Dự án gang thép Thái Nguyên 'đắp chiếu', Bộ Tài chính nói gì?
Theo Bộ Tài chính, ở dự án Thép Thái Nguyên giai đoạn 2, chưa xây xong dự án, họ đã nhập hết thiết bị về. Sau đó, lại còn chia nhỏ gói thầu ra. Như vậy là không đúng.
Đó là chia sẻ của ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) bên lề họp báo chuyên đề về tình hình tài chính, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2018, kết quả tái cơ cấu, cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) năm 2019 ngày 10/12.
Theo đó, Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II – Công ty Gang thép Thái Nguyên, thường được biết tới với tên gọi Dự án Thép Thái Nguyên giai đoạn 2 là một trong 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành Công Thương.
Về phía Bộ Tài chính, ông Đặng Quyết Tiến cho rằng, các dự án lớn phải tuân thủ trình tự, quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu và chịu giới hạn về tổng mức đầu tư.
“Trong số các nguyên nhân được nêu đối với các sai phạm đều có ý chí chủ quan của người đứng đầu doanh nghiệp và là chủ đầu tư dự án. Nếu anh không phải chủ đầu tư dự án, anh chỉ phải chịu trách nhiệm liên đới vì tham gia biểu quyết”, ông Đặng Quyết Tiến cho biết.
Ở dự án Thép Thái Nguyên giai đoạn 2, theo ông Tiến, chủ đầu tư đã sai khi chưa xây xong dự án họ đã nhập hết thiết bị về. Sau đó, lại còn chia nhỏ gói thầu ra.
“Mình chưa lắp đặt xong nhà xưởng mà đã nhập hết thiết bị về để ngoài trời cũng không được. Đó là những biểu hiện, hành vi vi phạm pháp luật đã thấy rõ. Những vấn đề liên quan tới con người, cơ quan chức năng sẽ rà soát, xác minh kỹ sao cho có tình, có lý, có tội hay không có tội”, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp bình luận.
Theo ông Đặng Quyết Tiến, khi đánh giá hành vi sai phạm của doanh nghiệp cần đánh giá tổng thể hoạt động của doanh nghiệp. Còn với từng dự án cụ thể, cá nhân nào làm sai, cá nhân đó sẽ phải chịu trách nhiệm.
“Doanh nghiệp làm 10 dự án, thua lỗ ở một vài dự án. Nhưng nếu họ làm đúng quy định pháp luật thì không sao cả. Chúng ta xác định nguyên nhân thua lỗ xuất phát từ rủi ro kinh doanh, tác động của thị trường”, ông Tiến khẳng định.
Trước đó, ngày 9/12, Ủy ban kiểm tra Trung ương đã công bố thông cáo báo chí kỳ họp 41 với nội kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng Công ty Thép Việt Nam.
Trong đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu rõ: Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng Công ty Thép Việt Nam đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để Tổng Công ty có nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong thực hiện Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II – Công ty Gang thép Thái Nguyên (Dự án TISCO II), gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn tiền và tài sản của Nhà nước, nhiều cán bộ, đảng viên liên quan bị xử lý hình sự, gây bức xúc trong xã hội.
Trong khi đó, Ban cán sự đảng Bộ Công thương được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận là đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, để Bộ Công thương có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với Dự án TISCO II.
Đồng chí Vũ Huy Hoàng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng (giai đoạn 2007 – 2016) chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng Bộ Công thương; các đồng chí nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Thứ trưởng: Lê Dương Quang, Đỗ Hữu Hào cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng Bộ Công thương và trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công.
Đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã có vi phạm, khuyết điểm khi cho một số ý kiến chỉ đạo đối với Dự án TISCO II.
Các đồng chí nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ: Văn Trọng Lý, Nguyễn Hữu Vũ và đồng chí Nguyễn Văn Tài, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế ngành, đồng chí Đỗ Cảnh Dương, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường, nguyên cán bộ Văn phòng Chính phủ có vi phạm, khuyết điểm trong tham mưu Lãnh đạo Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo đối với Dự án TISCO II.
Từ đây, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận: Vi phạm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng Công ty Thép Việt Nam, của Ban cán sự đảng Bộ Công thương và các đồng chí nêu trên đã ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, đến mức phải xem xét kỷ luật.