Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô: Sẵn sàng cho ngày khởi công
Một năm kể từ khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô sẽ được thành phố Hà Nội tổ chức khởi công vào ngày 25/6 tới đây, tại 4 vị trí thuộc các huyện Hoài Đức, Sóc Sơn, Thanh Oai và Thường Tín. Để có được kết quả như vậy là nhờ sự đồng thuận rất cao của nhân dân và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị.
Ủng hộ và kỳ vọng
Xã Tân Dân là nơi chiếm đến 4/5 diện tích cần giải phóng mặt bằng của huyện Sóc Sơn cho Dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Những ngày này, không khó để thấy không khí sản xuất, làm việc tại xã sôi nổi khi phần việc giải phóng mặt bằng về cơ bản đã hoàn tất. Đi sâu vào cánh đồng, hàng trăm ngôi mộ nằm trong chỉ giới đường đỏ đã được di dời về nghĩa trang mới; với những thửa đất nông nghiệp nằm trong diện thu hồi bà con đã dừng canh tác để đảm bảo bàn giao mặt bằng sạch.
Ông Nguyễn Văn Kỳ (Trưởng thôn Xuân Áp, xã Tân Dân) chia sẻ, thôn Xuân Áp có khoảng 17,6ha đất cần thu hồi để phục vụ Dự án đường Vành đai 4, liên quan đến gần 100 hộ dân. Sau khi Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn công bố, niêm yết bản vẽ chỉ giới đường đỏ, người dân trong thôn đồng tình, ủng hộ cao đối với chủ trương đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Bản thân gia đình ông Kỳ cũng có 850m2 đất nông nghiệp cần thu hồi, bằng 75% diện tích đất canh tác nhưng ông bày tỏ vẫn sẵn sàng chấp hành chủ trương, chính sách, để qua đó góp phần vào sự phát triển chung của Thành phố.
Nghe tin thành phố Hà Nội sẽ khởi công dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô vào ngày 25/6 này, ông Kỳ bày tỏ sự mong chờ: “Ngay khi biết thông tin về dự án Vành đai 4, chúng tôi rất đồng tình, ủng hộ chủ trương thực hiện. Dự án được khởi công, giao thông phát triển thì người dân sẽ được hưởng lợi nhiều, mong rằng dự án sẽ được hoàn thành đúng kế hoạch”.
Không chỉ riêng tại huyện Sóc Sơn, công tác giải phóng mặt bằng tại 6 huyện khác của Hà Nội (Hà Đông, Mê Linh, Đan Phượng, Thanh Oai, Thường Tín, Hoài Đức) có tuyến đường Vành đai 4 đi qua được xem là nhiệm vụ hàng đầu. Hiện, các địa phương cũng đang gấp rút tập trung cho công tác thu hồi đất ở và xây dựng các khu tái định cư cho các hộ dân, cam kết tháng 12 sẽ bàn giao đất tái định cư để người dân xây nhà ở. Đơn cử, Hoài Đức là huyện có diện tích thu hồi đất lớn nhất so với các quận, huyện có tuyến đường Vành đai 4 đi qua; Riêng đất ở có 116 hộ dân bị thu hồi. Hiện 2 khu đất bố trí tái định cư cho các hộ này nằm trên địa bàn 2 xã Đông La, Đức Thượng đã hoàn thành xong các bước thủ tục đầu tư và chuẩn bị khởi công trong tháng tới.
Huyện Thường Tín cũng đang chuẩn bị khởi công 2 dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất tái định cư cho các hộ gia đình ở xã Văn Bình, Vân Tảo và Khánh Hà có đất ở nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng dự án, dự kiến sẽ khởi công vào cuối tháng 6/2023. Đồng thời, gấp rút hoàn thành các hạng mục hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư xã Hồng Vân.
Cũng để phục vụ khởi công dự án, mới đây,UBND huyện Hoài Đức phối hợp với UBND xã Song Phương tổ chức hội nghị bàn giao mặt bằng cho Ban Quản lý dự án các công trình giao thông thành phố Hà Nội phục vụ khởi công dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Theo đó tổng diện tích đất bàn giao 2,25ha gồm 1,74ha đất nông nghiệp (của 71 hộ gia đình, cá nhân) và 0,51ha đất công do UBND xã Song Phương quản lý. Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Anh cho biết, vị ví khởi công dự án đến nay đã cơ bản hoàn thành xong công tác giải phóng mặt bằng…
Dám nghĩ, dám làm đưa dự án sớm “về đích”
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hà Nội, đến nay, đã di chuyển được 6.007/10.921 ngôi mộ, đạt 55%. Các địa phương đã phê duyệt phương án và thu hồi đất được 537,270/798,043ha đất, đạt 67,32%; trong đó, huyện Sóc Sơn thu hồi được 46/48,23ha; huyện Mê Linh được 114,30/145,66ha; huyện Đan Phượng được 30,73/74,8ha; huyện Hoài Đức được 138,30/239,63ha; quận Hà Đông được 51,14/68,25ha; huyện Thanh Oai được 59,31/86,94ha; huyện Thường Tín được 97,49/134,54ha. Hiện tại khối lượng giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn đã đạt 70%,
Từ sự ủng hộ, đồng thuận rất cao của nhân dân nên dự án đường Vành đai 4 đã bảo đảm tiến độ giải phóng mặt bằng đề ra. Đây không chỉ là dự án mẫu từ công tác chuẩn bị đến khi triển khai mà còn đúc rút nhiều bài học kinh nghiệm trong giải phóng mặt bằng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đáng chú ý, để đưa dự án “về đích” nhiều cách làm sáng tạo đã được triển khai. Các địa phương cũng đã chủ động triển khai nhiều cách làm sáng tạo trong công tác dân vận. Điển hình, huyện ủy Hoài Đức đã tổ chức Hội thi Tuyên truyền “Dân vận khéo trong thực hiện dự án đầu tư xây dựng Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội trên địa bàn huyện Hoài Đức” tại cụm số 1 và 2, gồm những xã có đường Vành đai 4 đi qua. Trong đó, huyện tập trung vận động nhân dân đồng thuận thực hiện bàn giao đất để giải phóng mặt bằng, di chuyển mộ chí, tạo được sự thống nhất trong nhận thức, hành động của người dân để công tác giải phóng mặt bằng thực hiện dự án được hoàn thành đúng và vượt tiến độ trên địa bàn huyện.
Chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai giải phóng mặt bằng tại địa phương, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh cho hay, địa phương có số lượng mộ và diện tích đất nông nghiệp nằm trong diện phải di chuyển, giải phóng mặt bằng phục vụ dự án đường Vành đai 4 khá lớn. Vì vậy, UBND huyện quyết liệt chỉ đạo các phòng, ban và 9 xã, đặc biệt là xã Văn Bình, nơi đang thực hiện dự án xây dựng, cải tạo nghĩa trang, sớm hoàn thành các phần việc để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thi công dự án.
Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Hà Nội đã thực hiện đúng Nghị quyết của Quốc hội và cam kết về tiến độ giải phóng mặt bằng 58,6km của tuyến đường trên địa bàn. Tại hội nghị gặp mặt đại diện lãnh đạo, phóng viên các cơ quan báo chí trên địa bàn Thành phố mới đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, ngày 25/6 tới sẽ khởi công dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội tại 4 vị trí thuộc các huyện Hoài Đức, Sóc Sơn, Thanh Oai và Thường Tín.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, để có được kết quả như vậy là do Thành phố đã rất chủ động, quyết liệt, áp dụng 4 nhóm giải pháp chính. Trong đó, giải phóng mặt bằng đã thực sự trở thành bệ phóng cho dự án tăng tốc ngay từ những bước đầu tiên. Những giải pháp, cách làm bài bản đã “cộng hưởng”, cùng với sự ủng hộ, đồng thuận cao của nhân dân đã từng bước hiện thực hóa mục tiêu mở rộng không gian phát triển Thủ đô.