Dự án Luật Phòng thủ dân sự: Lấp khoảng trống pháp luật về thảm họa, sự cố
Trong chiều 16/8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Phòng thủ dân sự. Nội dung dự thảo Luật có phạm vi điều chỉnh rộng, có liên quan đến hơn 80 văn bản quy phạm pháp luật.
Vì vậy, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục làm rõ các khái niệm, rà soát các quy định để tránh chồng chéo, mâu thuẫn, xung đột
Theo Tờ trình của Chính phủ, việc xây dựng Luật Phòng thủ dân sự đã chín muồi và rất cần thiết, nhằm tạo khung pháp lý chung nhất cho việc phòng ngừa, ứng phó, khắc phục thảm họa, sự cố nhằm bảo vệ cao nhất tài sản, sức khỏe, tính mạng của Nhân dân; khắc phục khoảng trống của hệ thống pháp luật; tăng cường các biện pháp phòng ngừa và Nâng cao năng lực về phòng thủ dân sự.
Qua thẩm tra sơ bộ và các ý kiến thảo luận cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật. Tuy nhiên, phạm vi điều chỉnh của Luật liên quan trực tiếp đến nội hàm của khái niệm “phòng thủ dân sự”, “thảm họa”, “sự cố”, đề nghị nghiên cứu, làm rõ để xây dựng phòng thủ dân sự là một bộ phận của phòng thủ đất nước, không chồng lấn sang phạm vi của các luật chuyên ngành.
Bà LÊ THỊ NGA, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội: “Luật này có nội dung liên quan 86 văn bản quy phạm pháp luật liên quan , gồm Hiến pháp, 47 bộ luật và luật, pháp lệnh, 26 Nghị định của Chính phủ và 13 Quyết định của Thủ tướng. Do giao thoa với nhiều luật như thế, chúng tôi đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát toàn diện, kỹ lưỡng các quy định của Luật Phòng thủ dân sự để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật."
Bà ĐẶNG HOÀNG OANH, Thứ trưởng Bộ Tư pháp: “Hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh chung nhất về các vấn đề chung về phòng thủ dân sự. Nếu không ban hành một luật chung về phòng thủ dân sự thì sẽ phải ban hành 14 văn bản khác nhau để quy định về các trường hợp thảm họa, sự cố.”
Phó Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN KHẮC ĐỊNH: “Tôi đề nghị làm rõ các khái niệm, các hình thức thảm họa, sự cố mà các luật khác đã quy định, xem đã quy định đến đâu rồi, luật này không quy định lại, chỉ lấp khoảng trống thôi thì nó trống ở chỗ nào thì lấp ở chỗ ấy.”
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, đây là dự án luật khó, trong khi các khái niệm lại chưa rạch ròi, chưa đủ rõ về nội hàm, lại đang phân tán ở nhiều văn bản. Các luật chuyên ngành đã có quy định về phòng chống, khắc phục hậu quả các thảm họa, sự cố như Phòng chống thiên tai, Đề điều, Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Năng lượng nguyên tử, Phòng cháy chữa cháy.
Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Luật này chỉ nói những vấn đề liên quan đến khoảng trống, tức là chưa có thì quy định ở đây. Như vậy, 1 nội dung về phòng thủ dân sự mà được quy định ở 2 loại văn bản pháp luật thì tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật sẽ ra sao khi ban hành Luật này? Các thảm họa sự cố mà luật chuyên ngành quy định đã có đủ 3 nội hàm: phòng, chống, khắc phục hậu quả hay chưa? Có lẽ trong giai đoạn trình Quốc hội lần đầu thì phải làm rõ nội dung chính sách và phạm vi đề cập của luật này thế nào?”
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng TRẦN QUANG PHƯƠNG: “Cần tổng kết đánh giá việc thi hành các luật có liên quan, rà soát một cách cụ thể nhất, nhất là các khoảng trống mà pháp luật chưa quy định, hoặc quy định khác, để thiết kế lại các điều luật, yêu cầu là phải liệt kê, rà soát các khoảng trống để chúng ta đưa vào các điều luật cụ thể hơn.”
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị tiếp tục nghiên cứu làm rõ các khái niệm; làm rõ phạm vi điều chỉnh để thống nhất nội dung dự thảo Luật với pháp luật có liên quan, theo hướng Luật này chỉ quy định chung nhất về phòng, chống, khắc phục liên quan đến PTDS, còn lại áp dung theo các quy định pháp luật khác đã có hiệu lực thi hành.
Thực hiện : Khắc Phục Dương Dung Quang Sỹ Như Huỳnh