Dự án Khu công nghiệp Hố Nai: Tạo đồng thuận để gỡ vướng giải phóng mặt bằng
Sau 25 năm thành lập, Khu công nghiệp (KCN) Hố Nai (huyện Trảng Bom) vẫn đang gặp nhiều vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng nên chưa thể hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật của dự án.
Mới đây, UBND tỉnh đã tổ chức buổi đối thoại giữa chính quyền, chủ đầu tư và các hộ dân trong khu vực Dự án KCN Hố Nai để tạo sự đồng thuận, gỡ vướng mặt bằng phục vụ việc đầu tư.
Vướng mặt bằng giai đoạn 1
Theo Công ty CP KCN Hố Nai (chủ đầu tư), KCN có tổng diện tích quy hoạch hơn 496,6 hécta, nằm trên địa bàn các phường, xã: Phước Tân, Long Bình (thành phố Biên Hòa), Hố Nai 3 và Bắc Sơn (huyện Trảng Bom). Trong đó, giai đoạn 1 có diện tích 225,7 hécta, thời hạn thuê đất đến năm 2048; giai đoạn 2 hơn 270 hécta, thời hạn thuê đất đến năm 2065.
Giai đoạn 1 của dự án có 187 hộ dân nằm trong quy hoạch, đến thời điểm này 172 hộ đã nhận tiền và bàn giao mặt bằng. Hiện vướng diện tích 13 hécta của các hộ còn lại và tu xá Thánh Vinh Sơn.
Trong buổi đối thoại ngày 12-4-2024, đại diện của tu xá Thánh Vinh Sơn và các hộ dân có đất thu hồi thực hiện dự án đề cập các nhóm nội dung cần các cơ quan chức năng làm rõ như: công khai chủ trương đầu tư, quy hoạch, giao đất, công bố công khai các quy định của Nhà nước về thực hiện Dự án KCN Hố Nai. Đồng thời, thông tin về quá trình thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; giải quyết các cơ sở tôn giáo trong khu vực thực hiện dự án và quá trình giải quyết các kiến nghị của người dân liên quan đến xây dựng KCN Hố Nai.
Là người có đất nằm trong diện thu hồi thực hiện dự án, ông Vũ Quang Thái chia sẻ, người dân hoàn toàn đồng ý để hội đồng bồi thường tính toán giá bồi thường, hỗ trợ cho diện tích đất thu hồi. Vấn đề là gia đình ông hiện vẫn chưa nhận được quyết định hành chính về thu hồi đất. Khi Nhà nước có quyết định thu hồi diện tích đất mới biết quyền lợi và nghĩa vụ của mình như thế nào để phối hợp thực hiện. Theo ông, việc chính quyền tổ chức đối thoại giữa các bên là rất quan trọng để người dân trải lòng, từ đó tìm ra tiếng nói chung.
Ngoài những vướng mắc về mặt bằng của giai đoạn 1 thì giai đoạn 2 của KCN còn 37 hécta, hiện các hộ dân chưa nhận tiền và chưa giao đất. Huyện Trảng Bom và thành phố Biên Hòa đang đẩy nhanh tiến độ thu hồi đất và giao đất cho nhà đầu tư.
Tạo đồng thuận để sớm hoàn thành thu hồi đất
Linh mục Tổng đại diện Giáo phận Xuân Lộc Đaminh Nguyễn Tuấn Anh cho hay, sự nỗ lực của chính quyền các cấp trong việc tổ chức hội nghị đối thoại để lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của người dân là rất cần thiết. Linh mục cũng mong muốn lãnh đạo các cấp giải quyết sớm những nguyện vọng chính đáng cho người dân, cơ sở tôn giáo. Từ đó tạo sự đồng thuận của toàn xã hội trong phát triển, không nên để tình trạng vướng mắc tiếp tục kéo dài.
Về phía nhà đầu tư, Tổng giám đốc Công ty Phát triển KCN Hố Nai Nguyễn Công Định cam kết doanh nghiệp hỗ trợ thêm cho các hộ dân mức 300 ngàn đồng/m2 đất thu hồi. Đây là phần hỗ trợ ngoài việc được nhận các chính sách theo quy định của Nhà nước bao gồm tiền bồi thường, lô tái định cư của người dân. Đồng thời, các hộ dân được bố trí tái định cư, công ty hỗ trợ tiền sử dụng đất và tiền hạ tầng kỹ thuật với tổng giá trị hơn 650 triệu đồng/lô.
Riêng tu xá Thánh Vinh Sơn, cùng với nhận toàn bộ chính sách bồi thường của Nhà nước, Công ty CP Phát triển KCN Hố Nai sẽ bố trí diện tích 2 hécta đất tại vị trí thuận lợi để tu xá xây dựng tu viện mới làm nơi tu hành, sinh hoạt tôn giáo. Doanh nghiệp cũng sẽ làm hạ tầng để kết nối điện chiếu sáng, nước sạch để tu xá hoạt động bình thường. Phần diện tích còn lại (khoảng 1,29 hécta) sau khi bố trí 2 hécta, công ty hỗ trợ thêm 300 ngàn đồng/m2, tức khoảng 3,8 tỷ đồng để tu xá có thêm kinh phí, góp phần xây dựng nơi sinh hoạt mới. Các thủ tục pháp lý cần thiết để tu xá được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng sẽ được nhà đầu tư hạ tầng KCN hỗ trợ thực hiện.
Tham gia buổi đối thoại, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi nhận định, dự án đã kéo dài do quá trình tổ chức thực hiện, đặc biệt là công tác tuyên truyền cho người dân trong việc thu hồi đất để giải phóng mặt bằng chưa được kịp thời. Từ đó dẫn đến người dân chưa hiểu, chưa biết nên chưa nhận được sự đồng thuận cao trong việc triển khai dự án. Lãnh đạo tỉnh đề nghị các bên cùng ngồi lại để thống nhất giải quyết tốt những vướng mắc, không để tiếp tục kéo dài, gây thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp và Nhà nước. Chính quyền địa phương cấp huyện, xã cần công khai, minh bạch các văn bản về quy hoạch, thành lập, chính sách bồi thường, hỗ trợ thực hiện để người dân biết rõ.