Dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Dự thảo Luật đã bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật hiện hành; bảo đảm nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý tài liệu lưu trữ, cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ và hoạt động lưu trữ; kế thừa các quy định của Luật Lưu trữ năm 2011 còn phù hợp, bổ sung quy định mới.

Tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi). Thực hiện nhiệm vụ được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ giao, trong thời gian qua, Bộ Nội vụ đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức có liên quan và chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi).

Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm có 08 chương với 65 điều. Nội dung dự thảo Luật đã bám sát các chính sách lớn được Quốc hội thông qua tại đề nghị xây dựng Luật, phù hợp với mục tiêu, quan điểm đề ra khi xây dựng dự án Luật, kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về hoàn thiện hệ thống pháp luật thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới; kế thừa các quy định của Luật Lưu trữ năm 2011 còn phù hợp, bổ sung quy định mới, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền tiếp cận thông tin của công dân theo quy định của Hiến pháp, đồng thời, thực hiện định hướng đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động lưu trữ, xây dựng một xã hội lưu trữ. Cụ thể:

Dự thảo Luật đã đáp ứng mục tiêu thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng tại Đại hội lần thứ XIII về hệ thống pháp luật phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực lưu trữ nhằm khơi dậy khát vọng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế.

Dự thảo Luật đã bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật hiện hành; bảo đảm nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý tài liệu lưu trữ, cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ và hoạt động lưu trữ; kế thừa các quy định của Luật Lưu trữ năm 2011 còn phù hợp, bổ sung quy định mới.

Dự thảo Luật đã tuân thủ các nguyên tắc: Thực hiện phân quyền, phân cấp mạnh mẽ trong lĩnh vực lưu trữ; đẩy mạnh phát huy giá trị tài liệu lưu trữ để xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; huy động, sử dụng và phát huy hiệu quả mọi nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa về lưu trữ gắn với thúc đẩy kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh chuyển đổi số lưu trữ để tận dụng có hiệu quả cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Nội dung dự thảo Luật đã tiếp thu đầy đủ các ý kiến của đại biểu Quốc hội về các vấn đề: (1) Thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ, thành phần Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam; (2) Thời hạn nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử; (3) Nghiệp vụ lưu trữ chung và nghiệp vụ lưu trữ tài liệu điện tử; (4) Lưu trữ tư; (5) Hoạt động dịch vụ lưu trữ; (6) Tính thống nhất của hệ thống pháp luật; (7) Những quy định về áp dụng pháp luật và điều khoản chuyển tiếp bảo đảm tính khả thi trong quá trình thực hiện luật.

Dự kiến tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua.

Báo Trà Vinh Online

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/chinh-tri/du-an-luat-luu-tru-sua-doi-se-duoc-quoc-hoi-xem-xet-thong-qua-tai-ky-hop-thu-7-quoc-hoi-khoa-xv-37545.html