Dự án nguồn điện chậm tiến độ, Bộ Công Thương đưa ra một số đề xuất xử lý
Việc các dự án nguồn điện chậm tiến độ được coi là tình trạng thường xuyên trong lĩnh vực điện lực, vì vậy, Bộ Công Thương đã đưa ra một số đề xuất xử lý.
Bộ Công Thương vừa có dự thảo lần thứ 2 về Luật Điện lực (sửa đổi). Trong dự thảo lần này, Bộ Công Thương đưa ra các phương án xử lý các dự án nguồn điện chậm tiến độ.
Theo đó, tại Mục 4, Chương II dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), Bộ Công Thương đã đưa ra các quy định mới về tiến độ dự án nguồn điện.
Tại Điều 19, thuộc dự thảo lần này, Bộ Công Thương cho biết, các nhà đầu tư phát triển nguồn điện sẽ phải cam kết tiến độ tối thiểu 4 mốc, bao gồm thời điểm phê duyệt dự án đầu tư, thời điểm ký hợp đồng mua bán điện và thu xếp xong tài chính, thời điểm khởi công dự án nguồn điện và thời điểm đưa dự án vào sử dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Tại Điều 20, các nhà đầu tư sẽ được điều chỉnh các mốc tiến độ dự án trong 1 số trường hợp, như chậm tiến độ do sự kiện bất khả kháng, do nhà nước có quyết định thu hồi dự án, thu hồi chủ trương đầu tư, hoặc giấy chứng nhận đầu tư để lựa chọn nhà đầu tư mới,...
Tại Điều 21 đề xuất UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm theo dõi, đánh giá các dự án nguồn điện chậm tiến độ hoặc có nguy cơ chậm tiến độ.
Định kỳ 6 tháng hoặc đột xuất, UBND cấp tỉnh nơi có dự án nguồn điện có trách nhiệm gửi thông báo đến các nhà đầu tư về kết quả đánh giá tiến độ dự án nguồn điện.
Đối với mỗi lần chậm quá 60 ngày làm việc so với mỗi mốc tiến độ đã cam kết, UBND tỉnh nơi có dự án yêu cầu nhà đầu tư dự án khẩn trương hoàn thành hạng mục công việc bị chậm và đảm bảo không ảnh hưởng tới mốc tiến độ tiếp theo.
Sau 30 ngày làm việc kể từ ngày có văn bản yêu cầu lần thứ nhất, trường hợp nhà đầu tư dự án vẫn chưa hoàn thành mốc tiến độ chậm trước đó, UBND cấp tỉnh nơi có dự án có văn bản thông báo lần thứ hai. Tổng số lần thông báo đối với mỗi mốc tiến độ tối đa không quá 2 lần.
Trong thời hạn 1 năm kể từ ngày UBND cấp tỉnh nơi có dự án có văn bản thông báo lần thứ nhất về việc chậm mốc tiến độ, trường hợp nhà đầu tư không hoàn thành mốc tiến độ đã bị chậm và tiến độ tổng thể của Dự án bị chậm lũy kế lên tới 12 tháng so với tiến độ cam kết, UBND cấp tỉnh nơi có dự án có văn bản thông báo ý định chấm dứt hoạt động dự án để xem xét giao nhà đầu tư khác thực hiện.
Tại Điều 22 đề xuất UBND cấp tỉnh nơi có dự án có trách nhiệm xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý dự án nguồn điện chậm tiến độ theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đất đai và các quy định khác có liên quan về chấm dứt hoạt động dự án đầu tư.
Sau khi nhà đầu tư bị xử lý theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đất đai và các quy định khác có liên quan, Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án lựa chọn nhà đầu tư thay thế hoặc thay thế dự án trong Quy hoạch phát triển điện lực.
Việc các dự án nguồn điện chậm tiến độ được coi là “bệnh mãn tính” của ngành điện lực. Vào tháng 6/2023, thanh tra Bộ Công Thương đã có kết luận thanh tra về một số dự án nguồn điện chậm tiến độ.
Đơn cử, dự án nhiệt điện Quảng Trạch 1 được xác định chậm tiến độ 3 năm; dự án nhiệt điện Ô Môn 3 và 4 bị chậm nên đã phải bàn giao cho PVN; dự án Dung Quất 1 và 3 cũng bị chậm so với tiến độ dự kiến là 2023 và 2026.
Dự án thủy điện Ialy mở rộng được xác định chậm tiến độ 45 tháng so với quy hoạch 7 điều chỉnh; nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng phải xin điều chỉnh tiến độ vào năm 2025; thủy điện tích năng Bắc Ái chậm tiến độ khoảng 6 năm…
Theo kết luận thanh tra, việc không đảm bảo tiến độ các dự án nguồn và lưới điện, không hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đầu tư dự án thuộc trách nhiệm của hội đồng thành viên và ban tổng giám đốc EVN.
Trên cơ sở yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, Thanh tra Bộ Công Thương đề nghị EVN và các đơn vị liên quan nghiêm túc tuân thủ tiến độ đã được Thủ tướng phê duyệt tại quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ dự án...