Dự án nâng cấp quốc lộ 7 gặp khó vì mặt bằng, Bí thư tỉnh Nghệ An chỉ đạo nóng
Do công tác giải phóng mặt bằng được các địa phương tiến hành chậm hơn dự kiến nên dự án cải tạo nâng cấp QL7 đoạn Km0 - Km36 và xử lý sụt trượt do bão lũ đoạn Khe Thơi - Nậm Cắn (tỉnh Nghệ An) phải lùi ngày về đích.
Ông Hoàng Văn Châu, Giám đốc Điều hành dự án, Ban QLDA4, cho biết: Dự án cải tạo nâng cấp QL7 đoạn Km0 - Km36 và xử lý sụt trượt do bão lũ đoạn Khe Thơi - Nậm Cắn, tỉnh Nghệ An (gọi tắt là dự án nâng cấp QL7) có chiều dài là 27,5Km đi qua 3 huyện Diễn Châu, Yên Thành và Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Tổng mức đầu tư 1.300 tỷ đồng.
Dự án được khởi công từ tháng 10/2022. Đến nay địa phương đã bàn giao mặt bằng được khoảng 48,253/55,212km (đạt 87,46%) tính cả trái và phải tuyến.
Hiện tại các nhà thầu đã cơ bản thi công xong lớp BTNC16 toàn bộ phạm vi có mặt bằng. Cầu vượt Đường sắt do vướng mặt bằng nên mới thi công hoàn thành được mố A0 đến P4 và lao lắp 35 dầm, hoàn thành 07 bản mặt cầu từ P1 - P4; Thi công hoàn thành cọc khoan nhồi P7, A8 và P5 đơn nguyên phải tuyến (Phần bệ và thân trụ, xà mũ hộ dân chưa cho thi công do mặt bằng chưa được giải phóng); thi công xong thân trụ P6 phía phải tuyến (Phần xà mũ trụ hộ dân chưa cho thi công do mặt bằng chưa được giải phóng).
Tổng giá trị sản lượng thi công đến nay ước đạt 498/712 tỷ đồng (tương đương 69,96% giá trị xây lắp toàn dự án).
Theo ghi nhận của PV, vì vướng mặt bằng và bàn giao mặt bằng kiểu xôi đỗ nên đến nay vẫn còn nhiều đoạn nhà thầu chưa thể thi công. Trong đó, đáng kể nhất là đoạn từ Km 0 - Km5 (ngã tư Diễn Châu lên nút giao cao tốc Bắc - Nam), nhiều đoạn vẫn bị thắt cổ chai dẫn đến tình trạng phương tiện dồn ứ.
Chất lượng mặt đường cũ qua nhiều năm khai thác đã xuống cấp, nay chịu thêm áp lực từ lượng xe di chuyển từ cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu đi xuống, làm cho mặt đường càng hư hỏng nghiêm trọng. Nhiều đoạn chủ đầu tư và nhà thầu phải cấp phối đá dăm vào ổ gà nhưng các phương tiện di chuyển vẫn gặp nhiều khó khăn.
Ông Châu cho biết: Vấn đề mặt bằng vẫn là vướng mắc lớn nhất đối với dự án. Tỉnh nhiều lần chỉ đạo, ấn định thời gian bàn giao mặt bằng cho các địa phương nhưng các địa phương vẫn không thể thực hiện đúng kế hoạch. Hiện tại một số huyện như Đô Lương, Yên Thành đã phải tính đến việc tổ chức bảo vệ thi công.
Dự án nâng cấp QL7 được khởi công từ tháng 10/2022, thời gian hoàn thành dự án là vào năm 2024, riêng đoạn từ Km 0 - Km5 (ngã tư Diễn Châu lên nút giao cao tốc) phải hoàn thành trong năm 2023.
Để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và khai thác đồng bộ cùng tuyến cao tốc, Bộ GTVT đã chỉ đạo chủ đầu tư và các nhà thầu hoàn thành đoạn này trong tháng 7/2023. Tuy nhiên, do vướng mặt bằng ở huyện Diễn Châu mà mốc tiến độ trên đã không thể thực hiện được.
Ngày 4/4, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Nghệ An – Thái Thanh Quý đã cùng với lãnh đạo UBND tỉnh, các sở ngành địa phương trực tiếp đi kiểm tra tiến độ thi công các dự án giao thông trọng điểm đang triển khai ở tỉnh. Bí thư tỉnh ủy tỉnh Nghệ An cũng đã đến công trường ghi nhận những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng ở Dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 7.
Sau khi lắng nghe các ý kiến của chủ đầu tư, nhà thầu, chính quyền các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Đô Lương, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Nghệ An đã yêu cầu các địa phương phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa trong công tác giải phóng mặt bằng. Ông Quý cũng đề nghị Ban QLDA 4 và các nhà thầu phải vào cuộc cùng với chính quyền. Bởi có những việc mà hiện nay đang vướng phải cần sự chung sức của các bên tháo gỡ dần. Cũng có những việc phải thực hiện một cách linh hoạt chứ không thể ngồi chờ bổ sung cơ chế, chính sách.
Về tiến độ, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Nghệ An yêu cầu đến ngày 30/4 này, huyện Yên Thành phải bàn giao tiếp một phần mặt bằng cho dự án, phần còn lại bàn giao trước ngày 15/5. Huyện Đô Lương phải hoàn thành trước ngày 15/5 như lãnh đạo huyện cam kết. Đối với huyện Diễn Châu, chậm nhất 30/5 phải bàn giao mặt bằng. Đối với những trường hợp cố tình không bàn giao dù địa phương đã vận động, đã hỗ trợ bằng các cơ chế, chính sách thì sau các mốc thời gian trên sẽ lập kế hoạch bảo vệ thi công.
"Trong quá trình thực hiện, có những vấn đề khó khăn vướng mắc, nếu các địa phương không xử lý được thì báo cáo lên Sở, Sở không xử được thì báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thậm chí cần thiết thì báo cáo lên Chủ tịch và Bí thư tỉnh" - Bí thư tỉnh Nghệ An nhấn mạnh.