Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo ở thị xã Nghi Sơn

Giai đoạn 2016-2020, thị xã Nghi Sơn có 11 xã, phường thuộc xã miền núi, xã 135 và xã nghèo bãi ngang thực hiện dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo (NRMHGN), với trên 260 hộ nghèo, cận nghèo tham gia.

Được hỗ trợ tiền mua bò cái sinh sản để chăn nuôi chính là động lực để hộ ông Lương Văn Trai ở thôn Tam Sơn, xã Tân Trường vươn lên thoát nghèo.

Xác định việc xây dựng và thực hiện dự án NRMHGN là rất thiết thực, giúp hộ nghèo, cận nghèo nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống, vươn lên giảm nghèo một cách bền vững, thị xã Nghi Sơn đặt mục tiêu thu nhập của hộ nghèo tham gia dự án tăng từ 10 đến 15%/năm; bình quân mỗi năm có 24 hộ tham gia dự án thoát nghèo bền vững, không tái nghèo; 100% người nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật... Để đạt mục tiêu đề ra, thị xã đã khuyến khích các hoạt động tạo việc làm cho người nghèo, phát huy vai trò, trách nhiệm cộng đồng trong xây dựng, nhân rộng các mô hình giảm nghèo; tạo điều kiện để người nghèo được tiếp cận các chính sách, nguồn lực, thị trường như vốn, lao động, đất đai, khoa học - kỹ thuật, công nghệ... Đồng thời yêu cầu UBND các xã tham gia dự án thành lập ban điều hành, xây dựng quy chế quản lý, cử cán bộ chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, kiểm tra giám sát các hộ thực hiện để bảo đảm hiệu quả dự án.

Đối với các hộ tham gia mô hình sẽ được hỗ trợ 10 triệu đồng mua bò giống sinh sản. Ngoài ra còn được hỗ trợ kinh phí làm chuồng, mua thức ăn, thuốc thú y, vật tư, công cụ phát triển chăn nuôi và được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về sản xuất, kinh doanh, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc và phòng trị bệnh cho bò. Đặc biệt, các xã đã giao cho các hộ tự chọn mua bò giống, UBND xã sẽ thực hiện việc giám sát nên con giống bảo đảm yêu cầu.

Ông Lương Văn Trai, người dân tộc Thái, ở thôn Tam Sơn, xã Tân Trường là 1 trong 24 hộ nghèo của xã được tham gia dự án NRMHGN, chia sẻ: Với người dân vùng cao như chúng tôi, từ xa xưa con trâu, con bò đã là người bạn thân thiết trong gia đình, giúp làm ra cây ngô, lúa, sắn, giúp có cái ăn, cái mặc. Tuy nhiên, do điều kiện về kinh tế, thổ nhưỡng, khí hậu nên làm ăn vất vả quanh năm mà vẫn không thoát được nghèo. Năm 2018, gia đình tôi được hỗ trợ 10 triệu đồng mua bò và được tập huấn bồi dưỡng kiến thức về kỹ thuật chăm sóc, phòng trị bệnh cho bò, hướng dẫn cách trồng cỏ. Gia đình cam kết sẽ chăm sóc tốt cho bò nhanh lớn, sớm đẻ bê con để quay vòng luân chuyển cho hộ nghèo khác.

Là xã miền núi đặc biệt khó khăn nằm ở phía Nam thị xã Nghi Sơn, xã Tân Trường có tổng 2.303 hộ thì có tới 169 hộ nghèo, 284 hộ cận nghèo. Năm 2018 xã được tiếp cận dự án NRMHGN thuộc chương trình quốc gia giảm nghèo bền vững. Với phương châm Nhà nước kích cầu và Nhân dân cùng tham gia, từ nguồn vốn phân bổ thực hiện dự án 300 triệu đồng, xã đã tuyên truyền, vận động 24 đối tượng thụ hưởng huy động nguồn vốn đối ứng được 216 triệu đồng để phát triển mô hình chăn nuôi bò sinh sản. Nhờ cách chăm sóc tốt, áp dụng chăn nuôi đúng khoa học - kỹ thuật; chú trọng việc trồng cỏ làm thức ăn cho bò nên đàn bò dự án của các hộ lớn nhanh, khỏe mạnh và phát triển tốt. Hiện, có 5 con bò được phối giống đang chờ theo dõi, 4 con có thai và 4 con bò mẹ đẻ. Dự án đã giúp các hộ có việc làm, thu nhập ổn định, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Khắc Đạo, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã Nghi Sơn cho biết: Dự án NRMHGN được đánh giá cao vì có ý nghĩa rất to lớn với các hộ nghèo. Bò dự án chính là tài sản, là tư liệu sản xuất để các hộ phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Do vậy mà kết quả rà soát hộ nghèo cuối năm 2018 ở xã Tân Trường đạt được rất khả quan, số hộ thoát nghèo toàn xã là 72 hộ, trong đó có 24 hộ nghèo tham gia mô hình chăn nuôi bò sinh sản đều vươn lên thoát nghèo.

Thông qua dự án NRMHGN đã từng bước chuyển đổi nhận thức của người dân, giúp họ hiểu, tự giác, ý thức hơn trong việc vươn lên thoát nghèo và thực hiện công tác giảm nghèo, đồng thời tạo môi trường gắn kết các hộ gia đình trong sản xuất và sinh hoạt cộng đồng, xây dựng tình đoàn kết tương thân, tương ái, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau. Đối với đội ngũ cán bộ cơ sở nâng cao thêm kiến thức quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện chương trình, dự án về giảm nghèo. Dự án cũng đã phát huy được vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, cơ sở; sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể chính trị xã hội và tinh thần tự giác, trách nhiệm của từng người dân trong quá trình thực hiện dự án, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo của thị xã.

Vân Sơn

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/du-an-nhan-rong-mo-hinh-giam-ngheo-o-thi-xa-nghi-son/128032.htm