Dự án khu đô thị Thịnh Liệt: LICOGI 'ôm' dự án gần 20 năm vẫn bỏ hoang

Dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt của Tổng Công ty Xây dựng Licogi với diện tích hơn 35 ha tại phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai đang là một trong những điểm nóng gây bức xúc cho nhân dân vì gần 20 năm qua dự án vẫn là khu đất bỏ hoang, lãng phí.

"Ôm" đất vàng rồi bỏ hoang năm này qua năm khác

Dự án KĐT mới Thịnh Liệt được UBND TP Hà Nội phê duyệt theo Quyết định số 3649/QĐ-UBND ngày 17/9/2007 về việc cho phép Tổng công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng- nay là Tổng công ty Licogi) sử dụng chính thức 351.618 m2 đất thuộc các phường Thịnh Liệt, Hoàng Văn Thụ, Tương Mai thuộc quận Hoàng Mai để thực hiện dự án.

Tuy nhiên, do vướng mắc về giải phóng mặt bằng cùng năng lực tài chính trong cả quá trình thực hiện dự án của chủ đầu tư đã khiến cho dự án liên tục lỡ hẹn. Để đến nay, qua nhiều lần điều chỉnh và gia hạn thời gian thực hiện, dự án KĐT mới Thịnh Liệt vẫn là khu đất quây tôn rồi bỏ hoang, trong khi người dân đã thực hiện bàn giao đất từ nhiều năm qua và mòn mỏi chờ đợi nhà tái định cư đang sống lay lắt, tạm bợ.

Trao đổi với phóng viên An ninh Thủ đô, ông Nguyễn Văn Đức, Trưởng phòng Quản lý đô thị, UBND quận Hoàng Mai thừa nhận, dự án KĐT mới Thịnh Liệt có việc chậm muộn, trong đó yếu tố giải phóng mặt bằng (GPMB) kéo dài là nguyên nhân chủ yếu.

Theo Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hoàng Mai, việc GPMB kéo dài do KĐT có diện tích lớn, hơn 35ha, cùng với đó chính sách về đất đai, bồi thường GPMB thay đổi qua các thời kỳ, có hộ dân đồng thuận bàn giao đất nhưng đến nay vẫn có những hộ dân chưa đồng thuận.

Thêm vào đó, năng lực của nhà đầu tư giai đoạn đó cũng có vấn đề đã khiến dự án bị chậm.

KĐT mới Thịnh Liệt của Licogi đã đắp chiếu gần 20 năm, đất đai bỏ hoang gây lãng phí

KĐT mới Thịnh Liệt của Licogi đã đắp chiếu gần 20 năm, đất đai bỏ hoang gây lãng phí

Đến ngày 15/9/2017, UBND TP Hà Nội đã có quyết định điều chỉnh dự án KĐT mới Thịnh Liệt.

Trong đó, nhà đầu tư từ Tổng công ty Licogi chuyển sang là Công ty TNHH MTV Nhà ở và Đô thị Licogi (Công ty Nhà ở và Đô thị Licogi- Công ty con do Tổng công ty Licogi thành lập và sở hữu 100% vốn điều lệ) do ông Vũ Nguyên Vũ làm Tổng giám đốc. Ông Vũ Nguyên Vũ hiện cũng giữ chức vụ Tổng giám đốc của Tổng công ty Licogi.

Tại quyết định này, TP Hà Nội cho phép Công ty Nhà ở và đô thị Locogi xây dựng khu nhà ở cao tầng tại các ô đất ký hiệu CT4, CT5, CT6 và CT4, tầng cao từ 25-27 tầng và 3 tầng hầm. Trong đó, các ô đất CT5 và CT6 bố trí nhà ở xã hội cao tầng, nhà tái định cư.

Ngoài ra, còn xây dựng mới các công trình nhà ở thấp tầng biệt thự, liền kề. Quy mô dân số khoảng 11.620 người. Tổng vốn đầu tư xấp xỉ 6.000 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư 900 tỷ đồng, chiếm 15,16%, còn lại là vốn huy động.

Tại quyết định này, tiến độ dự án được quy định từ quý 2/2017 đến quý 4/2021 hoàn thành đưa vào sử dụng. Dù vậy, đến nay, đã hết quý 1-2023, dự án KĐT mới Thịnh Liệt của Công ty Nhà ở và Đô thị Licogi vẫn là khu đất hoang, cỏ mọc um tùm.

Theo đại diện quận Hoàng Mai, kể từ khi đổi nhà đầu tư đến nay thì phía chủ đầu tư cũng đã quyết liệt hơn trong công tác triển khai GPMB. Đến tháng 9/2020 đã hoàn thành GPMB được 28ha đất. Sau đó, quận Hoàng Mai đã có văn bản đề nghị các Sở, ngành báo cáo UBND TP Hà Nội giao đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án. Nhưng, từ đó đến nay các Sở, ngành cũng như UBND TP Hà Nội chưa có chỉ đạo gì thêm liên quan đến KĐT này.

“Chúng tôi cũng rất mong các Sở, ngành báo cáo UBND TP Hà Nội giao đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy hoạch để tránh tình trạng bỏ hoang kéo dài gây lãng phí, gây mất mỹ quan đô thị cũng như bức xúc trong dư luận”- ông Nguyễn Văn Đức cho hay.

Năng lực tài chính chủ đầu tư bết bát?

Qua tìm hiểu của phóng viên cho thấy, tình hình tài chính của Tổng công ty mẹ- Tổng công ty Licogi không mấy khả quan trong những năm qua.

Báo cáo thường niên năm 2021 của Licogi là chỉ dấu cho bức tranh màu xám về tương lai của KĐT mới Thịnh Liệt. Cụ thể, Licogi cho biết doanh nghiệp đang tiếp tục hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan đến công tác đầu tư để chuẩn bị triển khai dự án như làm việc với cơ quan thẩm quyền để hoàn thiện hồ sơ xin điều chỉnh Quyết định giao đất và nộp tiền sử dụng đất, xin đấu nối cấp điện...

“Tuy nhiên, do chậm triển khai nên nhiều thủ tục thỏa thuận chuyên ngành đã hết hiệu lực như các thỏa thuận đấu nối cáp điện, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án...” - báo cáo của Licogi cho hay.

Như vậy, nếu xảy ra trường hợp phải xin phép lại từ đầu các thủ tục, thỏa thuận chuyên ngành, thì thời gian dự án KĐT mới Thịnh Liệt đủ điều kiện triển khai sẽ không thể trong ngày một ngày hai.

Nguồn lực để chủ đầu tư thực hiện dự án cũng được đặt dấu hỏi, khi tại báo cáo tài chính đã soát xét 6 tháng đầu năm 2022, kiểm toán viên nhấn mạnh tại ngày 30/6/2022, lỗ lũy kế của Licogi là gần 600 tỷ đồng, tổng nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn. Đến ngày 31/12/2022, tổng nợ ngắn hạn của Licogi ở mức hơn 1.600 tỷ đồng trong khi tài sản ngắn hạn chỉ có hơn 700 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính quý 4-2022 của Licogi cho thấy, lợi nhuận sau thuế của Licogi giảm gần 40% so với cùng kỳ năm 2021.

Licogi bị nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục, trong khi đó công ty con là Công ty Nhà ở và Đô thị Licogi – chủ đầu tư dự án KĐT mới Thịnh Liệt cũng có bức tranh kinh doanh chẳng khả quan hơn.

Giai đoạn 2017-2021, Nhà ở và Đô thị Licogi không ghi nhận doanh thu. Đồng thời lợi nhuận mỗi năm chỉ trên dưới 100 triệu đồng. Cá biệt, năm 2021, lợi nhuận doanh nghiệp chỉ vỏn vẹn 1 triệu đồng.

Trong khi đó, nợ phải trả tăng vọt theo từng năm. Cụ thể, năm 2017 công ty nợ 153 tỷ đồng, tuy nhiên đến cuối năm 2021, chỉ tiêu nợ phải trả đã tăng lên đến 463 tỷ đồng, tương ứng tăng 203% sau 4 năm.

Nhìn vào bức tranh tổng thể có thể thấy, tương lai cho KĐT mới Thịnh Liệt không mấy sáng khi mà nhà đầu tư bết bát về tài chính trong bối cảnh kinh tế khó khăn, việc huy động vốn vào bất động sản cũng không dễ dàng.

Dư luận đặt vấn đề, KĐT mới Thịnh Liệt sẽ tiếp tục "đắp chiếu", bỏ hoang kéo dài bao lâu nữa? UBND quận Hoàng Mai nên có động thái báo cáo UBND TP Hà Nội xem xét để lựa chọn nhà đầu tư khác có tiềm lực hơn thúc đẩy, triển khai dự án.

Cuối năm 2022, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 334 về khắc phục các tồn tại, hạn chế, khuyết điểm liên quan đến việc diện tích nhà ở bình quân năm 2021 chưa đạt được chỉ tiêu; nhiều dự án phát triển nhà ở, khu đô thị chậm tiến độ giai đoạn 2021-2025.

Đối với các chủ đầu tư cố tình chây ỳ, năng lực kém, TP Hà Nội kiên quyết thu hồi để thực hiện đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư khác theo quy định, đồng thời công khai thông tin vi phạm, đưa vào tiêu chí đánh giá và không cho tham gia thực hiện các dự án tương tự trên địa bàn thành phố.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/du-an-khu-do-thi-thinh-liet-licogi-om-du-an-gan-20-nam-van-bo-hoang-post535213.antd