Dự án nào phải có giấy phép môi trường?
Khoản 3 Điều 15 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp.
Mỗi dự án của đơn vị ông H.V.T (Phú Thọ) có một báo cáo đánh giá tác động môi trường riêng, các báo cáo đánh giá tác động môi trường trước năm 2005 đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt (không có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường).
Ông T hỏi, vậy các báo cáo đánh giá tác động môi trường nêu trên có được phép tiếp tục sử dụng trong thời hạn 5 năm kể từ ngày Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành trong trường hợp giấy phép môi trường thành phần không xác định thời hạn không?
Theo Điểm c Khoản 3 Điều 15 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường:
"3. Hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp bị xử phạt như sau:
… c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không bố trí diện tích cây xanh bảo đảm tỷ lệ theo quy định; không bố trí công tơ điện độc lập tại nhà máy xử lý nước thải tập trung; không bố trí hố ga lắng cặn, tách váng dầu của nước mưa trước khi xả vào môi trường tiếp nhận...".
Quy định trên được hiểu là, các đơn vị hoạt động kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp phải thực hiện bố trí hố ga lắng cặn, tách váng dầu của nước mưa trước khi xả vào môi trường tiếp nhận. Đơn vị ông T là cơ sở sản xuất độc lập (không nằm trong cụm công nghiệp, không phải là hoạt động kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp) thì có phải thực hiện xây dựng hố ga lắng cặn, tách dầu của nước mưa trước khi xả vào môi trường tiếp nhận không?
Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời vấn đề này như sau:
Trường hợp cơ sở đang hoạt động thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 mà chỉ có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, không phải có giấy phép môi trường thành phần theo quy định của pháp luật thì phải có giấy phép môi trường trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành.
Khoản 3 Điều 15 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp. Trường hợp cơ sở sản xuất nằm ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp nếu vi phạm các quy định về quản lý chất thải thì bị xử phạt theo các điều tương ứng được quy định tại Nghị định số 45/2022/NĐ-CP./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/du-an-nao-phai-co-giay-phep-moi-truong/276728.html