Dự án Luật Nhà giáo nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ, đáp ứng yêu cầu mới

Luật Nhà giáo là một trong 3 dự án luật được thảo luận, cho ý kiến tại Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật ngày 27/8.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật ngày 27/8 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật ngày 27/8 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, đây là phiên họp chuyên đề pháp luật thứ 2 trong tháng 8/2024 và là phiên họp chuyên đề pháp luật thứ 8 trong năm nay của Chính phủ. Dự phiên họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Theo Thủ tướng Chính phủ, phiên họp này nhằm tiếp tục thực hiện một trong ba đột phá chiến lược đã được Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định, nhằm bổ sung, hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực cho phát triển.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng: Bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn khách quan; những vấn đề đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, đa số đồng tình, thực hiện có hiệu quả thì luật hóa; những vấn đề chưa chín, chưa rõ thì thực hiện thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần; không cầu toàn, không nóng vội.

Theo Thủ tướng, các dự án luật được xem xét tại phiên họp đều là những nội dung quan trọng, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn.

Trong đó, Dự án Luật Nhà giáo nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, sứ mệnh trồng người của đội ngũ nhà giáo trong điều kiện mới, với quan điểm "thầy cô giáo là động lực, truyền cảm hứng cho học sinh, sinh viên".

Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (sửa đổi) nhằm quản lý tốt hơn vốn nhà nước tại doanh nghiệp, song cũng tháo gỡ vướng mắc, phát huy nguồn lực, tài sản của Nhà nước cho phát triển.

Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số nhằm tạo hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển, đồng thời quản lý nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ số…

Theo chương trình, tại phiên họp, Chính phủ nghe trình bày Tờ trình tóm tắt, báo cáo tiếp thu ý kiến thẩm định; đồng thời thảo luận các nội dung chính sách tại các dự án luật.

Trước đó, ngày 20/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ cho ý kiến về Luật Nhà giáo.

Tại phiên họp, Thủ tướng cho rằng, cần sửa đổi, bổ sung chế độ chính sách đặc thù với đội ngũ nhà giáo để phát triển, nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4;

Mặt khác, thu hút người tài vào ngành Giáo dục, những người tâm huyết công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo…; có chính sách đặc thù phù hợp với giáo viên từng cấp (mầm non, tiểu học, trung học, đại học...).

Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền tối đa trong quản lý giáo dục, vì giáo viên ở cơ sở, đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, từng cấp và thiết kế công cụ để tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát quyền lực; tăng cường hợp tác công tư trong đào tạo giáo viên; tạo thuận lợi cho nhà giáo hành nghề trong khuôn khổ pháp luật.

Cùng với đó, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, xóa bỏ cơ chế xin cho, giảm chi phí tuân thủ, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, các tổ chức và nhà giáo.

PV

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/du-an-luat-nha-giao-nham-nang-cao-chat-luong-doi-ngu-dap-ung-yeu-cau-moi-post698372.html