Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ: Nhiều quy định mới phù hợp với tiến trình chuyển đổi số

Sáng 10/11, Quốc hội nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra và thảo luận tại tổ về Dự án Luật Đường bộ; Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Quang cảnh phiên làm việc sáng 10/11. (Nguồn ảnh: quochoi.vn)

Quang cảnh phiên làm việc sáng 10/11. (Nguồn ảnh: quochoi.vn)

Không phải mang theo nhiều loại giấy tờ khi tham gia giao thông

Trình bày Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTAT GTĐB), Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an nêu 6 cơ sở thực tiễn cần thiết phải ban hành Luật. Trong đó, tình hình TTAT GTĐB trong những năm qua tuy đã có những chuyển biến nhưng còn diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông vẫn ở mức cao và nghiêm trọng, nhất là số người chết luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho người, phương tiện khi tham gia giao thông.

Theo thống kê, trung bình hàng năm có gần 9 nghìn người chết, gần 30 nghìn người bị thương, chủ yếu trong độ tuổi lao động, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội. Một trong những nguyên nhân chính là nhiều quy định trong Luật GTĐB năm 2008 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, không đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý trong lĩnh vực này, nhất là trước sự phát triển của hạ tầng giao thông, sự gia tăng nhanh chóng của số lượng phương tiện giao thông và tình hình TTAT GTĐB ở Việt Nam.

Đại tướng Tô Lâm cho biết, Dự thảo Luật đã bổ sung một số quy định mới phù hợp với xu hướng, tiến trình chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho người dân. Theo đó, đối với một trong các giấy tờ: Giấy phép lái xe (GPLX), chứng nhận đăng ký xe, chứng nhận kiểm định, chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự, trong trường hợp thông tin của các loại giấy tờ nào đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử, thẻ căn cước theo quy định thì không phải mang theo...

Phát biểu tại tổ, Đại biểu Tống Văn Băng (đoàn Hải Phòng) cho rằng, giữa Dự án Luật TTAT GTĐB và Luật Đường bộ cùng xuất phát từ một luật (Luật GTĐB) nên còn nhiều điểm có cách đánh giá, cách hiểu có sự trùng lặp. Đại biểu dẫn chứng về Trung tâm chỉ huy giao thông đang được cả 2 Dự án Luật quy định, dù góc độ khác nhau nhưng vẫn có sự trùng lặp. Hay nội dung đưa đón học sinh đi học bằng xe ô tô cũng đang được quy định trong 2 Dự án Luật. Vì vậy, Đại biểu cho rằng, cần phải đánh giá, phân tách rõ hơn.

Ngoài ra, Điều 81 Dự thảo Luật quy định, GPLX được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành vẫn có giá trị sử dụng theo thời hạn ghi trên GPLX. GPLX không thời hạn được cấp trước ngày 1/7/2012 phải được đổi sang GPLX mới theo lộ trình do Chính phủ quy định. Đại biểu Băng cho rằng, thời gian qua, việc đăng ký phương tiện giao thông, bằng lái xe mất rất nhiều thủ tục phức tạp. Do đó, nếu không có ảnh hưởng gì với những GPLX đã được cấp hợp pháp từ giai đoạn trước, trường hợp cần phải đổi thì mới đổi; còn với những trường hợp chỉ thay đổi về mẫu mã thì không nhất thiết phải đổi.

Phải vì lợi ích của nhân dân

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình - Nguồn ảnh Quochoi.vn

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình - Nguồn ảnh Quochoi.vn

Báo cáo giải trình thêm một số nội dung tại phiên thảo luận tổ, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, trước đây còn dư luận băn khoăn về việc tách Luật GTĐB thành 2 luật, nhưng sau đó Quốc hội đã nhất trí với việc tách này. Căn cứ pháp lý rất quan trọng là Chỉ thị số 23 ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư ban hành đã nêu rất rõ quan điểm xây dựng 2 luật và trách nhiệm của Quốc hội là thể chế hóa, cụ thể hóa quan điểm của Đảng về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Đại tướng Tô Lâm cũng khẳng định, nguyên tắc luôn được Ban soạn thảo nhấn mạnh là xây dựng luật để quản lý nhà nước, quản trị xã hội theo pháp luật nhưng luật phải phục vụ được nhân dân. “Quy định phải thế này, phải thế kia là đúng rồi, để quản lý nhà nước, quản trị xã hội. Nhưng bên cạnh đó phải nhấn mạnh lợi ích của nhân dân, tinh thần phục vụ nhân dân, đáp ứng nhu cầu, ng uyện vọng của nhân dân để người dân ủng hộ, tự giác thực hiện bảo đảm quyền lợi của mình”, Bộ trưởng Bộ Công an nêu rõ và cho biết Ban soạn thảo sẽ tiếp tục tuân thủ nguyên tắc này.

Về một số nội dung cụ thể như vấn đề đăng ký xe chính chủ, Đại tướng Tô Lâm khẳng định điều này là cần thiết để bảo đảm minh bạch, lành mạnh, tránh trường hợp “ông đi không phạt lại phạt ông đã bán xe lâu rồi. Tài sản người này lại do người kia quản lý. Trước đây bán xe là bán cả biển thì nay định danh theo biển số xe và khi bán xe phải giữ biển lại nên sẽ cải tiến được”.

Đối với vấn đề chỉ huy giao thông, theo Bộ trưởng Tô Lâm, các nước trên thế giới làm rất chuẩn. Dù là xe ưu tiên có xe cảnh sát dẫn đường nhưng có đèn đỏ là dừng lại. “Có nước tôi đi nói vui rằng may toàn gặp đèn xanh, nhưng họ nói không phải may mà đoàn đi đến đâu họ điều hành đèn giao thông đến đó”, ông kể. Còn ở ta, đèn đỏ thì xe ưu tiên vẫn đi qua. Cảnh sát lại phải ngăn người dân để nhường đường rất vất vả; người dân cũng vất vả phải dừng dù đang đi đúng đường. Do đó, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, điều hành giao thông phải đúng và mong muốn xe ưu tiên dẫn đường thì cũng phải đèn xanh mới được đi.

Người đứng đầu ngành Công an nhấn mạnh, mặc dù nhiều nhiệm vụ nhưng biên chế Cảnh sát giao thông không được tăng, mà phải áp dụng công nghệ, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật thiết bị. “Sang nước bạn, muốn tự đi xe của mình cũng không được vì hệ thống nhận diện không đúng biển số xe là không cho lưu thông. Giờ mình biển rởm, biển giả, thậm chí che biển vẫn chạy. Công nghệ này cần phải tiến hành. Làm được thì giảm đi “tiếng ong ve” về lực lượng Cảnh sát giao thông, vì chả ai giao dịch với ai thì làm sao tiêu cực được”, Bộ trưởng Tô Lâm cho hay và khẳng định Ban soạn thảo sẽ tiếp tục phối hợp tiếp thu, hoàn thiện Dự án Luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua trong kỳ họp tới.

Cùng ngày, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; biểu quyết thông qua Nghị quyết về phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024. Đồng thời, thảo luận ở tổ về Dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi); Dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; các báo cáo của Chính phủ về sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội, TP Đà Nẵng và kết quả 3 năm thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh.

T.Quyên

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/du-an-luat-trat-tu-an-toan-giao-thong-duong-bo-nhieu-quy-dinh-moi-phu-hop-voi-tien-trinh-chuyen-doi-so-post494983.html