Dự án Luật Đất đai (sửa đổi): Doanh nghiệp mong sớm được 'cởi trói'
Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được cho ý kiến tại 2 kỳ họp trong năm 2022 và thông qua tại kỳ họp tháng 5/2023 của Quốc hội Khóa XV được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho ngành bất động sản TP. Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung phát triển trong thời gian tới.
Quy định chồng chéo, gây khó cho doanh nghiệp
Thời gian qua, nhiều dự án bất động sản trên cả nước nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng rơi vào tình trạng đình trệ, không thể triển khai thủ tục pháp lý vì vướng đất công nằm xen cài. Nguyên nhân do những quy định pháp luật về đất đai, đầu tư và nhà ở chưa cụ thể, thống nhất. Điều này dẫn đến không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp mà cơ quan quản lý Nhà nước cũng lúng túng trong việc giải quyết hồ sơ.
Theo đó, kể từ khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực, bên cạnh nhiều tích cực, đã dần bộc lộ ra không ít bất cập, gây khó khăn cho thị trường địa ốc nói riêng, doanh nghiệp và người dân nói chung. Sự chưa liên thông, có khi chồng chéo giữa các văn bản, nghị quyết với luật, luật với luật cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo đại diện Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh, hiện Thành phố có nhiều dự án nhà ở bị ách tắc thủ tục đầu tư xây dựng, do có quỹ đất hỗn hợp, gồm đất ở, đất nông nghiệp… mà nguyên nhân do quy định về “đất ở” tại Khoản 4 Điều 23 Luật Nhà ở. Trong đó, có dự án do một số doanh nghiệp không có đủ năng lực để triển khai muốn chuyển nhượng cho doanh nghiệp khác, nhưng việc chuyển nhượng không đơn giản do những quy định về điều kiện chuyển nhượng khắt khe của Luật Đất đai 2013 và Luật Kinh doanh bất động sản 2014.
“Có những dự án chúng tôi không thể thực hiện được vì vướng vài mét vuông đất công. Trong khi toàn bộ diện tích dự án là đất sạch, không tranh chấp… nhưng vẫn không thể thực hiện”- ông Nguyên Văn Đực - Phó tổng giám đốc Công ty bất động sản Đất Lành chia sẻ.
Bên cạnh đó, quy định về tiền sử dụng đất cũng khiến không ít doanh nghiệp đau đầu. Theo đại diện nhiều doanh nghiệp bất động sản, cơ chế tính tiền sử dụng đất quá nhiêu khê, phức tạp làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ triển khai dự án. Thực tế, hiện nay tại TP. Hồ Chí Minh có khá nhiều dự án chưa triển khai được do chưa đóng tiền sử dụng đất mà không phải do chủ đầu tư chây ỳ.
Cởi trói cho doanh nghiệp
Theo các chuyên gia, Luật Đất đai 2013 với những tồn tại, hạn chế, bất cập, chưa theo kịp với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế đất nước trong những năm gần đây đã làm nảy sinh những vấn đề pháp lý mới mà pháp luật đất đai hiện hành chưa được đề cập đến. Đặc biệt chính sách tài chính về đất đai chưa đủ mạnh để khắc phục tình trạng đầu cơ đất, chậm đưa dự án vào sử dụng đất và triển khai thực hiện, gây lãng phí nguồn lực lớn.
Chính vì vậy dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được cho ý kiến tại 2 kỳ họp trong năm 2022 và thông qua tại kỳ họp tháng 5/2023 của Quốc hội Khóa XV. Đây là một trong những luật được cả người dân và doanh nghiệp mong đợi với kỳ vọng sẽ gỡ bỏ những nút thắt chồng chéo, khơi thông nguồn lực đất đai, giúp ổn định đời sống xã hội.
“Tôi kỳ vọng chính sách mới sẽ nhanh, gọn, đồng thời giao quyền về từng địa phương tùy theo mức độ để doanh nghiệp đỡ vất vả. Vì hiện tại doanh nghiệp mỗi khi triển khai các dự án đều phải ra Trung ương làm việc với từng bộ ngành. Việc đi tới, đi lui rất mất thời gian, trong khi chúng tôi chịu nhiều áp lực từ khách hàng. Việc đầu tư xây dựng một dự án để bán được ở thời điểm hiện tại quá vất vả, và không biết mấy năm mới hoàn thành”- Bà Đặng Thị Kim Oanh - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Kim Oanh nói.
Tuy vậy nhiều ý kiến cho rằng, trong lúc chưa xem xét sửa đổi Luật Đất đai 2013, rất cần Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định thi hành Luật. Bên cạnh đó, theo ông Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao của Savills Việt Nam, tốc độ phát triển của ngành bất động sản sau dịch rất lớn, vậy liệu rằng luật đất đai sửa đổi có theo kịp với tốc độ phát triển này hay không. “Tôi cho rằng chúng ta cần có những cơ chế giám sát để giải quyết được những điều đã ban hành ra và ứng dụng vào thực tiễn và có sự điều chỉnh kịp thời. Bởi vì chúng ta thấy rằng luật đất đai phải thông qua Quốc Hội sửa đổi luật cũng phải thông qua Quốc hội, do đó cần có cơ chế giám sát chặt chẽ để kịp thời để nắn luật phù hợp với thực tiễn, nhằm đảm bảo cho thị trường bất động sản phát triển một cách bền vững và minh bạch”- ông Sử Ngọc Khương đề xuất.
Ngọc Thùy