Dự án MCRP - Bài 2: Những kết quả ấn tượng
Ông Christoph Klinnet - Cố vấn trưởng dự án 'Thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long (MCRP) cho biết từ năm 2019, dự án MCRP đã được GIZ Việt Nam và Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) triển khai thực hiện tại 13 tỉnh ĐBSCL.
Dự án MCRP được Chính phủ Thụy Sĩ (cụ thể là Tổng cục kinh tế Liên bang Thụy Sĩ) và Chính phủ Đức (Bộ Hợp tác kinh tế và phát triển Cộng hòa Liên bang Đức (BMZ)) tài trợ. Mục tiêu của MCRP là hỗ trợ các cơ quan quản lý của Việt Nam nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thông qua việc thiết lập khung thể chế thúc đẩy liên kết phát triển vùng; ứng dụng các giải pháp công nghệ đổi mới và sáng tạo ở cả nông thôn lẫn đô thị.
Phát biểu tại cuộc hội thảo ở TP.Cần Thơ đầu tháng 11 vừa qua, ông Jens Schmid-Kreye, Phó phòng Hợp tác phát triển, Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam nhấn mạnh: “Dự án MCRP là một ví dụ nổi bật về sự hợp tác thành công giữa chính phủ hai nước Đức và Việt Nam. Các cơ quan của Việt Nam như Bộ NN-PTNT, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, cùng với 13 tỉnh thuộc ĐBSCL đã tham gia và hợp tác chặt chẽ trong dự án MCRP, thực hiện các hoạt động hợp tác kỹ thuật, góp phần hiện thực hóa các kế hoạch thành hành động và đạt được nhưng kết quả cụ thể, hướng tới xây dựng chiến lược phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu cho vùng ĐBSCL".
Bà Sibylle Bachmann, Phó cơ quan Hợp tác phát triển, Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam nhấn mạnh: “Tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu tại các khu vực đô thị là ưu tiên hàng đầu trong sự hợp tác phát triển của Thụy Sĩ tại Việt Nam, đặc biệt đối với đô thị vùng ĐBSCL. Các thách thức do biến đổi khí hậu là rất phức tạp, đòi hỏi một cơ chế phối hợp từ tất cả các cấp quản lý, chính quyền. Dự án MCRP tiếp tục triển khai bước 2, là bước quan trọng trong việc tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan từ cấp địa phương đến trung ương. Thụy Sĩ cam kết tiếp tục hỗ trợ và đồng hành cùng Việt Nam vì một tương lai phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.”
Các hoạt động của dự án MCRP đang được triển khai trên 4 lĩnh vực: Hỗ trợ thiết lập khung thể chế thúc đẩy liên kết phát triển vùng ĐBSCL bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; Tăng cường công tác quy hoạch/kế hoạch đầu tư nhằm quản lý nước đô thị và nông thôn vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu có chú trọng bình đẳng giới; Thúc đẩy ứng dụng các giải pháp công nghệ đổi mới trong phòng chống sạt lở, xói mòn bờ sông và bờ biển, tăng cường năng lực chống chịu khí hậu của cơ sở hạ tầng và hệ sinh thái nông thôn; Triển khai các giải pháp hạ tầng thoát nước và chống ngập đô thị bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Các kết quả dự án MCRP đã đạt được từ năm 2019 đến nay được ghi nhận như sau:
- Đã có 5 diễn đàn liên tỉnh về quản lý nước và phát triển bền vững ngành nuôi tôm. Nhiều công trình được thiết lập và đi vào hoạt động đã đóng góp các đầu vào kỹ thuật quan trọng trong việc hoạch định các chiến lược và kế hoạch ngành; thúc đẩy hợp tác trong công tác quản lý nguồn nước liên tỉnh, nhân rộng ứng dụng công nghệ đổi mới thích ứng biến đổi khí hậu giữa 13 tỉnh ĐBSCL.
- Hướng dẫn lập quy hoạch tỉnh do dự án MCRP hỗ trợ đã được Bộ Kế hoạch - Đầu tư phê duyệt. Dự thảo quy hoạch tỉnh của 13 tỉnh ĐBSCL có sự đóng góp về kỹ thuật của nhóm chuyên gia MCRP đã được trình phê duyệt. Tính đến nay, quy hoạch tỉnh Long An, Trà Vinh và Sóc Trăng đã được phê duyệt.
- Tăng cường quản lý rủi ro thiên tai thông qua việc trợ giúp các tỉnh ĐBSCL xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai, lồng ghép phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các khóa đào tạo tăng cường năng lực.
- Cải thiện công tác quản lý thoát nước đô thị và chống ngập úng đô thị thông qua việc giúp xây dựng Thông tư 15/2021/TT-BXD hướng dẫn về công trình hạ tầng kỹ thuật thu gom, thoát nước thải đô thị, khu dân cư tập trung; trợ giúp các tỉnh ban hành quy định quản lý thoát nước địa phương; giúp các tỉnh ĐBSCL trong việc xây dựng giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải và lộ trình thực hiện để các địa phương có nguồn thu chi trả chi phí vận hành, bảo dưỡng hệ thống thoát nước. Hiện tại, giá dịch vụ thoát nước đã được phê duyệt tại 4 tỉnh, ngoài ra 5 tỉnh đã trình phê duyệt.
- Các giải pháp lưu trữ nước do dự án thử nghiệm đã tạo cơ sở kỹ thuật vững chắc cho đề xuất đầu tư của tỉnh Cà Mau, gồm hơn 200 công trình hạ tầng trữ nước. Đề xuất này được hoàn thiện và trình UBNB tỉnh phê duyệt vào năm 2023. Hai đập tạm bằng bản thép công nghệ mới được xây dựng tại Cà Mau giúp bảo vệ 120ha đất nông nghiệp trước tác động của xâm nhập mặn, ổn định sinh kế cho hơn 80 hộ dân.
- 21 trạm quan trắc nguồn nước tự động đã được lắp đặt tại các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau, cung cấp dữ liệu nước thời gian thực cho sản xuất nông nghiệp. Dữ liệu nước được đồng bộ hóa vào hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý nước vùng ĐBSCL, nơi các cộng đồng địa phương và chính quyền có thể truy cập và theo dõi miễn phí.
- Mô hình sản xuất tôm-lúa cải tiến được thí điểm thành công trên 461ha, tại 2 hợp tác xã nuôi tôm thuộc tỉnh Cà Mau, giúp tăng thu nhập cho người dân. Chuỗi giá trị sản xuất tôm lúa được củng cố thông qua thúc đẩy sự hợp tác với khối tư nhân.
Với vai trò đại diện cơ quan chủ quản của dự án MCRP, ông Phạm Ngọc Mậu - Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) chia sẻ: “ĐBSCL là một trong những vùng kinh tế trọng điểm của cả nước nhưng đây cũng là khu vực đang phải đối mặt với nhiều thách thức do tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai. Dự án đã được mong đợi triển khai một cách thiết thực, hữu ích, phù hợp với tình hình thực tế trong công tác phòng chống thiên tai, hướng tới sự phát triển bền vững ở khu vực ĐBSCL”.
Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/du-an-mcrp-bai-2-nhung-ket-qua-an-tuong-208792.html