Dự án nạo vét hồ thủy điện nhưng chỉ… tận thu hút cát bán?
Doanh nghiệp thi công dự án nạo vét lòng hồ thủy điện nhưng chỉ tập trung hút cát, tập kết trái phép để chở đi tiêu thụ.
Công ty Cổ phần Quốc tế Sông Hồng (Công ty Sông Hồng) được UBND tỉnh Đắk Lắk cấp phép thực hiện “Dự án nạo vét, thu hồi cát làm vật liệu xây dựng thông thường tại hồ thủy điện Krông H’Năng, xã Cư Prao, huyện M’Drắk) với tổng diện tích nạo vét 313,5ha, thời gian nạo vét 5 năm. Dự án có khối lượng nạo vét hơn 6,5 triệu m3, sản phẩm nạo vét gồm: cát, sạn sỏi, bùn đất...
Tuy nhiên, theo ghi nhận, quá trình thi công dự án doanh nghiệp chỉ tập trung vào việc hút cát bán, còn bùn đất, sạn sỏi được trả lại sông. Ngoài ra, doanh nghiệp ngang nhiên tập kết hàng nghìn m3 cát trái phép, xâm phạm phần đất rừng đặc dụng của Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô.
Cát lên bờ, bùn đất trả lại sông?
Đầu tháng 4, PV theo thuyền cá của ngư dân thực tế hoạt động nạo vét trên hồ thủy điện Krông H’Năng. Sau vài phút nổ máy, chiếc thuyền lướt nhanh trên mặt nước, đưa PV tiến về phía bờ tiếp giáp với Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (huyện Ea Kar, Đắk Lắk).
Trước mắt PV, gần về phía bờ đập thủy điện, một bãi tập kết cát trắng xóa, cao ngút. Những chiếc tàu chở đầy ắp cát liên tục cập bờ, bơm cát lên bãi. Phía trên, chiếc máy múc hoạt động hết công suất, ngoạm cát đưa lên xe chở đi. Những chiếc xe ben đầy cát, ì ạch di chuyển lên con đường nhựa dẫn thẳng ra QL29.
Theo quan sát, những chiếc xe “ăn no” cát đều di chuyển theo lối mòn, không qua trạm cân giám sát tải trọng rồi rời bãi.
>> Video: Cận cảnh bãi tập kết sản phẩm nạo vét nhưng chỉ thấy toàn là cát
Cách bãi tập kết thứ nhất không xa về hướng thượng lưu hồ thủy điện, thêm một bãi tập kết cát “khổng lồ” xâm phạm vào lâm phần Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô.
Theo quan sát, ước tính có hàng nghìn m3 cát được bơm lên, tập kết ở đây. Tại đây, chiếc máy múc cũng liên tục ngoạm cát đưa lên xe ben, theo con đường mòn xuyên rừng đưa đi ra ngoài.
Trời dần về chiều, tàu hút cát vẫn liên tục ngược dòng chảy đi nạo vét. Chiếc thuyền chở PV bám theo tàu cát về phía thượng lưu hồ thủy điện Krông H’năng. Mất hơn 30 phút, đi hết khu vực lòng hồ thủy điện, tại đoạn sông Krông Năng, chiếc tàu dừng lại, quay chắn ngang con sông, thả vòi nạo vét. Tiếng máy nổ inh ỏi, vòi rồng khuấy đảo khiến dòng sông đục ngầu.
Tận mắt chứng kiến hoạt động nạo vét, không khác gì dự án khai thác cát, các công nhân chỉ chăm băm vào việc hút lấy cát!. Sản phẩm nạo vét được đưa lên tàu, cát được sàng lọc chảy vào khoang, còn bùn đất được trả lại sông.
Thậm chí, để cát sạch hơn, công nhân dùng vòi nước xịt vào khu vực sàn để rửa cát. Trong một thời gian ngắn, con tàu đầy ắp cát, rồi nổ máy chở cát về bơm lên bãi tập kết.
Theo một chủ tàu từng được Công ty Sông Hồng thuê nạo vét, mỗi m3 cát được thuê hút với giá 40.000 đồng/m3. Ở đó (khu vực nạo vét) hút lên toàn cát, cát sạch đẹp, không dính bùn.
Tập kết cát trái phép trên đất rừng
Theo quyết định phê duyệt dự án nạo vét hồ thủy điện Krông H’Năng, Công ty Sông Hồng được cấp phép nạo vét 5 khu vực với diện tích 313,5ha. Ngoài ra, có một khu vực tập kết sản phẩm thi công có diện tích 2,6ha.
Tuy nhiên, theo ghi nhận, quá trình thi công, doanh nghiệp đã bơm, tập kết trái phép hàng nghìn m3 cát, xâm phạm vào lâm phần của Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô.
Ông Lê Minh Tiến, Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô cho biết, tháng 7/2022, qua kiểm tra rừng phát hiện có việc tập kết cát tại khu vực tiếp giáp với khu bảo tồn. Sự việc sau đó được Khu Bảo tồn báo cáo UBND huyện Ea Kar. Qua kiểm tra, công ty Sông Hồng đã tập kết cát sai vị trí so với phương án được phê duyệt.
Khối lượng tập kết khoảng 32.000m3, UBND huyện đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 150 triệu đồng và yêu cầu di dời ra khỏi khu vực bảo tồn, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện di dời xong”.
>>> Video cận cảnh hàng ngàn m3 cát được tập kết trái phép:
“Chúng tôi chỉ quản lý trên diện tích rừng của mình, còn việc cấp phép khai thác cát, nạo vét như thế nào thì thuộc về các sở, ngành khác. Trên cương vị người quản lý bảo vệ rừng, nếu dự án tác động đến việc quản lý bảo vệ rừng, công tác bảo tồn đa hệ sinh học, sạt lở bờ sông thì chúng tôi làm báo cáo, ngăn chặn.
Vừa qua, công ty xin để lại cát nhưng chúng tôi không đồng ý. Chúng tôi yêu cầu phải chuyển đi chứ không để đó được. Tôi chẳng bao giờ mong muốn có bãi cát ở đây”, ông Tiến khẳng định.
“
Theo UBND huyện Ea Kar, huyện đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần Quốc tế Sông Hồng với tổng số tiền 150 triệu đồng. Trong đó, phạt 50 triệu đồng đối với hành vi hoạt động không đúng nội dung đã được cấp phép hoạt động trong phạm vi hồ chứa. Cụ thể: Công ty tập kết cát tại bãi tập kết chưa được cấp phép với diện tích 11.228m2.
Phạt 100 triệu đồng đối với hành vi lấn chiếm đất nông nghiệp là đất rừng đặc dụng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô với diện tích lấn chiếm là 7.119m2.
Đồng thời, yêu cầu Công ty Sông Hồng thực hiện di dời toàn bộ khối lượng cát đang tập kết trái phép tại bãi đi nơi khác, khôi phục lại tình trạng ban đầu.
”
Ông Nguyễn Văn Vượng, Phó trưởng phòng Quản lý Công nghiệp, Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk (đơn vị tham mưu cho UBND tỉnh cấp phép nạo vét) cho biết: “Theo chức năng, nhiệm vụ, Sở đã tham mưu cấp giấy phép hoạt động trong lòng hồ, đủ điều kiện theo đúng quy định.
Hàng năm, trước khi hoạt động (từ ngày 16/12 - 31/8 năm sau), Công ty Sông Hồng phải có thông báo đến các đơn vị có liên quan như: UBND huyện M’drắk, Ea Kar, Sở Công thương để kiểm tra, giám sát. Năm ngoái (2022) họ làm sai, đã xử lý rồi, còn năm 2023 chúng tôi chưa nhận được thông báo, họ chưa làm thì không thể trả lời được”.
Tuy nhiên, PV cung cấp thông tin, hiện công ty đang thực hiện nạo vét, ông Vượng khẳng định: “Sở sẽ kiểm tra xem đơn vị nạo vét có đúng phương án không?. Nếu sai sẽ tiếp tục xử lý. Nếu năm này thực hiện sai theo phương án được phê duyệt, Sở sẽ có biện pháp, khắc phục, thu hồi hoặc lựa chọn đơn vị khác để thực hiện công việc này”.
Trả lời câu hỏi của PV về dự án nạo vét nhưng thực tế doanh nghiệp chỉ tập trung tận thu hút cát, ông Vượng phân trần: “Nạo vét sản phẩm thì do Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý. Sở Công thương chỉ quản lý việc nạo vét làm sao để đập thủy điện an toàn”.
Theo một lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk, Công ty Sông Hồng là đơn vị được giao thực hiện việc nạo vét và được phép tận thu cát theo giấy phép. Quá trình thực hiện, các ngành chức năng phát hiện đơn vị tập kết cát trái phép. Sau khi bị xử phạt, đã yêu cầu di chuyển toàn bộ khối lượng về bãi 1 để thực hiện các bước tiếp theo.
Cũng theo vị lãnh đạo này, phương án nạo vét được phê duyệt, bao gồm: bơm hút lên tàu, sàng lọc tách ra phần sỏi, cát (nếu có), còn những cái còn lại thì không thu được thì tự tan trong nước. Tuy nhiên, trong quá trình nạo vét, không loại trừ khả năng “biến tướng”, nạo vét nhưng chỉ tập trung vào việc hút cát.
“Mục tiêu đặt ra của dự án là nạo vét, tất nhiên cũng có thể có việc “trá hình” trong việc nạo vét để hút cát”, vị lãnh đạo này thẳng thắn nói.
Trao đổi với ông Nguyễn Đức Toản, đại diện chủ dự án cho biết, công ty tập kết sai đã chấp hành nộp phạt và đang thực hiện khắc phục hậu quả, di dời toàn bộ cát ra khỏi khu vực tập kết trái phép. Quá trình di dời cũng do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan nên công ty chưa thực hiện xong. Hiện UBND huyện Ea Kar đã cho gia hạn lần 3, bắt buộc phải di dời trong vòng 43 ngày tới.
Trả lời câu hỏi của PV về việc dự án nạo vét nhưng chỉ thấy đơn vị hút cát, ông Toản khẳng định: “Nạo vét thì có cái gì hút lên cái đó”.