Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): Còn băn khoăn về quy định rút bảo hiểm xã hội một lần
Ngày 20/9, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 26, cho ý kiến lần thứ 2 về Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), vẫn còn ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội băn khoăn về quy định rút bảo hiểm xã hội một lần.
Hướng tới hạn chế tối đa hưởng bảo hiểm xã hội một lần
Thay mặt cơ quan thẩm tra Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội (QH) Nguyễn Thúy Anh ghi nhận nỗ lực của Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan trong việc xây dựng Dự án Luật, song Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, trong gần một tháng từ khi có kết luận của Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH, cơ quan chủ trì soạn thảo chưa thực sự chủ động thực hiện việc tiếp thu các ý kiến của cơ quan chủ trì thẩm tra nên đến thời điểm hiện nay vẫn chưa có hồ sơ Dự án Luật hoàn thiện.
“Nhiều nội dung góp ý đối với Dự án Luật chưa được Chính phủ làm rõ hoặc có những nội dung đã được giải trình nhưng chưa thuyết phục. Ban soạn thảo chưa cung cấp bổ sung thông tin, dữ liệu làm rõ căn cứ khoa học, thực tiễn, chưa so sánh đầy đủ lợi ích, chi phí để xác định giải pháp phù hợp hoặc tối ưu để định hướng quy định, sửa đổi, bổ sung và tăng tính thuyết phục, tạo sự đồng thuận đối với các chính sách, quy định cụ thể được sửa đổi”, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nói.
Về bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, theo bà Nguyễn Thúy Anh, Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, có ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động (NLĐ) và vấn đề an sinh xã hội lâu dài, tác động nhất định đến tâm lý xã hội, NLĐ. Do vậy, cần phải tiếp tục đánh giá tác động, cân nhắc kỹ lưỡng, bao quát đối với nội dung sửa đổi, bổ sung quy định về hưởng BHXH một lần, tham vấn công chúng rộng rãi hơn về các phương án dự kiến sửa đổi, bổ sung.
Bên cạnh đó, cần hết sức lưu ý quan tâm việc tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH, đặc biệt là quy định về BHXH một lần, để thống nhất nhận thức về mục tiêu của chính sách, đó là khi có việc làm thì NLĐ và người sử dụng lao động có trách nhiệm hằng tháng trích một phần tiền lương, thu nhập (NLĐ 8%, người sử dụng lao động 14%) để đóng vào quỹ bảo hiểm hưu trí để khi đến tuổi nghỉ hưu hoặc suy giảm khả năng lao động thì NLĐ được hưởng lương hưu hằng tháng (rút từ tiền của NLĐ, người sử dụng lao động đã đóng và tích lũy).
Vì vậy, phải “chặt chẽ hơn trong quy định hưởng chế độ BHXH một lần” như Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH đã xác định, hướng tới hạn chế tối đa việc NLĐ hưởng BHXH một lần thì mới có thể thực hiện được mục tiêu mở rộng độ bao phủ của chính sách BHXH, bảo đảm an sinh xã hội lâu dài cho người dân sau độ tuổi lao động.
Cần tạo được sự đồng thuận
Cho rằng Chính phủ đã rất khẩn trương tiếp thu chỉnh lý Dự án Luật, cơ bản nghiêm túc thực hiện những ý kiến của UBTVQH, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nhấn mạnh, quy định về hưởng BHXH một lần là vấn đề lớn nhất trong sửa đổi Luật lần này. Theo Chủ tịch QH, để hạn chế rút BHXH một lần, cần có nhiều giải pháp, trong đó có việc giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới lộ trình giảm xuống còn 10 năm.
Chủ tịch QH quan niệm, người dân, NLĐ có quyền rút hay không rút BHXH một lần. Chúng ta xử lý trong sửa đổi Luật thì vẫn phải bảo đảm quyền này. Phương án có nhiều nhưng trên cơ sở ý kiến, hồ sơ hoàn thiện của Chính phủ, Ủy ban Xã hội và các cơ quan tiếp tục lắng nghe, nghiên cứu, thẩm tra để tạo được sự đồng thuận.
Tại phiên làm việc, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, sau phiên họp UBTVQH lần trước, Chính phủ đã tiếp thu căn bản, đặc biệt là 6 nhóm vấn đề, 13 nội dung đã được tiếp thu trong Dự thảo Luật. Ngày 19/9, Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Bộ trưởng ký tiếp thu các nội dung đó, kèm theo Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), hiện chỉ còn một nội dung là các phương án cho rút BHXH một lần. Đây là vấn đề rất hệ trọng, nếu chúng ta công bố sớm các phương án có thể tạo hiệu ứng nhất định với xã hội. Mặt khác, khi thay đổi những chính sách lớn, phải báo cáo với Chính phủ để xin ý kiến. Vì vậy, trước mắt cơ quan soạn thảo sẽ lắng nghe thêm ý kiến định hướng của UBTVQH.
Cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). UBTVQH cho rằng, đây là dự án luật khó, có nhiều nội dung phức tạp, chuyên môn sâu, có tác động lớn đến nhiều đối tượng và cả kinh tế vĩ mô của đất nước, do đó, việc rà soát, tiếp thu, chỉnh lý đã được tiến hành một cách thận trọng, kỹ lưỡng, chỉ những vấn đề đã rõ, được thực tiễn chứng minh thì quy định trong Luật. Những vấn đề mới, chưa được kiểm nghiệm, cần có sự điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ thì quy định nguyên tắc trong Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết.