn cho người đi xe máy, xe đạp.
Tại công trường dự án, PV Báo Giao thông ghi nhận, một số hố ga bị nứt vỡ, sứt mẻ phần cổ. Có những hố ga được đục, cắt nham nhở để lắp vừa ống thoát nước, hoặc để lắp hệ thống dây cáp.
Không ít cổ hố ga đổ bê tông bị rỗ mặt nên đã được vá víu sơ sài bằng vữa. Có hố ga sâu vài mét nhưng chỉ được cảnh báo sơ sài bằng một vài que củi khô.
Một số chân cột đèn chiếu cũng có biểu hiện rỗ mặt, bê tông không được đều. Cùng với đó, một số chỗ ở hạng mục bê tông lót trên vỉa hè của dự án cũng có biểu hiện liên kết kém.
Phần vữa liên kết giữa gạch lát và bê tông thảm của vỉa hè cũng rất mỏng. Quá trình thi công phần bê tông lót vỉa hè được công nhân thực hiện sơ sài, một số chỗ bị mất mép, không được vuông vức.
Lý giải về sự việc này, Ban QLDA đầu tư xây dựng quận Nam Từ Liêm cho rằng, những tồn tại trên "chỉ không ổn về mặt mỹ thuật" còn chất lượng thì đảm bảo tuyệt đối.
Cụ thể, nói về những hố ga bị đục đẽo nham nhở Ban QLDA đầu tư xây dựng quận Nam Từ Liêm cho biết, phải đục đẽo như vậy để kết nối phần hạ tầng phía dưới.
"Việc làm nham nhở như thế để có kết dính, chứ đúc vuông vắn trước thì sẽ không có sự kết dính với nhau khi thực hiện lắp cống hay là lắp cáp ngầm qua hố ga", Ban QLDA đầu tư xây dựng quận Nam Từ Liêm cho hay.