Dự án hiện đại hóa chiến tăng chủ lực Leopard 2 Đức
Xe tăng Leopard 2 vẫn trực chiến trong nhiều năm nữa, và sẽ là nền tảng sức mạnh chính của Quân đội Đức.
Leopard - dòng tăng trứ danh
Leopard 1 (Con Báo) là xe tăng chiến đấu chủ lực được thiết kế dựa trên các kinh nghiệm đúc kết trong khai thác vận hành và sửa chữa M48 Patton (Mỹ), Centurion (Anh) trong thành phần NATO đồn trú tại Tây Đức, được được đưa vào trang bị cho Lục quân Đức từ năm 1965. Kế thừa thành công của Leopard 1, Leopard 2 được phát triển bởi Krauss-Maffei đầu những năm 1970 và được Quân đội Đức đưa vào biên chế năm 1979. Hơn 3.480 chiếc Leopard 2 với các biến thể khác nhau đã được sản xuất phục vụ quân đội Đức và gần 20 nước trên thế giới; một số trong số đó từng tham chiến tại Kosovo, Afghanistan và Syria...
Ngoài Leopard 2 cơ bản (còn được gọi là "A0"), còn có các phiên bản từ A1 đến A7 (cùng các chữ cái là chữ viết tắt nước nhập khẩu). Chiếc Leopard 2A7 đầu tiên đã được bàn giao cho Quân đội Đức tháng 12/2014 là phiên bản hiện đại hóa từ Leopard 2A6 với khả năng bảo vệ và trinh sát được nâng cao. Mới đây, Phần Lan thông báo đã nhận đủ 100 xe tăng Leopard 2A6NL mua lại từ Hà Lan và sẽ triển khai chúng sát biên giới Nga.
Leopard 2A6NL có tính năng tương đương với T-90MS, được điều khiển bởi kíp lái 4 người, có trọng lượng 62 tấn, dài 10,97m (pháo quay về phía trước), rộng 3,7m, cao 3m, dùng động cơ diesel MTU MB-837 Ka501 công suất 1.500 mã lực, tốc độ di chuyển tối đa 68 km/h, tầm hoạt động 500km, có thể leo dốc 60%, đi trên sườn nghiêng 30%, vượt vật cản cao 1,5m, hào rộng 3m, lội nước sâu 1m và tới 4m khi mang ống thở.
Vũ khí chính của Leopard 2A6 là pháo nòng trơn Rheinmetall 120 mm L55 với 42 viên đạn, có độ chính xác tầm bắn cao hơn loại L44 gắn trên phiên bản 2A5. Vũ khí phụ gồm 2 súng máy 7,62 mm (1 khẩu đồng trục và 1 khẩu bố trí trên tháp pháo) với cơ số đạn dự trữ 4.750 viên. 2A6 được trang bị giáp composite thế hệ mới kết hợp với các module giáp gắn ngoài, có thể mang cả giáp phản ứng nổ khi cần thiết.
Leopard 2A7+ được Krauss-Maffei Wegmann phát triển để tác chiến trong các cuộc xung đột cường độ thấp cũng như xung đột cường độ cao, lần đầu tiên ra mắt công chúng trong triển lãm Eurosatory 2010. Điểm cải tiến lớn nhất của 2A7+ so với 2A6 là ở khả năng bảo vệ - được tăng cường giáp bị động, có thể bảo vệ 360° trước các loại tên lửa chống tăng lẫn đạn RPG, các thiết bị nổ tự chế (IED) và mìn, tăng khả năng sống sót khi tác chiến ở vùng đô thị; giáp dạng module hóa, dễ dàng được thay thế ngay cả trong điều kiện dã chiến.
Hỏa lực của Leopard 2A7+ gồm pháo chính nòng trơn Rheinmetall 120mm L55 - hiện tại là pháo tăng tốt nhất trong dòng Leopard 2 cùng 42 viên đạn pháo. Pháo 120mm được nạp đạn thủ công và tương thích với chuẩn đạn pháo của NATO cũng như các loại đạn nổ mạnh (HE) được lập trình hóa mới phát triển. Loại đạn pháo đa năng này có thể tiêu diệt mục tiêu được che chắn đằng sau chướng ngại vật lẫn trong các kiến trúc kiên cố cũng như tấn công bộ binh, xe thiết giáp và trực thăng bay thấp.
Vũ khí phụ gồm 1 súng máy đồng trục cỡ 7,62mm và 1 súng máy cỡ 12,7mm, điều khiển từ xa cho phép xạ thủ có thể bắn từ trong xe. Leopard 2A7+ được trang bị các thiết bị chỉ huy và điều khiển tân tiến tích hợp vào hệ thống quản lý chiến trường trên xe. Vị trí trưởng xe được trang bị kính ngắm PERI RTWL gồm thiết bị ảnh nhiệt thế hệ thứ ba Attica, camera CCD ban ngày, thiết bị đo xa laser, con quay hồi chuyển, cho phép quan sát ở khoảng cách xa cả ngày lẫn đêm. Vị trí pháo thủ trang bị kính ngắm ổn định EMES 15 và kính nhìn xa FERO Z18. Lái xe được tích hợp kính nhìn đêm ảnh nhiệt kết hợp kính ngắm khuếch đại ánh sáng để quan sát trước và sau xe.
Leopard 2A7+ nặng 67,5 tấn, dùng động cơ diesel tăng áp MTU MB-837 Ka501 công suất 1.500 mã lực, có tốc độ tối đa đạt 72 km/h và tầm hoạt động 450 km. Một máy phát điện phụ của hãng Steyr giúp duy trì hoạt động của xe khi động cơ chính tắt trong lúc thực hiện các nhiệm vụ như thiết lập chốt kiểm soát, duy trì sẵn sàng chiến đấu. Leopard 2A7+ khi cần cũng có thể gắn thêm lưỡi ủi phía trước để đào công sự hay dọn dẹp vật cản, hoặc gắn các con lăn chuyên vô hiệu hóa mìn chống tăng. Phiên bản 2A7+ có trong trang bị của quân đội Qatar và Saudi Arabia.
Trong nhiều cuộc thi quốc tế, các dòng tăng Leopard 2 vượt trội so với tăng của Mỹ, Anh, Pháp và một số xe tăng khác về tổng thể. Mới đây nhất, Leopard 2A7 lọt top 10 xe tăng mạnh nhất thế giới theo bình chọn của Military Today dựa trên điểm số về khả năng bảo vệ, hỏa lực, độ chính xác và tính cơ động…, xếp trên K2 Black Panther (Hàn Quốc), M1A2 SEP (Mỹ), Challenger 2 (Anh), Armata (Nga), Merkava Mk.4 (Israel), Type 90 (Nhật Bản), Leclerc (Pháp), Oplot-M (Ukraine) và T-90 (Nga).
Dự án “lột xác” chiến tăng Leopard 2
Ngày 29/10/2019, tại Munich đã diễn ra lễ bàn giao chìa khóa biểu tượng phiên bản mới nhất của chiến tăng Leopard 2A7V cho đại diện Bộ Quốc phòng Đan Mạch và Đức. Các công ty Krauss-Maffei Wegmann (KMW) và Rheinmetall nhận hợp đồng tổng giá trị gần 900 triệu USD để nâng cấp 200 xe tăng thuộc nhiều biến thể khác nhau lên chuẩn 7V - phiên bản mới và hiện đại nhất của dòng tăng Leopard 2, được ra mắt lần đầu tại triển lãm quốc phòng Eurosatory tháng 6/2017. Quân đội Đức mới chỉ có 20 xe Leopard 2A7V để thử nghiệm trước khi nâng cấp đại trà.
Pháo nòng trơn 120mm tiêu chuẩn dài bằng 44 lần cỡ nòng trên những chiếc Leopard 2A4 được thay thế bằng pháo Rh-120 L55A1, có hỏa lực mạnh hơn. Pháo mới được trang bị đạn nổ phá mảnh chống bộ binh kiểu mới DM11 cũng do hãng Rheinmetall phát triển, xe được bổ sung trạm điều khiển vũ khí tự động FLW-2000 lắp hệ thống phóng lựu 40mm, cùng súng máy đồng trục 12,7mm và 7,62mm. Hệ thống điều khiển hỏa lực được hiện đại hóa bằng cách thay thế thiết bị ngắm, cập nhật các công cụ tính toán và hệ thống lập trình MKM để sử dụng đạn mới có ngòi nổ được lập trình.
Thân xe, tháp pháo, vũ khí và hệ thống điều khiển hỏa lực, hệ thống động lực, v.v được nâng cấp, bằng một số thiết bị và sản phẩm mới về nguyên lý. Khả năng sống sót của xe tăng được nâng cao bằng gia cố chống mìn ở phía dưới gầm xe. 7V còn được trang bị hệ thống điều hòa không khí khoang có thành viên kíp xe, máy phát điện phụ loại Steyr M12, kính ngắm nâng cấp, hệ thống điều khiển thông tin chiến đấu IFIS, tấm phủ ngụy trang đa chiều Saab Barracuda, camera hồng ngoại, lưỡi ủi (tùy chọn) ..., một máy liên lạc nội bộ Thales SOTAS mới. Bên ngoài xe cũng bố trí cả điện thoại để bộ binh theo xe có thể liên lạc với kíp lái khi phối hợp tác chiến.
Theo kế hoạch, Lục quân Đan Mạch sẽ nhận được 44 xe tăng Leopard 2A7 vào năm 2022, quân đội Đức nhận 104 MBT Leopard 2A7V vào năm 2023. Bộ Quốc phòng Đức đang dự định bổ sung số lượng xe tăng các loại lên 329 chiếc trước năm 2023, tăng khoảng 40% so với hiện tại. Đến năm 2026, số lượng chiến tăng chủ lực tăng gần một phần ba; khoảng hai phần ba số tăng thuộc mọi phiên bản sẽ được hiện đại hóa đạt chuẩn 2A7V; tỷ lệ của các xe đời cũ sẽ giảm do hiện đại hóa hoặc đưa vào bảo quản. Leopard 2A7V sẽ duy trì sức chiến đấu cho đến khi những chiếc xe tăng chủ lực mới xuất hiện.
Dự án Leopard 2A7V nhằm mục đích hiện đại hóa các xe tăng thuộc các biến thể cũ theo các yêu cầu, thách thức và mối đe dọa hiện tại. Leopard 2A7V vẫn giữ được sự tương đồng tối đa với các phiên bản trước đó, nhưng có được những lợi thế đáng kể về tính năng chiến thuật - kỹ thuật, vận hành và phụ tùng sửa chữa. Mẫu tăng mới thay thế Leopard 2 sẽ chỉ xuất hiện vào giữa những năm 2030. Trong giai đoạn này, Đức và Pháp sẽ hoàn thành việc phát triển xe tăng MGCS đầy triển vọng và triển khai sản xuất để có thể thay thế hoàn toàn số tăng đang có trong biên chế. Tăng Leopard 2 vẫn còn trong trang bị trong nhiều năm nữa và sẽ là nền tảng sức mạnh chính của Quân đội Đức./.