Dự án 'Khô cá Lóc sông La Ngà' phát huy tiềm năng địa phương
Cá Lóc một trong những đặc sản được chính người dân ở khu vực sông La Ngà, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai nuôi. Cá Lóc có thể chế biến thành phẩm là làm khô, khô một nắng… Thế nhưng sản xuất kinh doanh loại đặc sản này chỉ dừng lại ở việc được bà con phát triển ở mô hình hộ gia đình nhỏ lẻ, chưa phát huy được hết tiềm năng.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Hằng (SN 1988) là cán bộ Hội LHPN cấp cơ sở với mong muốn tạo cơ hội cho bản thân và chị em phụ nữ tại địa phương phát triển kinh tế lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương. Chính vì vậy, sản phẩm nuôi trồng của bà con đã thôi thúc chị và nhóm xây dựng ý tưởng khởi nghiệp "Khô cá Lóc sông La Ngà " gắn với "Chương trình OCOP" theo Đề án 939 do Hội LHPN triển khai trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Báo Phụ nữ Việt Nam có cuộc trò chuyện với chị Nguyễn Thị Ngọc Hằng về ý tưởng khởi nghiệp.
Chị đánh giá thế nào về lợi thế và tiềm năng phát triển của cá lóc tại tỉnh nhà?
Xã La Ngà nằm trong địa bàn thuộc khu vực miền núi của huyện Định Quán, có điện tích tự nhiện là 8.204,05 ha, hơn 4.000 hộ với hơn 18.000 nhân khẩu. Đây cũng là một xã nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế, có nguồn quỹ đất sản xuất nông nghiệp với đa dạng các loại cây trồng như điều, xoài, quýt, bưởi, sầu riêng…
Đặc biệt, nơi đây được thiên nhiên ưu ái có dòng sông La Ngà chảy qua tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế bằng nghề đánh bắt cá trên sông, nuôi cá bè, và nhiều lạch sông, nhiều ao hồ. Hiện nay, nuôi thủy sản, đặc biệt nuôi cá bè trên sông, nuôi cá trong ao hồ rất phát triển với đa dạng các loại cá như cá lăng, cá leo, cá lóc, cá rô đồng… trong đó cá Lóc được người dân xem là chủ lực để phát triển kinh tế với diện tích nuôi chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số diện tích nuôi thủy sản tại địa phương.
Từ nhận định trên, chị đã thấy được tiềm năng của nguồn nguyên liệu cá Lóc. Tuy nhiên, khi đi vào kinh doanh bài bản, chắc hẳn chị đã có một định hướng rõ ràng và chiến lược?
Đúng vậy. Cá khô là một trong những món ăn dân dã gắn liền với các bữa cơm gia đình từ miền quê cho đến thành thị. Đặc biệt, với nhu cầu ngày càng đa dạng của con người đối với ẩm thực khô. Thì cá Lóc là một lựa chọn vì là một trong những đặc sản, được chính người dân ở khu vực sông La Ngà nuôi và chế biến thành phẩm với công thức ướp cá đặc trưng. Sản phẩm được làm khô từ thịt cá tươi, mềm thích hợp cho việc chế biến các món ăn ngon như chiên, nướng, kho tiêu, trộn gỏi.
Tuy nhiên, sản phẩm khô cá Lóc hiện nay trên địa bàn được sản xuất chủ yếu ở các hộ kinh doanh gia đình, chưa tiêu thụ hết nguồn nguyên liệu địa phương. Kỹ thuật chế biến cá còn mang tính thủ công, sản phẩm khô cá còn hạn chế về khâu bảo quản và thời gian. Nên khó tiêu thụ ngoài khu vực.
Như đã chia sẽ ở trên, với mong muốn tạo cơ hội bản thân và phát triển kinh tế lập nghiệp tại quê hương, với dự án "Khô cá Lóc sông La Ngà" sẽ khai thác và phát huy tiềm năng cá Lóc tại khu vực sông La Ngà.
Từ thế mạnh vùng nguyên liệu của địa phương nên sản phẩm "Khô cá Lóc sông La Ngà" 100% là cá tươi sống. Sản phẩm "Khô cá Lóc sông La Ngà" khi đưa ra thị trường được đóng gói hút chân không nhằm góp phần lưu giữ tốt hương vị, kiểm soát được chất lượng. Trên thị trường hiện tại theo khảo sát giá khô cá Lóc giao động từ 150.000 đồng - 500.000 đồng/1 kg. Thì sản phẩm Khô cá Lóc sông La Ngà niêm yết giá là 180.000 đồng/1kg.
Bên cạnh các thế mạnh này, chị có những khó khăn gì khi thực hiện dự án?
Những khó khăn khách quan hiện nay mà tôi nhìn thấy được sản phẩm khô tại địa phương được sản xuất chủ yếu ở các hộ kinh doanh gia đình, giá cả rẻ hơn khi đưa ra thị trường. Khó khăn nữa là rủi ro hạn sử dụng sản phẩm, bởi trong thời gian mới đi vào hoạt động còn thiếu kinh nghiệm đánh giá về nhu cầu sản phẩm nên có thể không tiêu thụ hết số lượng sản phẩm sản xuất. Tiếp đó là rủi ro về thời tiết, ảnh hưởng đến chất lượng và 1 điểm quan trọng nữa đó là rủi ro về cạnh tranh vì mới gia nhập thị trường nên phải cạnh tranh với các đối thủ xuất hiện trước trong việc thu hút khách hàng.
Để khắc phục các rủi ro này, tôi dự định sẽ xây dựng một chiến lược quảng cáo tiếp thị phù hợp, hiệu quả. Đồng thời có các giải pháp tạo sự khác biệt, đa dạng hóa sản phẩm cả về hình thức cũng như dịch vụ đi kèm. Đặc biệt trường hợp không giải quyết được sản phẩm để tồn kho quá hạn sử dụng, tôi sẽ bán cho các công ty phân bón để làm phân vi sinh nhằm thu hồi lại một phần vốn sản phẩm.
Chúng tôi chú trọng phương pháp định vị thương hiệu dựa trên chất lượng sản phẩm. Thương hiệu mạnh luôn sở hữu những sản phẩm tốt, nếu chất lượng thấp chắc chắn hình ảnh thương hiệu sẽ phai nhạt, bị lu mờ trong tâm trí khách hàng. Đồng thời thực hiện đăng ký sở hữu trí tuệ, thương hiệu sản phẩm.
Theo chị, sản phẩm khô cá lóc sông La Ngà sẽ mang lại giá trị gì cho kinh tế địa phương và bà con nuôi thủy sản?
Đối với người tiêu dùng, với phương châm "Khách hàng hài lòng từ chất lượng đến phục vụ" chúng tôi sẽ cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm thơm ngon, hấp dẫn, chất lượng cao. Đối với người cung ứng, chúng tôi sẽ góp phần nâng cao thu nhập ổn định, giúp họ có thêm động lực đầu tư nuôi trồng cá chất lượng cao trong tương lai khi nền kinh tế phát triển nhu cầu thỏa mãn ẩm thực ngày càng cao. Từ đó có thể mở rộng các vùng nuôi chuyên canh, tạo ra sự đặc trưng vùng miền trên quê hương. Chúng tôi tạo việc làm cho người lao động, góp phần vào phát triển chung của nền kinh tế địa phương.
Đối với chị em hội viên phụ nữ tại địa phương thì dự án "Khô cá Lóc sông La Ngà" giúp họ tiếp cận, hoạch định được chiến lược cho bản thân, khởi nghiệp theo đề án tuyên truyền: Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp theo Đề án 939 từ sản phẩm của địa phương. Học hỏi được kinh nghiệm và có cơ hội trao đổi kinh nghiệm…