Giấy tờ, tài liệu đã có thông tin trong cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia thì không phải xuất trình, chứng minh

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Ngọc Lâm cho biết, theo Luật Dữ liệu năm 2024, đối với trường hợp giấy tờ, tài liệu được quy định phải có trong thủ tục hành chính đã có thông tin trong cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia, thì công dân không phải xuất trình giấy tờ, tài liệu minh chứng. Quy trình giải quyết thủ tục hành chính nhờ vậy cũng được đơn giản hóa không cần kê khai nhiều thông tin như trước.

Khuyến khích tổ chức, cá nhân cung cấp dữ liệu thuộc quyền sở hữu cho cơ quan nhà nước

Giới thiệu về những điểm mới của Luật Dữ liệu năm 2024 tại họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch Nước về các luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Tám, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Ngọc Lâm nêu rõ, “Luật Dữ liệu là luật mới và được xác định là đạo luật gốc, quy định, điều chỉnh toàn diện đối với các hoạt động liên quan đến dữ liệu”.

Theo quy định của Luật, dữ liệu là tài nguyên, Nhà nước có chính sách huy động mọi nguồn lực để làm giàu dữ liệu, phát triển dữ liệu trở thành tài sản, quyền của chủ sở hữu dữ liệu đối với dữ liệu là quyền tài sản theo quy định của pháp luật về dân sự.

Luật khuyến khích tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cung cấp dữ liệu thuộc quyền sở hữu cho cơ quan Nhà nước. Tuy nhiên, trong các trường hợp ứng phó với tình trạng khẩn cấp, khi có nguy cơ đe dọa quốc phòng, an ninh nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp, thảm họa, phòng, chống bạo loạn, khủng bố, thì tổ chức, cá nhân phải cung cấp dữ liệu cho cơ quan Nhà nước khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền mà không cần chủ thể dữ liệu đồng ý.

 Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Ngọc Lâm phát biểu

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Ngọc Lâm phát biểu

Đây là quy định cần thiết để giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến quản lý, vận hành, kết nối, khai thác, sử dụng thông tin trong các cơ sở dữ liệu. Quy định việc tận dụng dữ liệu của các doanh nghiệp, cá nhân để xử lý kịp thời các trường hợp nêu trên.

Đối với cơ quan nhà nước nhận được dữ liệu do tổ chức, cá nhân cung cấp có trách nhiệm sử dụng dữ liệu đúng mục đích; bảo đảm an ninh, an toàn dữ liệu, bảo vệ dữ liệu lợi ích hợp pháp khác của chủ thể dữ liệu, tổ chức, cá nhân cung cấp dữ liệu theo quy định của pháp luật; hủy dữ liệu ngay khi dữ liệu đó không còn cần thiết cho mục đích đã yêu cầu và thông báo cho chủ thể dữ liệu, tổ chức, cá nhân đã cung cấp dữ liệu; thông báo việc lưu trữ, sử dụng dữ liệu khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân cung cấp dữ liệu, trừ trường hợp bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật công tác.

Lưu ý, tình trạng mua bán dữ liệu nói chung và việc chuyển giao dữ liệu giữa tổ chức, cá nhân ngày càng phổ biến, không chỉ mang tính đơn lẻ mà còn có tính chuyên nghiệp, thường xuyên, trở thành “dịch vụ”, kênh kinh doanh, Thứ trưởng Bộ Công an cũng chỉ rõ, hoạt động này tiềm ẩn nhiều nguy cơ, tác động tới an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội. Vì vậy, bên cạnh quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân được tự do chuyển dữ liệu từ nước ngoài về Việt Nam, xử lý dữ liệu của nước ngoài tại Việt Nam được Nhà nước bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật, thì Luật cũng quy định việc chuyển, xử lý dữ liệu xuyên biên giới đối với dữ liệu cốt lõi, dữ liệu quan trọng.

Đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết việc chuyển, xử lý dữ liệu xuyên biên giới với các yêu cầu, điều kiện và trình tự, thủ tục cụ thể để bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể dữ liệu, chủ sở hữu dữ liệu theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Không được phép giao dịch dữ liệu không được chủ thể dữ liệu đồng ý

Luật cũng quy định cụ thể về xây dựng, phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia, gồm: Cơ sở hạ tầng, trách nhiệm của Trung tâm và bảo đảm nguồn lực xây dựng, phát triển Trung tâm.

Trung tâm dữ liệu quốc gia do Chính phủ xây dựng, quản lý, khai thác, vận hành bảo đảm đảm thống nhất, ổn định, bền vững. Trung tâm tích hợp, đồng bộ, lưu trữ, chia sẻ, phân tích, khai thác, điều phối dữ liệu của các cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật và cung cấp hạ tầng công nghệ thông tin cho các cơ quan Đảng, Nhà nước, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội.

Cơ sở dữ liệu quốc gia phải sử dụng hạ tầng của Trung tâm dữ liệu quốc gia theo lộ trình do Chính phủ quy định; các cơ sở dữ liệu thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại, cơ yếu và cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ sở dữ liệu khác thì không bắt buộc sử dụng hạ tầng của Trung tâm dữ liệu quốc gia; nhưng nếu có nhu cầu sử dụng để khai thác, vận hành, nâng cao hiệu quả, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong quản lý, quản trị, xử lý dữ liệu thì sẽ thực hiện trên cơ sở thống nhất với Trung tâm dữ liệu quốc gia và Chính phủ sẽ quy định chi tiết về trình tự, thủ tục thực hiện nội dung này.

Một nội dung quan trọng của Luật là việc xây dựng cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia. Theo Thứ trưởng Bộ Công an, cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia được xây dựng phục vụ việc khai thác sử dụng chung đáp ứng hoạt động của cơ quan Đảng, Nhà nước, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Đồng thời, phục vụ thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ; phục vụ công tác thống kê, hoạch định chính sách, xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, cơ yếu; đấu tranh phòng, chống tội phạm, xử lý vi phạm pháp luật; phục vụ nhu cầu khai thác, sử dụng, ứng dụng dữ liệu của tổ chức, cá nhân.

Dữ liệu được thu thập, cập nhật, đồng bộ vào cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia bao gồm: Dữ liệu mở; Dữ liệu dùng chung của cơ quan nhà nước, dữ liệu dùng riêng của cơ quan nhà nước theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ để phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đối ngoại, cơ yếu, phát triển kinh tế - xã hội, chuyển đổi số, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; dữ liệu của cơ quan Đảng, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội khi được chủ sở hữu dữ liệu đồng ý; dữ liệu khác do tổ chức, cá nhân cung cấp.

Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định, sử dụng dữ liệu từ cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia sẽ giảm được số thủ tục, số lượt phải thực hiện kết nối chia sẻ, khai thác thông tin giữa các cơ sở dữ liệu từ bộ, ngành, địa phương với các hệ thống thông tin khác, bảo đảm việc xử lý dữ liệu trong giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện nhanh hơn. Cắt giảm được nhiều thủ tục hành chính liên quan đến cập nhật, điều chỉnh, bổ sung thông tin trong các cơ sở dữ liệu khác thông qua việc đồng bộ, cập nhật, bổ sung với cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia.

“Khi một dữ liệu được thay đổi bởi cơ quan chủ quản dữ liệu thì sẽ được cập nhật vào cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia và đồng bộ tự động đến các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác. Từ đó, giúp người dân không phải thực hiện các thủ tục hành chính để điều chỉnh thông tin theo từng lĩnh vực quản lý nhà nước” Thứ trưởng Bộ Công an nói.

Đối với trường hợp giấy tờ, tài liệu được quy định phải có trong thủ tục hành chính đã có thông tin trong cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia thì công dân không cần phải xuất trình giấy tờ, tài liệu minh chứng. "Quy trình giải quyết thủ tục hành chính nhờ vậy cũng được đơn giản hóa không cần phải kê khai nhiều thông tin như trước”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Lâm cho biết.

Luật cũng quy định rõ các loại dữ liệu không được phép giao dịch gồm: dữ liệu gây nguy hại đến quốc phòng, an ninh, đối ngoại, cơ yếu; dữ liệu không được chủ thể dữ liệu đồng ý, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; dữ liệu khác bị cấm giao dịch theo quy định của pháp luật.

Có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2025, để triển khai Luật Dữ liệu, Bộ Công an sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật như: Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dữ liệu; Nghị định của Chính phủ quy định về Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia; Nghị định của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực dữ liệu…

Đặc biệt, Bộ Công an cần khẩn trương hoàn thành việc xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia để bảo đảm điều kiện, hạ tầng, kỹ thuật và công nghệ trong triển khai thi hành Luật, tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả việc thu thập, cập nhật dữ liệu vào cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia.

Anh Thảo

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/giay-to-tai-lieu-da-co-thong-tin-trong-co-so-du-lieu-tong-hop-quoc-gia-thi-khong-phai-xuat-trinh-chung-minh-post401158.html