Dự án mới, năng lực mới

Nhiều dự án lớn đi vào hoạt động hay các ngành công nghiệp mũi nhọn phát huy hiệu quả đã tạo đột phá, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Huế.

 Năm 2024, Công ty cổ phần Kim Long Motor Huế đóng góp gần 800 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước. Ảnh: Kim Long Motor

Năm 2024, Công ty cổ phần Kim Long Motor Huế đóng góp gần 800 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước. Ảnh: Kim Long Motor

1. Ngày khai trương Aeon Mall Huế, sức hút của trung tâm thương mại này rất lớn. Không chỉ người dân địa phương mà khách du lịch đến Huế cũng dừng chân mua sắm, tham quan.

Cũng đúng thôi khi đây là trung tâm thuơng mại lớn nhất miền Trung, nơi lý tưởng để trải nghiệm không gian mua sắm. Ngoài ra, các thiết chế vui chơi, giải trí khác cũng được đầu tư đồng bộ, sang trọng và hiện đại.

Ngày khai trương, ông Ohno Keiji, Chủ tịch Công ty cổ phần Aeon Mall nói rằng, Aeon Mall Huế hòa quyện hài hòa giữa các giá trị văn hóa Nhật Bản và văn hóa Huế. Aeon Mall Huế hứa hẹn mang đến nhiều giá trị mới, trải nghiệm mới cho khách hàng mọi lứa tuổi. Và mục tiêu trung tâm thương mại này hướng tới là trở thành địa chỉ quen thuộc, điểm đến thường xuyên của khách hàng.

Quả vậy, ngay trên website của Aeon Mall Huế, ngoài việc giới thiệu các khu vực, mặt hàng, hình ảnh Huế, các điểm tham quan tại Huế cũng được tích hợp. “Đến Huế du lịch, ngoài tham quan các điểm di tích lịch sử, trải nghiệm ẩm thực Cố đô, chúng tôi cũng được trải nghiệm ở Aeon Mall Huế. Đây là trung tâm thương mại hiện đại, tiện nghi, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, mà còn là nơi vui chơi, giải trí; đặc biệt, ngay trong trung tâm thương mại, nhiều điểm

check-in rất thú vị. Hy vọng đây sẽ là một trong những địa điểm đặc trưng của xứ Huế mỗi lần khách du lịch ghé thăm”, chị Hoàng Thanh Thu Thương (quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) chia sẻ.

Aeon Mall Huế cũng là một trong những dự án trọng điểm được lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm, khi sự kích cầu về tiêu dùng, tăng trưởng về thương mại từ dự án này khá rõ. Số liệu từ UBND thành phố cho thấy, năm 2024, thương mại tăng trưởng khá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 59.000 tỷ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 4,05% so với cùng kỳ.

Ngoài Aeon Mall Huế, nhiều dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố đi vào hoạt động đã tạo ra nhiều đột phá cho tăng trưởng kinh tế, đặc biệt trên lĩnh vực công nghiệp.

Theo UBND thành phố, năm 2024, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 48.500 tỷ đồng (theo giá so sánh), tăng 9,4% so cùng kỳ. Một số ngành sản xuất công nghiệp chủ lực đạt được tốc độ tăng trưởng tốt. Điển hình như Khu liên hợp sản xuất, lắp ráp Kim Long Motors Huế (giai đoạn 1 - công suất 3.500 chiếc/năm), Nhà máy điện rác Phú Sơn, Nhà máy may 3 Scavi, Nhà máy may mặc AMP Việt Nam, Gilimex (giai đoạn 1, đợt 1), Nhà máy sản xuất sản phẩm từ plastic của Dự án Malpensa Plant Việt Nam;...

2. Để có được sự đột phá về kinh tế từ các dự án trọng điểm, thành phố đã rất nỗ lực trong công tác thu hút đầu tư; tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư triển khai dự án.

Bên cạnh đó, các lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn cũng được duy trì giúp bức tranh kinh tế thành phố có nhiều gam sáng, điển hình như ngành dệt may.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động mạnh, nhu cầu tiêu dùng suy giảm, ngành dệt may cũng đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt và các yêu cầu tiêu chuẩn khắt khe từ Mỹ và EU, song lĩnh vực dệt may trên địa bàn vẫn duy trì được đà tăng trưởng.

Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dệt may Huế Nguyễn Tiến Hậu cho rằng, thành quả đó là nhờ việc tối ưu hóa quy trình sản xuất đến triển khai các giải pháp chuyển đổi số toàn diện. Các chương trình cải tiến năng suất và chất lượng sản phẩm cũng được thúc đẩy mạnh mẽ, không chỉ đáp ứng nhu cầu của thị trường, mà còn tạo ra những giá trị mới, nâng cao lợi thế cạnh tranh bền vững. “Năm 2024, doanh thu của Công ty cổ phần Dệt may Huế hơn 1.991 tỷ đồng, đạt 103,7% kế hoạch, tăng 5,7% so với năm 2023; lợi nhuận 134,4 tỷ đồng, hoàn thành 122,2% kế hoạch và tăng 11% so với cùng kỳ. Chúng tôi tiếp tục đặt ra các mục tiêu để quyết tâm hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2025 với doanh thu 2.070 tỷ đồng, lợi nhuận 140 tỷ đồng. Chúng tôi cũng hướng đến sự phát triển bền vững với trọng tâm cải tiến công nghệ, nâng cao năng suất, mở rộng thị trường”, ông Nguyễn Tiến Hậu thông tin.

Hiện, thành phố đang hướng đến mục tiêu tăng trưởng hai con số trong năm 2025. Để giải quyết “bài toán” này, sự đóng góp của các dự án, doanh nghiệp lớn đã và đang hoạt động đóng vai trò quan trọng. Với thành phố, việc khắc phục khó khăn về hạ tầng là điều tiên quyết. Bởi, hiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật các khu kinh tế, khu công nghiệp (KCN) vẫn chưa thật đồng bộ, trong đó, việc thiếu hệ thống xử lý nước thải ở các KCN đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác thu hút đầu tư.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Phương, thành phố sẽ tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy tiến độ các dự án sớm đi vào hoạt động nhằm tạo năng lực mới, đột phá phát triển như: Khu liên hợp sản xuất, lắp ráp Kim Long Motor Huế (giai đoạn 2), Nhà máy Kanglongda Huế, Nhà máy chế biến cát và sản xuất đá nhân tạo Vinasilica, Nhà máy chế biến cát thạch anh công nghệ cao creanza, Nhà máy sản xuất kính siêu trắng Đạt Phương, Nhà máy sản xuất men frit, Dự án nhà máy sản xuất thép số 1 Chân Mây. Ngoài ra, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư phát triển hạ tầng công nghiệp như: KCN Gilimex, KCN và khu phi thuế quan Sài Gòn - Chân Mây, KCN La Sơn; các cụm công nghiệp: Bình Thành, Điền Lộc và Điền Lộc 2.

“Thành phố sẽ tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư, kêu gọi các nhà đầu tư có thương hiệu đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, kết cấu hạ tầng KCN đô thị và khai thác cảng biển; ưu tiên các lĩnh vực chế biến, chế tạo theo xu thế xanh, giảm phát thải”, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Phương khẳng định.

Lê Thọ

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/kinh-te/du-an-moi-nang-luc-moi-151983.html