Dự án 'FoodLink' giành giải Nhất Cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo HSB 2025
Dự án FoodLink – Kết nối nhà cung cấp, nhà tài trợ và người tiêu dùng trong ngành thực phẩm đã giành giải Nhất cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo HSB năm 2025.
Sáng ngày 19/4, Trường Quản trị và Kinh doanh (HSB), Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức chung kết Cuộc thi “Khởi nghiệp sáng tạo HSB - Innovation Ignition 2025”. Đây là hoạt động nổi bật của nhà trường trong chiến lược đào tạo kết hợp lý thuyết với thực tiễn với sứ mệnh đào tạo thế hệ lãnh đạo khu vực công và tư có năng lực thực hành, tư duy đổi mới và khả năng hội nhập toàn cầu.
Ban giám khảo gồm các giảng viên đầu ngành, nhà đầu tư uy tín và các chuyên gia thực chiến trong lĩnh vực kinh doanh và khởi nghiệp, bao gồm: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Đình Phi - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội; ông Đào Nam Hải - Tổng giám đốc Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex); ông Hà Anh Tuấn - Chủ tịch Vinalink Media; ông Phạm Văn Dưỡng - Phó Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Ứng dụng Kỹ thuật và Sản xuất (TECAPRO); ông Nguyễn Tá Dũng - Quản lý Đầu tư tại VinVentures.
Bên cạnh đó, chung kết cuộc thi còn có sự tham dự của các mentor là lãnh đạo, đại diện các cơ quan, doanh nghiệp lớn... cùng các giảng viên, sinh viên Trường Quản trị và Kinh doanh.
Phát biểu khai mạc chương trình, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Đình Phi nhấn mạnh: “Khởi nghiệp không chỉ là một hoạt động ngoại khóa mà là một phương pháp giáo dục trọng tâm của HSB. Tại đây, chúng tôi đào tạo sinh viên và học viên phải giỏi cả “học” và “hành”. Chính vì vậy, cuộc thi là cầu nối giữa tri thức và thị trường, giữa sinh viên và doanh nghiệp, giữa khát vọng cá nhân và cống hiến cho cộng đồng.
Nhiều ý tưởng khởi nghiệp đã được hiện thực hóa, thu hút đầu tư là minh chứng rõ nét cho chiến lược đào tạo “học để khởi nghiệp” mà nhà trường kiên định theo đuổi – không chỉ truyền đạt tri thức, mà còn truyền cảm hứng hành động”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Đình Phi - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Cũng theo thầy Phi, mùa đầu tiên của cuộc thi được tổ chức vào năm 2024, đã thu hút sự tham gia của đông đảo sinh viên, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ trong giới trẻ. Nhiều đội thi đã mang đến những ý tưởng mới lạ, sáng tạo và có tính ứng dụng xã hội cao. Tiêu biểu là dự án đạt giải Nhì – MSE (Mental Health Solutions for Enterprises), sau đó đã thành lập công ty và gọi vốn thành công 1 tỷ đồng tại chương trình “Thương vụ bạc tỷ – Shark Tank Việt Nam”.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ tối đa cho sinh viên trong hành trình hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp, năm 2022, Trường Quản trị và Kinh doanh đã thành lập Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới Sáng tạo. Trung tâm thực hiện các nhiệm vụ đào tạo ngắn hạn, tư vấn phát triển mô hình kinh doanh, hỗ trợ kỹ năng khởi nghiệp và kết nối các nguồn lực trong hệ sinh thái khởi nghiệp.
Đặc biệt, với mạng lưới hơn 13.000 cựu sinh viên – nhiều người đang là doanh nhân, quản lý và lãnh đạo các tổ chức – sinh viên HSB luôn có bệ đỡ vững chắc để trưởng thành và vươn xa.

Ban giám khảo cuộc thi là các giảng viên đầu ngành, nhà đầu tư uy tín và các chuyên gia thực chiến trong lĩnh vực kinh doanh và khởi nghiệp.
Vượt qua vòng sơ loại, 10 đội thi xuất sắc tham gia vòng chung kết bao gồm: DRISA – Ứng dụng đặt tài xế lái xe hộ; E-Market – Giải pháp phần mềm quản lý chợ thông minh; FoodLink – Kết nối nhà cung cấp, nhà tài trợ và người tiêu dùng trong ngành thực phẩm; GuideMate – Gậy chỉ đường thông minh hỗ trợ người khiếm thị; HaMinGo – Ví điện tử tích hợp thanh toán NFC siêu tốc; HealthMate – Ứng dụng cho thuê hộ lý, điều dưỡng 24/7; HunchWings – Liệu pháp nghệ thuật hỗ trợ trẻ có hội chứng đặc biệt; Pulse X – Giải pháp giúp SMEs tối ưu hóa nội dung do người dùng tạo ra (UGC); Snaap – Nền tảng công nghệ cho thuê quần áo đa năng, từ bình dân đến cao cấp; UTU – Unlock Tomorrow’s University – Nền tảng hỗ trợ học tập và phân tích thông tin tuyển sinh cho học sinh trung học phổ thông.

Đại diện dự án FoodLink – Kết nối nhà cung cấp, nhà tài trợ và người tiêu dùng trong ngành thực phẩm trình bày ý tưởng khởi nghiệp.

Đại diện dự án GuideMate – Gậy chỉ đường thông minh hỗ trợ người khiếm thị trình bày về sản phẩm.

Đại diện dự án Pulse X – Giải pháp giúp SMEs tối ưu hóa nội dung do người dùng tạo ra (UGC) chia sẻ về ý tưởng của nhóm.

Các thành viên dự án HunchWings – Liệu pháp nghệ thuật hỗ trợ trẻ có hội chứng đặc biệt trả lời câu hỏi của ban giám khảo.
Đáng chú ý, cơ cấu giải thưởng của cuộc thi không chỉ dừng lại ở giá trị tiền mặt mà còn bao gồm các gói hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực, giúp các dự án có tiềm năng vươn xa và phát triển bền vững.
Cụ thể, Giải Nhất trị giá 50.000.000 đồng kèm theo hỗ trợ doanh nghiệp 70.000.000 đồng; 2 giải Nhì mỗi giải 30.000.000 đồng kèm theo hỗ trợ doanh nghiệp 30.000.000 đồng; 3 giải Ba mỗi giải 15.000.000 đồng; 4 giải Khuyến khích mỗi giải 10.000.000 đồng.
Mười đội thi lọt vào vòng chung kết đã trình bày các dự án mang tính xã hội cao, thể hiện sự nhạy bén với thị trường, tư duy truyền thông bài bản và năng lực ứng dụng thực tiễn rõ nét.
Với những chia sẻ thẳng thắn, đánh giá sắc sảo và tầm nhìn chiến lược, các giám khảo đã góp phần định hình con đường phát triển cho nhiều ý tưởng tiềm năng đồng thời tiếp thêm động lực để các startup trẻ bứt phá mạnh mẽ hơn trong hành trình phía trước.

Ban giám khảo thảo luận, đánh giá các dự án tham gia dự thi vòng chung kết.
Sau phần đánh giá và góp ý của ban giám khảo, dự án "FoodLink – Kết nối nhà cung cấp, nhà tài trợ và người tiêu dùng trong ngành thực phẩm" đã xuất sắc giành giải Nhất của cuộc thi.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Đình Phi trao giải Nhất cho các bạn sinh viên.
Hai giải Nhì lần lượt thuộc về các dự án: Snaap – Nền tảng công nghệ cho thuê quần áo đa năng, từ bình dân đến cao cấp và UTU – Unlock Tomorrow’s University – Nền tảng hỗ trợ học tập và phân tích thông tin tuyển sinh cho học sinh trung học phổ thông.

Hai đội thi xuất sắc giành giải Nhì chung cuộc.
Ba giải Ba lần lượt thuộc về các dự án: E-Market – Giải pháp phần mềm quản lý chợ thông minh; HunchWings – Liệu pháp nghệ thuật hỗ trợ trẻ có hội chứng đặc biệt; HealthMate – Ứng dụng cho thuê hộ lý, điều dưỡng 24/7.

3 đội thi nhận giải Ba chung cuộc.
4 dự án còn lại đạt giải Khuyến Khích là: DRISA – Ứng dụng đặt tài xế lái xe hộ; GuideMate – Gậy chỉ đường thông minh hỗ trợ người khiếm thị; HaMinGo – Ví điện tử tích hợp thanh toán NFC siêu tốc; ulse X – Giải pháp giúp SMEs tối ưu hóa nội dung do người dùng tạo ra (UGC).

4 đội thi nhận giải Khuyến khích của chương trình.
Cuộc thi “Khởi nghiệp sáng tạo HSB - Innovation Ignition” được tổ chức thường niên không chỉ là một sân chơi học thuật mà còn là môi trường thực hành sinh động, nơi sinh viên được khuyến khích hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh ngay từ trên giảng đường. Cuộc thi năm nay cũng hướng tới kỷ niệm 30 năm thành lập Trường Quản trị và Kinh doanh (1995–2025).
Một số hình ảnh tại chung kết cuộc thi:

Đại diện dự án UTU – Unlock Tomorrow’s University – Nền tảng hỗ trợ học tập và phân tích thông tin tuyển sinh cho học sinh trung học phổ thông trình bày ý tưởng.

Chung kết cuộc thi thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo giảng viên, sinh viên nhà trường.

Ban giám khảo đặt câu hỏi sau khi các đội thi trình bày ý tưởng.

Đây là năm thứ 2 nhà trường tổ chức cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo cho sinh viên.

Các dự án nhận được góp ý của nhiều chuyên gia, giảng viên ngay sau khi trình bày.

Đại diện 10 đội thi nhận quà từ giám khảo cuộc thi.