Dự án Gang thép Long Sơn - bài 1: Dân kêu cứu đến Thanh tra Chính phủ
Lo ngại Dự án Gang thép Long Sơn 53.500 tỷ đồng sẽ tác động xấu đến môi trường, cuộc sống… người dân thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định) đã trực tiếp mang đơn thư kêu cứu đến Thanh tra Chính phủ…
Đơn thư kêu cứu của người dân Lộ Diêu ký ngày 9/6, được một số bà con mang ra Hà Nội. Sau khi tiếp nhận đơn, ngày 12/6, thường trực Bộ phận Tiếp công dân (Thanh tra Chính phủ) đã có Văn bản số 955/TSTCDTW-TTCP gửi ông Đinh Thanh Tiến - đại diện các công dân.
Tại Văn bản số 955/TSTCDTW-TTCP, có nội dung hướng dẫn công dân liên hệ, gửi đơn thư đến Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định để được chỉ đạo xem xét, giải quyết và trả lời theo quy định của pháp luật.
Ngoài nộp đơn thư kêu cứu, họ còn thay mặt người dân thôn Lộ Diệu, trực tiếp trình bày sự việc tại trụ sở Bộ phận Tiếp công dân Trung ương. Theo đó, có 7 vấn đề khiến họ lo ngại về Dự án Khu liên hợp Gang thép Long Sơn, cảng chuyên dùng Khu liên hợp Gang thép Long Sơn của Công ty CP Gang thép Long Sơn.
Bảy lo ngại của người dân Lộ Diêu
Thứ nhất là làm ảnh hưởng lớn đến một vùng đất lịch sử. Bởi vùng biển Lộ Diêu là một trong những vị trí chiến lược - tạo nên đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên biển. Di tích Tàu không số huyền thoại tại Lộ Diêu, được Bộ Tư lệnh Hải quân phối hợp với tỉnh Bình Định xây dựng là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hiện nay.
Thứ hai là vấn đề tác động của dự án và quy hoạch cảng biển. Vì rằng, dự án, trước đây được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt tại huyện Phù Mỹ, nhưng không thực hiện được do người dân Phù Mỹ phản đối, lo sợ tác động tiêu cực của nhà máy thép làm ảnh hưởng đến môi trường, ảnh hưởng nguồn lợi thủy sản của vùng biển, tác động đến trữ lượng nước ngầm, ảnh hưởng tới cuộc sống người dân… Do đó, tỉnh Bình Định đã chấp thuận để nhà đầu tư chuyển dự án về Lộ Diêu.
Người dân thắc mắc:
Khi chấp nhận chuyển đổi dự án về thị xã Hoài Nhơn, tỉnh đã điều chỉnh quy hoạch về cảng biển theo đúng quy định hay chưa?
Đã có bản đánh giá môi trường chiến lược cho quy hoạch mới về cảng biển trình Bộ GTVT chấp thuận, theo đúng quy trình đến đâu?...
Thứ ba, thông tin trên báo chí, cũng như báo cáo của UBND tỉnh, đến thời điểm hiện tại, dự án đã được tỉnh Bình Định chấp thuận chủ trương đầu tư.
Theo quy định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với dự án đặc thù, đặc biệt là lĩnh vực gây ô nhiễm môi trường như nhà máy thép, thì cần phải có báo cáo đánh giá tác động về môi trường. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, báo cáo chưa được công bố rộng rãi để các nhà khoa học, các chuyên gia giám sát, đánh giá; người dân Lộ Diêu cũng hoàn toàn chưa được tiếp cận báo cáo này. Vậy, dựa vào căn cứ nào để tỉnh chấp thuận chủ trương cho nhà đầu tư?
Thứ tư, về năng lực tài chính của chủ đầu tư. Dự án được công bố, có tổng vốn đầu tư 53.000 tỷ đồng, tỉnh đã thẩm định năng lực tài chính của chủ đầu tư hay chưa?
Chủ đầu tư có đảm bảo khả năng tài chính thực hiện dự án hay sẽ biến thành dự án treo, gây ra hậu quả không nhỏ cho người dân, từ chính sách đền bù tái định cư, cho đến đất đai bị hoang hóa không sản xuất, sinh sống được?
Để đảm bảo năng lực tài chính cho dự án, nhà đầu tư có phương án kêu gọi đối tác nước ngoài nào tham gia dự án hay không và đó là đối tác nào, đến từ đâu? Người dân Lộ Diêu yêu cầu được biết, bởi một khi nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào dự án, thông thường công nghệ của nước đó sẽ được đầu tư, sử dụng cho dự án. Người dân rất lo lắng, bởi nếu nhà đầu tư đến từ một nước có công nghệ lạc hậu, thì nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất cao.
Thứ năm, về năng lực công nghệ xử lý. Tại buổi họp dân ngày 30/5, mặc dù lãnh đạo tỉnh đứng ra cam kết chịu trách nhiệm khi xảy ra ô nhiễm; tuy nhiên, nhà đầu tư sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại nào để đảm bảo không ô nhiễm, thì lãnh đạo tỉnh và chủ đầu tư không công bố được. Người dân yêu cầu được trả lời bằng văn bản - những căn cứ khoa học đảm bảo dự án không gây ô nhiễm môi trường, chứ không phải những cam kết bằng miệng.
Công ty TNHH Long Sơn (chiếm 96% vốn của Công ty CP Gang thép Long Sơn Phù Mỹ - PV), chuyên kinh doanh xi măng và bến thủy nội địa, chưa từng sản xuất thép. Vậy, cơ sở nào để đảm bảo rằng, họ vận hành một nhà máy và đảm bảo không xảy ra rủi ro sự cố?
Thứ sáu, Công ty TNHH Long Sơn đã nhiều lần bị xử phạt vì gây ô nhiễm môi trường.
Thứ bảy, cuộc sống của người dân sẽ bị ảnh hưởng. Lộ Diêu là vùng biển có nhiều tôm cá, nông nghiệp tốt tươi. Hàng trăm năm qua, người dân Lộ Diêu sống ổn định và dư dả với nghề trồng lúa, trồng rừng, đánh bắt hải sản, nuôi chim yến…
Bà con hoài nghi: Dự án thép đặt tại Lộ Diêu, sẽ chỉ có thiệt hại, không có lợi ích cho dân; việc xây dựng dự án, có thể sẽ xóa sổ thôn Lộ Diêu, mất đi một ngôi làng có bề dày lịch sử cách mạng, phong tục tập quán, văn hóa truyền thống…!.
Hơn thế, Lộ Diêu là một vùng biển đẹp, bắt đầu phát triển du lịch. Khách du lịch khắp cả nước đang đổ về Lộ Diêu để tham qua vùng biển đẹp và văn hóa bản địa đặc sắc. Trong xu thế kinh tế xanh, du lịch chính là ngành mang lại kinh tế cho người dân và bảo vệ môi trường cho con cháu mai sau.
Quy mô dự án như thế nào?
Dự án Khu liên hợp Gang thép Long Sơn và cảng chuyên dùng Khu liên hợp Gang thép Long Sơn, Công ty CP Gang thép Long Sơn là nhà đầu tư. Diện tích đất, dự kiến sử dụng cho khu liên hợp là khoảng 468 ha, cảng chuyên dùng khoảng 496,9 ha (trong đó đất trên bờ khoảng 23 ha, mặt nước biển khoảng 473,9 ha).
Dự án Khu liên hợp Gang thép Long Sơn, có quy mô dự kiến đạt công suất 5,4 triệu tấn/năm; bao gồm các sản phẩm thép chế tạo chất lượng cao, thép xây dựng, thép cuộn. Tiến độ thực hiện dự án, theo 3 giai đoạn đầu tư xây dựng. Cụ thể:
Giai đoạn 1: Có diện tích khoảng 260 ha; công suất thiết kế sản xuất 1,8 triệu tấn/năm; vốn đầu tư 21.042 tỷ đồng; thời gian từ quý II/2023 đến quý I/2026, đầu tư xây dựng và hoàn thành đưa vào sản xuất.
Giai đoạn 2: Có diện tích khoảng 128 ha; công suất thiết kế khoảng 1,8 triệu tấn/năm; vốn đầu tư 18.114 tỷ đồng; thời gian từ quý II/2025 đến quý II/2027, đầu tư xây dựng và hoàn thành đưa vào sản xuất.
Giai đoạn 3: Có diện tích khoảng 80 ha; công suất thiết kế khoảng 1,8 triệu tấn/năm; vốn đầu tư 17.101 tỷ đồng; thời gian thực hiện từ quý III/2027 đến quý IV 2029, đầu tư xây dựng và hoàn thành đưa vào vận hành sản xuất toàn hộ dự án.
Cảng chuyên dùng Khu liên hợp Gang thép Long Sơn, được chia làm 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1 (từ năm 2023 - 2027): Xây dựng 10 bến/2.525 m; khu hậu cần cảng khoảng 44 ha; chiều dài đê, kè chắn sóng khoảng 3.000 m; công suất 21 - 23 triệu tấn/năm.
Giai đoạn 2 (từ năm 2028 - 2029): Xây dựng hoàn thiện các hạng mục còn lại dự án, sau khi dự án hoàn thành với 13 bến/3525 m; khu hậu cần khoản 44 ha; chiều dài đê, kè chắn sóng khoảng 4.000 m; công suất 30 - 35 triệu tấn/năm.
Thông tin chủ trương về dự án này, kỳ vọng khi hoàn thành, sẽ giải quyết việc làm trực tiếp cho hơn 7.500 người, thúc đẩy các ngành công nghiệp, nông nghiệp phụ trợ, các ngành dịch vụ, cảng biển…
Dự án cũng kỳ vọng - đóng góp 4.926 tỷ đồng thuế vào ngân sách nhà nước ở giai đoạn xây dựng; khi đi vào sản xuất, cả 3 giai đoạn, sẽ đóng góp 10.395 tỷ đồng/năm.
Ban đầu, dự án được tỉnh Bình Định chấp thuận chủ trương thực hiện tại xã Mỹ An và xã Mỹ Thọ (huyện Phù Mỹ). Do người dân 2 xã này phản đối, cuối năm 2022, tỉnh Bình Định chấp thuận chủ trương chuyển dự án này sang thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn.
Ngày 30/5, lãnh đạo tỉnh Bình Định gồm ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy; ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh và Công ty TNHH Long Sơn, tổ chức thông tin dự án với khoảng 500 hộ dân thôn Lộ Diêu. Những người dân được mời phát biểu, phản đối dự án vì nhiều lo ngại…