Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) phù hợp với thực tiễn trong tình hình mới và bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 28/10, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai tham gia ngày làm việc thứ 10, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Trong buổi sáng, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) gồm 8 chương, 98 điều. Dự án Luật sửa đổi, bổ sung 18 điều nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Chỉ thị số 34-CT/TW “về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”; sửa đổi, bổ sung 53 điều với nhiều nội dung mới để đảm bảo bao quát hết các đối tượng khen thưởng, phù hợp vai trò, trách nhiệm, thẩm quyền công tác khen thưởng trong hệ thống chính trị, đồng thời cân đối khen thưởng khu vực cơ quan dân cử và khu vực ngoài nhà nước.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai thảo luận về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai thảo luận về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

Thảo luận về dự án luật, thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh đã gửi ý kiến; trong đó, đại biểu khẳng định: Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) lần này đã khắc phục được bất cập của quy định hiện hành; phù hợp với thực tiễn trong tình hình mới, bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, nhất trí với báo cáo thẩm tra đã trình bày.

Về nội dung cụ thể, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh đề nghị dự thảo luật chỉnh sửa một số nội dung, vấn đề sau: Về danh hiệu “Nhà giáo ưu tú”, “Nhà giáo nhân dân”. Tại điểm c, khoản 3 Điều 62 quy định tiêu chuẩn để xét danh hiệu “Nhà giáo ưu tú”, đại biểu cho rằng cần nới lỏng quy định số năm trực tiếp giảng dạy của tiêu chuẩn này đối với giáo viên công tác ở vùng cao, biên giới, hải đảo từ 15 năm xuống 10 năm và của cán bộ quản lý từ 10 năm xuống 7 năm. Tương tự như vậy, cũng quy định nới lỏng theo hướng giảm số năm trực tiếp nuôi, giảng dạy đối với “Nhà giáo nhân dân” công tác ở vùng cao, biên giới, hải đảo.

Lý giải cho điều này, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh cho biết: Do các tỉnh vùng cao, biên giới, hải đảo các nhà giáo tiêu biểu, có phẩm chất đạo đức tốt, sau thời gian giảng dạy từ 5-7 năm trong ngành thường được cân nhắc bổ nhiệm và động viên giữ chức vụ quản lý để tiếp tục cống hiến cho ngành và địa phương. Vì vậy, nếu tính số năm trực tiếp nuôi dạy (không tính thời gian giữ chức vụ cán bộ quản lý trong ngành giáo dục) thì nhiều nhà giáo tiêu biểu không đủ điều kiện được công nhận danh hiệu “Nhà giáo ưu tú”. Các nhà giáo (gồm cả nhà quản lý giáo dục) được công nhận “Nhà giáo ưu tú” khi còn trẻ có cơ hội và nhiều động lực phấn đấu đạt danh hiệu “Nhà giáo nhân dân” khi trong độ tuổi công tác. Các cá nhân này sẽ tạo động lực cho các cá nhân khác phấn đấu.

Về tiêu chuẩn tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ: Tại điểm b khoản 1 Điều 72 dự thảo Luật đã được điều chỉnh so với Luật hiện hành. Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh đề nghị xem xét bổ sung tiêu chuẩn khen thưởng có điều kiện tương đương để đảm bảo tính kế thừa trong xây dựng luật và không ảnh hưởng đến quá trình phấn đấu của cá nhân do thay đổi luật. Ví dụ, có thể bổ sung thêm vế “...hoặc có 5 năm liên tục trở lên được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và có 5 sáng kiến cấp cơ sở“. Tương tự như vậy, cũng quy định với bằng khen của bộ, ngành, tỉnh để không ảnh hưởng đến quá trình phấn đấu của cá nhân và phù hợp với thực tế.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh gửi ý kiến thảo luận về dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh gửi ý kiến thảo luận về dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

Về hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua, khen thưởng, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh bày tỏ: Quy định hồ sơ khen thưởng còn rườm rà, phức tạp, chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu chỉ quy định báo cáo thành tích cá nhân đối với cá nhân được khen thưởng từ cấp Chính phủ trở lên, còn các cấp dưới chỉ cần tóm tắt thành tích cùng tờ trình và được cơ quan có thẩm quyền xác nhận là đủ điều kiện, căn cứ xét khen thưởng cho cá nhân.

Về xét sáng kiến đối với các danh hiệu Chiến sĩ thi đua các cấp tại Điều 18, 19, 20 của dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh nêu: Trong thực tế, quá trình xét sáng kiến còn gặp nhiều khó khăn như: Xác định sáng kiến là gì; phạm vi ảnh hưởng của sáng kiến; tỷ lệ xét sáng kiến khi sáng kiến gồm nhiều người tham gia, những sản phẩm khoa học có tính mới như giáo trình, bài báo, quy chế, quy trình… có được coi là sáng kiến hay không khi các công trình đó cũng là trí tuệ của các nhà khoa học. Đặc biệt đối với các công việc có tính hành chính hay nghiên cứu khoa học, việc áp dụng tiêu chuẩn này còn nhiều bất cập dẫn đến thực tế sáng kiến được công nhận còn thiên về hình thức, không thực chất.

Do vậy, đại biểu đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Nội vụ đánh giá tổng kết việc thực hiện Điều lệ sáng kiến quy định tại Nghị định 13/2012/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 18/2013/TT-BKHCN của Bộ Khoa học Công nghệ để có giải pháp khắc phục.

Tại khoản 2 các Điều từ 33 đến 38 của dự thảo Luật quy định: Huân chương Độc lập và Huân chương Quân công hạng Nhất, Nhì, Ba để tặng cho bộ, ban, ngành, tỉnh nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập năm tròn...”. Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét sửa đổi nội dung này, bổ sung thêm nội dung “...nhân dịp bộ, ban, ngành, tỉnh kỷ niệm ngày truyền thống và ngày tái lập”. Vì quy định khen đối với “ngày thành lập năm tròn” thì phải 10 năm sau mới tiếp tục được trình đề nghị khen thưởng. Nếu quy định cả “ngày truyền thống” và “ngày tái lập” thì các địa phương sẽ có điều kiện trình hình thức khen thưởng tương ứng với thành tích đạt được, qua đó động viên phong trào thi đua yêu nước ở địa phương.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh cho rằng, dự thảo luật có 98 điều nhưng có trên 30 điều (chiếm khoảng 35%) giao cho Chính phủ quy định là chưa phù hợp. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để quy định cụ thể ngay trong luật này, đồng thời cũng đề nghị Quốc hội chỉ đạo các cơ quan hữu quan khẩn trương dự thảo các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn để khắc phục tình trạng luật có hiệu lực thi hành nhưng vẫn phải chờ văn bản dưới luật hướng dẫn.

Về thẩm quyền đề nghị khen thưởng (Điều 82) trong dự thảo Luật, tại Khoản 3 Điều 82, dự thảo Luật quy định: “Đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương do địa phương khen thưởng theo phân cấp về thẩm quyền quản lý đối với cán bộ ở địa phương”. Tuy nhiên, dự thảo luật lại không quy định cụ thể cơ quan nào có thẩm quyền trình khen thưởng cho đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương, gây vướng mắc trong bình xét khen thưởng hằng năm, dẫn tới không đảm bảo công bằng, không tạo động lực cho đại biểu Quốc hội chuyên trách cống hiến. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung nội dung này vào dự thảo Luật.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/348839-du-an-luat-thi-dua-khen-thuong-sua-doi-phu-hop-voi-thuc-tien-trong-tinh-hinh-moi-va-bao-dam-tinh-dong-bo-cua-he-thong-phap-luat