Dự án 'ôm' đất vàng, bỏ hoang 12 năm vẫn không bị thu hồi?
12 năm kể từ khi được UBND thành phố Hà Nội bàn giao hơn 4.000 m2 'đất vàng' tại Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm - Hà Nội) đến nay chủ đầu tư vẫn chưa triển khai xây dựng, dự án cũng đã bị 'tuýt còi' năm 2018 vì chậm tiến độ nhưng sau đó tiếp tục được gia hạn?
Đất vàng thành bãi trông xe tạm
Khu “đất vàng” đối diện Công viên Hòa Bình nằm trên đường Đỗ Nhuận, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội có ký hiệu là F1, F2. Từ năm 2009, 4.065 m2 đất tại đây đã được thu hồi theo Quyết định số 1240/QĐ-UBND ngày 16/3/2009 của UBND thành phố Hà Nội. Sau đó, khu đất được giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Hà Nội thuê để thực hiện dự án xây dựng trụ sở, văn phòng, kết hợp bãi đỗ xe kinh doanh… đến ngày 29/7/2010, UBND TP Hà Nội lại ban hành Quyết định 3713/QĐ-UBND thu hồi khu đất tại lô F1, F2 này để chuyển giao cho Công ty Cổ phần Bất động sản AIC (BĐS AIC) thực hiện dự án.
Công ty Bất động sản AIC sau khi được bàn giao “đất vàng”, ngày 23/9/2011 Công ty BĐS AIC đã xin điều chỉnh dự án và được UBND thành phố Hà Nội chấp thuận. Doanh nghiệp này sau nhiều lần thay đổi người đại diện pháp luật.
Cụ thể, Quyết định số 4459/QĐ-UBND phê chuẩn điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đất xây dựng nhà ở để đấu giá quyền sử dụng đất (tỷ lệ 1/500), điều chỉnh từ dự án 7 tầng nổi thành 35 tầng nổi và 4 tầng hầm. Nội dung điều chỉnh từ chức năng xây dựng Công trình trụ sở, văn phòng kết hợp bãi đỗ xe kinh doanh, sang chức năng xây dựng Hỗn hợp văn phòng kết hợp lưu trú, trung tâm thương mại, căn hộ cao cấp và bãi đỗ xe kinh doanh…
Với bản quy hoạch được phê duyệt, đã 12 năm kể từ khi công ty này được giao đất, “hỗn hợp văn phòng kết hợp lưu trú, trung tâm thương mại, căn hộ cao cấp và bãi đỗ xe kinh doanh” với 35 tầng nổi và 4 tầng hầm vẫn chưa thấy hình bóng.
Dự án liên tục bị bêu tên chậm triển khai
AIC Xuân Đỉnh từng bị UBND thành phố Hà Nội “bêu tên” là một trong những dự án có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn giai đoạn 2012 – 2017. Ngày 17/9/2018, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 151/QĐ-STNMT-TTr, thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai đối với những dự án như thế này.
Giữa năm 2021, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục giao Sở Tài nguyên Môi trường chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra 37/215 dự án chưa khắc phục dứt điểm các vi phạm để kết luận, làm rõ nguyên nhân và đề xuất biện pháp giải quyết triệt để các vi phạm. Trường hợp chủ đầu tư cố tình chây ì tiếp tục vi phạm thì kiên quyết chấm dứt hoạt động dự án hoặc thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật.
Một lần nữa, dự án Xây dựng trụ sở, văn phòng kết hợp bãi đỗ xe kinh doanh (Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm) do Công ty CP Bất động sản AIC làm chủ đầu tư được kiểm tra do chậm tiến độ. Hiện trạng đến tháng 4/2021 dự án đã xong giải phóng mặt bằng, hoàn thành nộp nghĩa vụ tài chính 3,781 tỷ đồng nhưng đang quây tôn và chưa thực hiện triển khai xây dựng.
Đến thời điểm hiện tại (tháng 2/2022) toàn bộ khu đất của dự án vẫn quây tôn bỏ trống, hiện đang được làm bãi đỗ xe tạm của một số xe hợp đồng.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, quỹ đất để phát triển hạ tầng phúc lợi thì ngày càng eo hẹp, trong khi diện tích đất để hoang hóa lại lên đến hàng triệu mét vuông. Điều này đang cho thấy những bật cập rất lớn trong công tác quy hoạch và phát triển đô thị, trực tiếp bóp nghẹt nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Hàng nghìn người dân sống trong khu vực bị thu hồi đất để thực hiện dự án đời sống của họ vô cùng thiếu thốn. Các bãi đất hoang ngay tại các trung tâm thành phố lớn đang tạo nên một bức tranh đô thị xấu xí, thiếu đồng bộ.
“Luật Đất đai, Luật Đầu tư đều có quy định thời hạn thực hiện dự án, quá thời hạn, chậm tiến độ sẽ bị thu hồi. Tuy nhiên, cần thống nhất và đồng bộ các quy định pháp luật về thời hạn thu hồi đất đối với các dự án chậm triển khai, không triển khai hay triển khai sai quy hoạch. Khi luật được thống nhất, cơ quan quản lý mới dễ dàng thực hiện các bước tiếp theo trong công tác thu hồi. Bên cạnh đó là việc giải quyết các dự án “treo” thì bài toán hậu thu hồi dự án và tính nghiêm minh trong thực thi của các cơ quan quản lý” - luật sư Trương Thanh Đức nói.
Một dự án đã giao đất hoàn thành giải phóng mặt bằng nhưng 12 năm vẫn chưa triển khai, nhiều lần bị cơ quan quản lý Nhà nước “chỉ mặt” vì những vi phạm nhưng vẫn được gia hạn, chưa bị xử lý? Chính quyền thành phố Hà Nội và các đơn vị cơ quan chức năng sẽ nói gì về vấn đề này, VOV.VN sẽ tiếp tục thông tin./.