Dự án mỏ Đại Hùng: Biểu tượng của lòng quả cảm, mốc son của ngành dầu khí
Dự án mỏ Đại Hùng là một biểu tượng của lòng quả cảm, tinh thần bền bỉ đồng thời là mốc son trong lịch sử phát triển ngành dầu khí Việt Nam với việc lần đầu tiên Dự án được triển khai bằng nội lực với 100% là người Việt Nam.

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn dự Lễ đón dòng dầu đầu tiên Dự án phát triển mỏ Đại hùng giai đoạn 3 - Ảnh: VGP/Hải Minh
Chiều tối 16/5, tại TPHCM, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã dự Lễ đón dòng dầu đầu tiên Dự án phát triển mỏ Đại hùng giai đoạn 3, do Tập đoàn Công nghiệp-Năng lượng Quốc gia Việt Nam làm chủ đầu tư.
Tháng 4/1993, Hợp đồng dầu khí Lô 05-1 (a) – mỏ Đại Hùng lần đầu tiên được ký kết với tổ hợp nhà thầu đa quốc gia, trong đó nhà thầu BHP (Australia) giữ vai trò là nhà điều hành.
Trong giai đoạn 1993-1999, tổ hợp nhà thầu đã triển khai công tác phát triển và khai thác dầu tại mỏ Đại Hùng. Tuy nhiên, quá trình điều hành dự án sau đó lần lượt được chuyển giao giữa các nhà điều hành nước ngoài, và các nhà điều hành nước ngoài lần lượt rút khỏi dự án do việc khai thác không đạt hiệu quả.
Để tiếp tục điều hành hoạt động khai thác mỏ Đại Hùng, tháng 10/2003, Chính phủ đã quyết định giao quyền trực tiếp tiến hành hoạt động dầu khí tại mỏ Đại Hùng cho Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) thuộc thuộc Petrovietnam với trách nhiệm vận hành mỏ an toàn và đạt hiệu quả cao nhất. Tại thời điểm đó, giá trị sổ sách của mỏ chỉ là 1 USD.
Dự án mỏ Đại Hùng giai đoạn 3 được triển khai hoàn toàn bằng nguồn lực trong nước, với 100% cán bộ, kỹ sư và chuyên gia người Việt Nam từ các đơn vị chủ lực của Petrovietnam như Liên doanh Vietsovpetro, Tổng Công ty Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC), Tổng Công ty Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (PV Drilling), điều hành là Công ty PVEP POC – đơn vị thành viên của PVEP.
Dự án được triển khai từ cuối năm 2022, vượt qua hàng loạt khó khăn như biến động địa chính trị, khủng hoảng chuỗi cung ứng vật tư- thiết bị, ảnh hưởng kéo dài của đại dịch COVID-19, điều kiện thời tiết phức tạp và khoảng cách xa bờ (cách Vũng Tàu khoảng 265 km). Tuy vậy, tập thể cán bộ, kỹ sư của các đơn vị trong Hệ sinh thái Petrovietnam đã cùng nhau nỗ lực không ngừng, tối ưu hóa thiết kế và thi công, đảm bảo các chỉ tiêu về an toàn-chất lượng-tiến độ.
Dự án có quy mô gồm một giàn đầu giếng WHP-DH01 được lắp đặt ở độ sâu hơn 110 m, kết nối với giàn xử lý trung tâm FPU hiện hữu thông qua hệ thống đường ống mềm dài 5,2 km.

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Lễ đón dòng dầu đầu tiên Dự án phát triển mỏ Đại hùng giai đoạn 3 - Ảnh: VGP/Hải Minh
PetroViet Nam đón dòng dầu thương mại ngày 7/5/2025, vượt tiến độ 20 ngày, đạt lưu lượng 6.000 thùng/ngày, góp phần quan trọng vào việc duy trì và gia tăng sản lượng tại mỏ Đại Hùng -một trong những mỏ chiến lược của Petrovietnam.
Tính đến nay, toàn mỏ đã khai thác gần 75 triệu thùng dầu, đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước và tạo việc làm cho hàng nghìn lao động trong các giai đoạn phát triển.
Dự kiến, doanh thu toàn mỏ sau khi đưa vào khai thác giai đoạn 3 sẽ đạt khoảng 160.000 tỷ đồng đến năm 2034, đóng góp thêm khoảng 76 triệu thùng dầu vào tổng sản lượng khai thác của Petrovietnam.
Không chỉ mang lại hiệu quả tài chính, dự án còn đóng vai trò nền tảng cho các chiến lược mở rộng thăm dò và phát triển các cấu tạo mới tại lô 05-1(a) cũng như các khu vực lân cận – góp phần dài hạn vào mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Việc một dự án phát triển mỏ ngoài khơi xa, có độ sâu hơn 110 m, được thực hiện toàn bộ bởi người Việt là một bước tiến mang tính lịch sử, khẳng định năng lực làm chủ các công trình dầu khí lớn – lĩnh vực vốn yêu cầu trình độ kỹ thuật cao, sự phối hợp chặt chẽ và khả năng ứng phó với điều kiện vận hành khắc nghiệt.
Thành công của Dự án mỏ Đại Hùng giai đoạn 3 nói riêng và Mỏ Đại Hùng nói chung đánh dấu một cột mốc phát triển mới về trình độ khoa học, kỹ thuật và quản lý dự án quy mô lớn trong lĩnh vực công nghiệp năng lượng; đồng thời khẳng định người Việt hoàn toàn có thể làm chủ và vận hành những dự án dầu khí có độ phức tạp cao mà trước đây từng phải phụ thuộc vào chuyên gia nước ngoài.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn bày tỏ xúc động, tự hào khi tham sự kiện hôm nay-một dấu mốc rất quan trọng, khẳng định nỗ lực bền bỉ, trí tuệ và tinh thần cống hiến không ngừng nghỉ của tập thể lãnh đạo, cán bộ, kỹ sư, người lao động Tổng Công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP), Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam, cũng như các nhà thầu, đối tác đã tham gia vào Dự án.
Phó Thủ tướng cũng bày tỏ vui mừng được biết tất cả các nhà thầu, đối tác tham gia dự án cũng đều là của Việt Nam.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng đánh giá rất cao Tập đoàn và các đối tác liên quan trong thời gian qua đã nỗ lực hết mình để quản lý, tổ chức thực hiện Dự án, đưa dòng dầu thương mại đầu tiên từ Pha 3 mỏ Đại Hùng vào khai thác sớm hơn 20 ngày so với kế hoạch.
Phó Thủ tướng cho rằng điều này có ý nghĩa rất tích cực trong bối cảnh nước ta đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt 8% trở lên và phấn đấu tăng trưởng hai con số những năm tiếp theo, góp phần đưa đất nước ta đạt được mục tiêu là trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 nhân kỷ niệm 100 năm thành lập nước.
Dự án mỏ Đại Hùng là một biểu tượng của lòng quả cảm, tinh thần bền bỉ và khát vọng làm chủ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc, làm chủ cả công nghệ khai thác dầu khí trên thềm lục địa của Việt Nam; là điểm sáng khẳng định vị thế, trí tuệ và bản lĩnh của ngành dầu khí Việt Nam; đánh một dấu mốc son trong lịch sử phát triển ngành dầu khí Việt Nam với việc lần đầu tiên Dự án được triển khai bằng nội lực với 100% là người Việt Nam.
Trong bối cảnh tình hình năng lượng toàn cầu diễn biến phức tạp, giá cả thay đổi bất thường, nhu cầu trong nước ngày càng tăng, việc bảo đảman ninh năng lượng quốc gia đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết, Phó Thủ tướng đề nghị Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam phải phấn đấu trở thành tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng mới với mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, bắt kịp xu thế dịch chuyển năng lượng toàn cầu, có thương hiệu mạnh trong khu vực và trên thế giới, tham gia sâu chuỗi giá trị toàn cầu, đi đầu trong đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, phát triển nhanh, bền vững.
Tập đoàn cần không ngừng đổi mới tư duy, có tầm nhìn chiến lược, huy động sức mạnh tổng hợp trong thực thi nhiệm vụ, với quan điểm nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân.
Nếu không đổi mới tư duy sẽ không tạo được nguồn lực để phát triển ngành dầu khí, không thể huy động được sức mạnh của tập thể, cán bộ người lao động của Tập đoàn thì không thể tạo được sức mạnh để PVN vươn lên, đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước hiện nay và trong tương lai, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải dành thêm nguồn lực để Tập đoàn đầu tư cho nghiên cứu, phát triển mới vươn lên được, tự chủ được, sẵn sàng hợp tác với các đối tác bằng tiềm lực, vị thế mới, sản phẩm mới.
Tập đoàn cần khẩn trương phối hợp với Bộ Công Thương, Văn phòng Chính phủ rà soát các quy định pháp luật có liên quan để đề xuất cấp thẩm quyền xem xét đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước trong việc giải quyết một số vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí, nhằm tạo sự chủ động lớn cho các doanh nghiệp hoạt động.
Tập đoàn cũng cần chủ động, kịp thời xử lý các khó khăn vướng mắc và bảo đảm tiến độ, hiệu quả các dự án trọng điểm ngành năng lượng, dầu khí, đặc biệt là chuỗi dự án khí điện Lô B- Ô Môn, Cá Voi Xanh, dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4.
Đồng thời, phối hợp với các đối tác nước ngoài tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả hoạt động Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, tiếp tục triển khai dự án Nhiệt điện Long Phú 1; khẩn trương triển khai dự án Lô 01/97 và 02/97, dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
Bên cạnh đó, Tập đoàn cầntiếp tục phát huy tốt vai trò quan trọng của ngành dầu khí trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo, gắn phát triển kinh tế với giữ vững an ninh, quốc phòng trên các vùng biển của Tổ quốc.
Đánh giá cao các hoạt động thiện nguyện của Tập đoàn trong thời gian vừa qua, Phó Thủ tướng mong muốn Tập đoàn tiếp tục làm tốt công tác chăm lo tốt đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động ngành dầu khí, đồng thời làm tốt trách nhiệm xã hội, góp phần xây dựng thương hiệu, hình ảnh tốt đẹp của PVN.
Phó Thủ tướng bày tỏ tin tưởng, với thành quả quan trọng ngày hôm nay và những bước phát triển đúng hướng, tích cực trong thời gian gần đây, Tập đoàn và các đơn vị thành viên sẽ đạt được những thành tích ngày càng to lớn hơn nữa, đóng góp xứng đáng vào hành trình đưa đất nước ta vững bước tiến vào Kỷ nguyên phát triển mới "giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc" của dân tộc./.