Dự án Ethenol Bình Phước: Lắp đặt 40 triệu USD thiết bị không rõ xuất xứ
Ngoài dấu hiệu làm thất thoát 4,12 triệu USD do phát sinh chi phí đầu tư hệ thống xử lý nước thải, trên cơ sở báo cáo của Kiểm toán Nhà nước (KTNN), Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình còn giao Bộ Công an xác minh làm rõ các vi phạm quy định về quản lý chất lượng xây dựng, lắp đặt các thiết bị nhập ngoại không có chứng chỉ chất lượng, chứng nhận xuất xứ ở một số gói thầu Dự án Ethenol Bình Phước.
Trước đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của BCĐTW về phòng chống tham nhũng, từ 26/8-24/10/2019, KTNN đã kiểm toán Dự án Etahnol Bình Phước. Quá trình kiểm toán đã phát hiện phần lớn các thiết bị nhập ngoại do nhà thầu TCCL thực hiện lắp đặt vào công trình với giá trị 40 triệu USD ở gói thầu EPC không có chứng chỉ chất lượng (CQ) của nhà sản xuất, không có chứng chỉ chứng nhận về nguồn gốc xuất xứ của thiết bị (CO) làm cơ sở để kiểm tra, xác nhận chi phí đầu tư.
Nhà thầu cũng không cung cấp được hồ sơ nghiệm thu, chạy thử nghiệm máy lọc ép thải bùn chân không thuộc hệ thống xử lý nước thải. Không cung cấp được nhật lý thi công công trình theo quy định tại Điều 19 và Điều 24 Nghị định 209/2004/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình. Các biên bản nghiệm thu, bản vẽ hoàn công bộ phận công trình và công trình xây dựng đều được thể hiện bằng tiếng Anh (không có tiếng Việt) là chưa tuân thủ quy định tại khoản 4 Điều 23 Nghị định 209.
Cũng theo kết quả kiểm toán, nhà thầu gói thầu EPC đã tự thay đổi xuất xứ 18 thiết bị và thay đổi nhà sản xuất của 24 thiết bị so với danh mục xuất xứ và nhà sản xuất theo hợp đồng; nhưng đơn vị chưa cung cấp được văn bản chấp thuận của chủ đầu tư cho những thay đổi này. Nhưng hệ thống thiết bị chính (trong đó gồm các thiết bị thay đổi xuất xứ và nhà sản xuất) đã được chủ đầu tư nghiệm thu cấp chứng nhận PIA.
Ở hạng mục hàng rào chính, nhà thầu PVE đã thi công không đúng hồ sơ thiết kế, vi phạm hành lang lộ giới QL14 cũ; ở hạng mục hai nhà bảo vệ, nhà chờ cho lái xe và 300m hàng rào chính công tác thiết kế thi công một số hạng mục công trình còn có sai sót, vi phạm một phần hoặc hoàn toàn hành lang lộ giới QL14 cũ.
Ở hạng mục Hệ thống xử lý cấp nước không đúng với thực tế xây dựng, một số hạng mục đã hoàn thành nhưng các tồn tại chưa được nhà thầu PVE khắc phục. “Đến nay việc yêu cầu nhà thầu PVE khắc phục các tồn tại nêu trên là khó thực hiện được do Bảo lãnh thực hiện hợp đồng và Bảo lãnh bảo hành đã không còn hiệu lực và chưa được gia hạn...”, KTNN đánh giá.
Không chỉ ở các hạng mục gói thầu EPC có vi phạm, mà ở các hạng mục gói thầu ngoài EPC của dự án cũng phát hiện sai phạm.
Tại gói thầu xây dựng kho Đắk Nông, có dấu hiệu vi phạm về quản lý hợp đồng, quản lý chất lượng công trình. Theo kết quả kiểm tra hiện trường, hạng mục nền bê tông kiểm tra 9 điểm thì chỉ có 1 điểm đạt chiều dày 10cm, còn lại là từ 3,5- 8cm; phần mái nhà kho không có tole nhựa lấy sáng theo thiết kế. Tuy nhiên, các hạng mục này vẫn được tư vấn giám sát và chủ đầu tư chấp thuận nghiệm thu, thanh toán cho nhà thầu.
Kết quả kiểm toán còn cho thấy, đơn vị thi công xây dựng công trình trước khi có giấy phép xây dựng là vi phạm Điều 72 Luật Xây dựng 2003. Quá trình xây dựng kho Đắk Nông, nhà thầu không có các kết quả thí nghiệm vật liệu thép, kết quả thí nghiệm sơn khung thép và tài liệu nghiệm thu theo quy định của TCXDVN 170-1989; không chứng chỉ nghiệm thu chất lượng của nhà thầu sản xuất với cột điện, bu lông, thép tấm, tole; không có kết quả thí nghiệm vật liệu đắp, biên bản nghiệm thu vật liệu công tác san nền; không có biên bản nghiệm thu công việc, nghiệm thu bộ phận, nghiệm thu giai đoạn với hạng mục hệ thống giao thông nội bộ và bãi đỗ xe theo quy định.
Với các sai phạm trên, KTNN cho rằng, trách nhiệm thuộc về đơn vị thi công, đơn vị tư vấn giám sát dự án, Công ty OBF và người đại diện phần vốn của Tổng Công ty Dầu khí (PVOIL) tại OBF. Trong báo cáo gửi BCĐTW về phòng, chống tham nhũng và Thủ tướng Chính phủ, KTNN đề nghị PVOIL tổ chức kiểm điểm trách nhiệm người đại diện phần vốn góp tại Công ty OBF để xử lý theo quy định.