Dự án Luật Đầu tư theo phương thức PPP: Vẫn còn nhiều băn khoăn

Sáng 29/8/2019, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã họp phiên toàn thể để thẩm tra Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Dự án luật này sẽ được báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 37.

Xã hội định kiến, nhà đầu tư lo rủi ro

Trình bày tóm tắt về dự án Luật, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Đức Trung cho biết, bản dự thảo trình Ủy ban Kinh tế lần này đã thu hẹp lĩnh vực đầu tư PPP và nâng quy định về quy mô dự án PPP. Trong đó, quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP đối với từng lĩnh vực trên do Chính phủ quy định chi tiết nhưng không thấp hơn 200 tỷ đồng, trừ dự án áp dụng hợp đồng kinh doanh - quản lý (O&M).

Các BT, BOT vừa qua nở rộ nhưng khá nhiều vấn đề. Trong ảnh: Đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. (Ảnh: Lê Tiên)

Các BT, BOT vừa qua nở rộ nhưng khá nhiều vấn đề. Trong ảnh: Đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. (Ảnh: Lê Tiên)

Các lĩnh vực đầu tư PPP gồm: giao thông vận tải; nhà máy điện và hệ thống truyền tải điện; hệ thống cấp nước sạch, thoát nước và xử lý chất thải; hạ tầng khu đô thị, công viên; trụ sở cơ quan nhà nước, nhà ở công vụ; y tế, giáo dục, dạy nghề; hạ tầng công nghệ thông tin.

Theo dự thảo, các bộ, ngành, địa phương được đề xuất các lĩnh vực đầu tư PPP khác, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định. “Cơ chế này nhằm bảo đảm tính lâu dài của luật và tạo cơ chế linh hoạt trong điều hành”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung giải thích.

Về phía xã hội, vẫn có nhiều cách nhìn khác nhau, thậm chí đang có nhiều định kiến về dự án PPP. Phía nhà đầu tư thì lo rủi ro chính sách và vẫn rất ngần ngại với dự án PPP. Vì thế, với dự án luật này, vấn đề được quan tâm đó là phạm vi áp dụng, trình tự thực hiện dự án PPP, đảm bảo tính công khai, minh bạch việc lựa chọn nhà đầu tư và hoạt động của doanh nghiệp dự án; đặc biệt là các cơ chế bảo đảm của Chính phủ như cơ chế đảm bảo cân đối ngoại tệ, cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu giữa Nhà nước và nhà đầu tư…

Đóng góp ý kiến cho Ủy ban khi thẩm tra luật này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Bên cạnh rủi ro về ngoại tệ, về doanh thu, thì rủi ro do thay đổi chính sách cũng rất lớn”.

“Luật này đã quy định các dự án PPP áp dụng theo luật này nếu như các luật chuyên ngành có quy định khác, nhưng theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì Luật ban hành sau có thể phủ định luật ban hành trước, vậy nếu luật ra sau luật này (điển hình là Luật Xây dựng) có quy định khác luật này thì áp dụng văn bản nào?”, ông Đậu anh Tuấn nêu vấn đề.

Cơ chế chia sẻ rủi ro là vấn đề mắc nhất, vướng nhất lâu nay khiến cho nhà đầu tư thiếu mặn mà với các dự án PPP. Nhưng theo bà Mai Thị Ánh Tuyết, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trong dự thảo cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu giữa nhà nước và nhà đầu tư còn rất chung chung, mới chỉ mang tính nguyên tắc, thiếu cụ thể như thế sẽ tạo ra kẽ hở lớn.

Mô hình "lai" cần cách đối xử mới

Ông Đậu Anh Tuấn và TS. Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng dự án PPP là mô hình “lai” nên cần có cách đối xử mới, không thể coi là dự án đầu tư công cũng như dự án tư thuần túy. Và ông Phúc cho rằng: “Nếu ban hành luật này mà lại muốn phải phù hợp với tất cả các luật khác, không khác biệt gì cả, thì không thể nào có được cơ chế mới”.

Đồng ý với ý kiến của ông Phúc là ông Bùi Văn Xuyền, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ông Xuyền cho biết, đang có xu hướng cứ khi ra luật nào thì luật đó là nhất, vô hiệu hóa luật khác. Phải rà soát và sửa đổi cho phù hợp chứ không thì rất rủi ro. Ủy ban pháp luật cũng đang nghiên cứu sửa Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Khẳng định PPP là mô thức đan xen mới phải có luật này, ông Đỗ Văn Sinh, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh: Đây là luật về đối tác công tư nên về mặt quản lý phải đan xen cả đầu tư công và đầu tư tư. Ông phát biểu: “Luật PPP cần phải đấu thầu, mà đã đấu thầu thì phải lời ăn lỗ chịu sao lại bắt Nhà nước chịu. Nhà nước chỉ chia rẻ rủi ro trong trường hợp hãn hữu bất khả kháng, nhưng thế nào là bất khả kháng thì phải quy định rõ trong luật”.

Chỉ thêm kẽ hở trong dự thảo luật này, bà Tuyết nói: Quy định về điều chỉnh hợp đồng theo bà Tuyết cũng còn nhiều kẽ hở, khi mà điều 45 dự thảo luật quy định các bên ký kết hợp đồng được điều chỉnh thời hạn hợp đồng trong trường hợp chậm trễ hoàn thành hoặc gián đoạn việc vận hành do hoàn cảnh vượt quá tầm kiểm soát hợp lý của một bên. Hay, doanh thu của doanh nghiệp dự án vượt quá hoặc thấp hơn mức doanh thu trong phương án tài chính quy định tại hợp đồng...

Bên cạnh đó, còn nhiều nút thắt chưa được gỡ như công khai minh bạch trong chọn nhà thầu, nhà đầu tư đủ năng lực, không nghiêm túc đáp ứng tiến độ và cần bổ sung thêm chế tài rõ ràng cả với nhà đầu tư lẫn cơ quan quản lý nhà nước.

Tại phiên họp này, nhiều ý kiến nhận định, do các dự án PPP thường kéo dài 20 - 25 năm, rất khó dự đoán những biến động xảy ra trong khoảng thời gian dài như vậy, vì thế Chính phủ cần có hình thức hỗ trợ nhất định nhưng không phải hỗ trợ cho tất cả các dự án mà phải lựa chọn theo những tiêu chí rõ ràng, minh bạch. Đây cũng là cách mà nhiều nước trên thế giới áp dụng với hình thức đầu tư này.

PV

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/du-an-luat-dau-tu-theo-phuong-thuc-ppp-van-con-nhieu-ban-khoan-91584.html