Dự án nhà máy bột - giấy 9.900 tỷ đồng tại Quảng Ngãi lùi tiến độ thêm 2 năm

Thi công 10 năm, hoàn thành 90% hạng mục, song dự án nhà máy bột - giấy VNT19 vẫn phải xin lùi tiến độ hoàn thành thêm hai năm do còn nhiều vướng mắc.

Được cấp chứng nhận đầu tư năm 2011, khởi công năm 2015, dự án nhà máy bột - giấy VNT19 (dự án bột giấy) do Công ty CP Bột – Giấy VNT19, công ty con của Tổng công ty cổ phần thương mại xây dựng Vietracimex, thực hiện với công suất 350.000 tấn bột tẩy trắng/năm, diện tích khoảng 117ha tại huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Đến nay, sau 14 năm với năm lần thay đổi, điều chỉnh chủ trương, dự án bột giấy gia tăng cả về quy mô lẫn diện tích đất. Đáng chú ý, dù hầu hết hạng mục đã gần như hoàn thành hơn 90%, nhưng dự án trị giá khoảng 9.900 tỷ đồng vẫn chưa thể về đích đúng hẹn với nhiều vấn đề phát sinh liên quan đến thủ tục pháp lý, vật liệu san lấp.

Ở lần điều chỉnh gần nhất, tháng 1/2023, dự án được dự kiến hoàn thành vào cuối quý IV/2024. Song hiện tại, chủ đầu tư xin lùi tiến độ tới quý IV/2026.

Đáng chú ý, quá trình triển khai dự án những năm qua ghi nhận một số vấn đề vướng mắc chưa được giải quyết thấu đáo.

Tính đến tháng 12/2024, bên cạnh vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với một số hạng mục còn lại (nên dẫn tới chưa được cho thuê đất để triển khai xây dựng), dự án vấp phải ngăn cản của người dân địa phương trong thi công, lắp đặt đường ống ngầm dẫn nước thải từ nhà máy ra biển.

Năm 2014, NCB và BIDV đã đồng ý cùng cấp vốn với tổng số tiền tài trợ dự án lên tới hơn 4.200 tỷ đồng. Ảnh: NCB

Năm 2014, NCB và BIDV đã đồng ý cùng cấp vốn với tổng số tiền tài trợ dự án lên tới hơn 4.200 tỷ đồng. Ảnh: NCB

Về vấn đề này, Ban quản lý khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đầy đủ các thủ tục về đất đai trước khi triển khai thi công.

Hiện tại, chủ đầu tư đã được UBND tỉnh bàn giao khu vực biển, phê duyệt phương án bảo đảm an toàn hàng hải trong thi công công trình đường ống ngầm thoát nước thải sau xử lý từ nhà máy ra biển và chấp thuận cho phương tiện được phép hoạt động tại vùng nước cảng biển Quảng Ngãi khu vực Dung Quất.

Đồng thời, tháng 4/2024, VNT19 cũng đã báo cáo kế hoạch triển khai thi công, lắp đặt đường ống dẫn nước thải đã xử lý từ nhà máy ra biển và đề nghị hỗ trợ bảo vệ thi công, lắp đặt đường ống này, Ban quản lý khu kinh tế Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi thông tin.

Một nút thắt khác, là quá trình thẩm định máy móc thiết bị đã qua sử dụng của dự án.

Cụ thể, tại văn bản 82/TB-UBND ban hành tháng 3/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi kết luận, “Qua xem xét tình hình thực tế (Nhà máy bột - giấy VNT19 đã nhập phần lớn máy móc, thiết bị và đã thi công lắp đặt trên công trường), UBND tỉnh thống nhất thực hiện việc giám định chất lượng và giá trị máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ của Nhà máy bột - giấy VNT19 sau khi lắp đặt, chạy thử nhưng phải trước khi vận hành Nhà máy”.

Tới tháng 8/2024, tức bảy năm sau dó, Sở Khoa học và công nghệ Quảng Ngãi yêu cầu chủ đầu tư cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến dự án để xem xét. Và tới nay, dự án vẫn đang trong quá trình lắp đặt máy móc, thiết bị, chưa đưa vào vận hành.

Trong những năm qua, UBND tỉnh và các sở ngành hữu quan đã không ít lần tổ chức họp bàn cách tháo gỡ những vướng mắc để sớm đưa dự án đi vào hoạt động.

Điển hình, hồi tháng 7/2024, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các sở, ban, ngành và huyện Bình Sơn để nghe báo cáo các nội dung liên quan đến Nhà máy bột - giấy VNT19.

Khi đó, chủ đầu tư cho biết còn một số vướng mắc cần tháo gỡ liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích còn lại của dự án và đặc biệt là việc thi công tuyến ống ngầm xả nước thải đã qua xử lý của nhà máy ra vịnh Việt Thanh.

Về vấn đề này, Phó chủ tịch Trần Phước Hiền giao Sở Tài nguyên và môi trường chủ trì, phối hợp Ban quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi, UBND huyện Bình Sơn để giải quyết theo hướng phù hợp với tình hình thực tiễn.

Đối với việc thi công tuyến ống ngầm xả nước thải đã qua xử lý của nhà máy, giao các cơ quan, địa phương có liên quan và nhà đầu tư rà soát, tập trung thực hiện hoàn thiện, đảm bảo các cơ sở pháp lý có liên quan để bảo vệ tổ chức thi công.

Tuy nhiên, tới hết năm vừa qua, dự án vẫn chưa được tháo gỡ các nút thắt liên quan để có thể về đích đúng hẹn theo chủ trương đầu tư.

Thái Bình

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/du-an-nha-may-bot--giay-10000-ty-dong-tai-quang-ngai-lui-tien-do-them-2-nam-d38582.html