Xem xét lộ trình điều chỉnh thuế hợp lý, có độ trễ để doanh nghiệp chuẩn bị
'Cần xem xét lộ trình điều chỉnh thuế hợp lý, có độ trễ tối thiểu một năm để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị và người tiêu dùng có thời gian thích nghi. Nghiên cứu áp dụng phương pháp đánh thuế dựa trên hàm lượng cồn thay vì đánh đồng theo giá trị sản phẩm, vừa công bằng, vừa góp phần định hướng tiêu dùng có trách nhiệm'. Đây là đề xuất được đại biểu Quốc hội đưa ra khi thảo luận về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Giao Chính phủ áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt cụ thể với từng loại sản phẩm thuốc lá mới
Quy định về thuế suất đối với thuốc lá hiện còn ý kiến khác nhau. Theo đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh), Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã quy định số lượng điếu thuốc lá trong bao, gói. Tuy nhiên, chỉ giới hạn số lượng điếu tối thiểu phải có trong bao thuốc lá. Do đó, để bảo đảm tính chặt chẽ, bao quát, tránh việc lợi dụng để nâng số lượng điếu trong từng bao thuốc lá, dự thảo Luật nên quy định theo hướng bổ sung quy định mức thuế tuyệt đối áp dụng đối với bao thuốc lá 20 điếu và xì gà có trọng lượng 20g/điếu. Đối với các bao thuốc lá có số lượng khác 20 điếu hoặc xì gà có trọng lượng khác 20g/điếu thì giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết để có phương án quy đổi tương ứng.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh). Ảnh: Hồ Long
Về tổ chức thực hiện, tại Điều 12, dự thảo Luật bổ sung phương án 2 quy định: “Trường hợp các sản phẩm thuốc lá mới được phép nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và/hoặc văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành, các sản phẩm thuốc lá mới sẽ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt như mức thuế tiêu thụ đặc biệt quy định đối với mặt hàng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm. Giao Chính phủ quy định việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt cụ thể đối với từng loại sản phẩm thuốc lá mới trong trường hợp được phép nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam”.
Đại biểu Đỗ Thị Lan đề nghị không quy định như phương án 2, bởi lẽ, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá và Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành không quy định đối với thuốc lá mới.
“Thuốc lá mới bao gồm thuốc lá điện tử có tác hại nghiêm trọng đối với sức khỏe của người sử dụng. Thông tin này cũng đã được khẳng định trong các báo cáo của Bộ Y tế, báo cáo của các bệnh viện trong nước và các nguồn tin được cập nhật từ các nước trên thế giới. Đến nay nhiều nước đã cấm mua bán, sử dụng đối với thuốc lá mới có tác hại nghiêm trọng đối với sức khỏe của con người”, đại biểu nêu rõ.
Đáng lưu ý, Nghị quyết 173/2024/QH15 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV có quy định: cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Đại biểu Đỗ Thị Lan chỉ rõ, việc quy định như phương án 2 theo quan điểm của cơ quan soạn thảo là xác lập căn cứ pháp lý đầy đủ để có thể triển khai thực hiện được ngay trong trường hợp sản phẩm thuốc lá mới được phép nhập khẩu, sản xuất, kinh tại nước ta là không phù hợp với chủ trương của Đảng về chăm sóc sức khỏe nhân dân, không phù hợp với nguyên tắc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và không thống nhất với quy định cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại Nghị quyết 173/2024/QH15. Do đó, đại biểu đề nghị, bỏ quy định như phương án 2, Điều 12 của dự thảo Luật.
Tăng thuế quá nhanh có thể gây tác động ngược
Quan tâm đến đề xuất điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành bia, đại biểu Quốc hội Nguyễn Duy Minh (Đà Nẵng) đề nghị, cân nhắc thận trọng, toàn diện trên 3 khía cạnh: việc làm, thu ngân sách địa phương, thu ngân sách nhà nước và sức khỏe người tiêu dùng.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Duy Minh (Đà Nẵng) phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Đại biểu cho biết, ngành bia hiện nay đang tạo ra hàng triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp trên cả nước, từ người nông dân trồng nguyên liệu, nhà máy sản xuất đến hệ thống vận chuyển, phân phối và bán lẻ. Việc tăng thuế đột ngột, mạnh tay như đề xuất của dự thảo Luật sẽ khiến giá bia hợp pháp tăng cao, kéo theo sự sụt giảm tiêu thụ và doanh thu buộc doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự. Theo một nghiên cứu độc lập, thu nhập của người lao động có thể giảm đến gần 4.600 tỷ đồng mỗi năm nếu tăng thuế như đề xuất. Điều này đe dọa đến sinh kế của hàng trăm nghìn lao động, đặc biệt là tại các tỉnh, thành phố phụ thuộc rất nhiều vào ngành đồ uống.
Về thu ngân sách địa phương, ngành bia hiện nay đóng góp hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm cho ngân sách nhà nước, bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi sản lượng tiêu thụ hợp pháp giảm mạnh thì các nguồn thu này sẽ bị suy giảm đáng kể. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến ngân sách trung ương mà còn trực tiếp tác động đến thu ngân sách của các địa phương có nhà máy bia, nơi mà nguồn thu này đóng vai trò rất quan trọng trong việc đầu tư phát triển hạ tầng y tế, giáo dục tại địa phương. Trong bối cảnh đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP tối thiểu là 8% trong năm 2025, việc điều chỉnh thuế cần phải được tính toán kỹ lưỡng để không tạo áp lực cho nguồn thu.
Đại biểu Nguyễn Duy Minh nhấn mạnh, chính sách thuế phải góp phần bảo vệ sức khỏe của cộng đồng, nhưng thực tiễn cũng cho thấy, việc tăng thuế quá nhanh, quá cao có thể gây tác động ngược; giá bia hợp pháp tăng đột biến sẽ đẩy người tiêu dùng, nhất là nhóm thu nhập thấp chuyển sang các sản phẩm không chính thức, không kiểm soát được chất lượng như bia cỏ hoặc bia nhập lậu.
Điều này đã được một số tổ chức nghiên cứu có danh tiếng chứng minh qua báo cáo nghiên cứu hành vi của người tiêu dùng, nhiều mẫu bia đã bị phát hiện chứa hàm lượng methanol vượt ngưỡng gây nguy cơ lớn về an toàn thực phẩm và đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Việc này không những phá vỡ những mục tiêu ban đầu là bảo vệ sức khỏe mà còn làm gia tăng thị phần bia bất hợp pháp, gây thất thu ngân sách, làm méo mó thị trường.
Từ những phân tích trên, đại biểu Nguyễn Duy Minh đề nghị xem xét lộ trình điều chỉnh thuế hợp lý, có độ trễ tối thiểu một năm để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị và người tiêu dùng có thời gian thích nghi. Nghiên cứu áp dụng phương pháp đánh thuế dựa trên hàm lượng cồn thay vì đánh đồng theo giá trị sản phẩm. Điều này phù hợp với xu hướng quốc tế, vừa công bằng, vừa góp phần định hướng tiêu dùng có trách nhiệm.