Dự án nào không phải phê duyệt chủ trương đầu tư?
Dự án quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 lập theo Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 ngày 24/11/2017 đủ điều kiện bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 thì không phải phê duyệt chủ trương đầu tư.
Theo phản ánh của ông Phạm Trọng Hùng (Tuyên Quang), Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 ngày 24/11/2017 có hiệu lực ngày 1/1/2019; nhưng riêng các quy định về lập, thẩm định quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2018. Theo đó, chi phí cho hoạt động quy hoạch sử dụng vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công. Tuy nhiên, trong Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 không nói đến chủ trương đầu tư.
Ông Hùng hỏi, về lập quy hoạch tỉnh (thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050) theo Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 ngày 24/11/2017 có phải có quyết định phê duyệt chủ trương không? Nếu không thì căn cứ vào quy định nào để xác định?
Nếu phải quyết định chủ trương thì cơ quan nào lập đề xuất, cơ quan nào thẩm định và cơ quan nào phê duyệt chủ trương? Nội dung chủ trương gồm những gì? Theo quy định nào?
Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời như sau:
- Tại thời điểm hiện nay: Quy định tại Khoản 10, Điều 5 Luật số 28/2018/QH14 ngày 15/6/2018 về sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch quy định điều kiện chương trình, dự án được bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn: “Chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, dự án lập quy hoạch”.
Điều 56 Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13 ngày 18/6/2014 quy định điều kiện chương trình, dự án được bố trí vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm: “Chương trình, dự án phải có trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn...”.
Căn cứ các quy định trên, dự án quy hoạch tỉnh (cụ thể là quy hoạch tỉnh Tuyên Quang) thời kỳ 2021 - 2030 lập theo Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 ngày 24/11/2017 đủ điều kiện bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, không phải phê duyệt chủ trương đầu tư.
- Từ ngày 1/1/2020: Khoản 3, Điều 52 Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 ngày 13/6/2019 quy định điều kiện để chương trình, dự án, nhiệm vụ, đối tượng đầu tư công khác được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn: “Các nhiệm vụ, dự án không phải quyết định chủ trương đầu tư bao gồm: ... Nhiệm vụ quy hoạch ...”.
Vậy, dự án quy hoạch tỉnh (cụ thể là quy hoạch tỉnh Tuyên Quang) thời kỳ 2021 - 2030 lập theo Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 ngày 24/11/2017 đủ điều kiện bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, không phải phê duyệt chủ trương đầu tư.
Theo Điểm b, Khoản 5 Mục I Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 5/2/2018 của Chính phủ về triển khai thi hành Luật Quy hoạch yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: “Được sử dụng 10% dự phòng trên tổng mức vốn đã phân bổ cho các địa phương trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 ... để tổ chức lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030...”.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã có Văn bản số 6900/BKHĐT-TH ngày 28/9/2018, Văn bản số 8255/BKHĐT-TH ngày 19/11/2018 đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương sử dụng dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương tại các Bộ, ngành và địa phương phân bổ dự phòng 10% cho công tác lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt và công bố quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030.