Dự án Parcae và bí mật vệ tinh do thám của Mỹ bị giấu kín suốt 30 năm - Kỳ 1
Trong suốt những năm căng thẳng nhất của Chiến tranh Lạnh, một dự án tuyệt mật mang tên Parcae đã âm thầm hoạt động, cung cấp cho Mỹ khả năng giám sát điện tử chưa từng có.
Kỳ 1: Những bí mật được giải mật của hoạt động gián điệp Chiến tranh Lạnh

Mô hình vệ tinh Parcae. Ảnh: thespacereview.com
Theo trang interestingengineering.com và thespacereview.com, được giữ kín trong hơn 30 năm, sự tồn tại của Parcae đóng vai trò then chốt trong duy trì thế cân bằng hạt nhân, hay còn gọi là Nguyên tắc Hủy diệt Lẫn nhau (MAD), và ngăn chặn nguy cơ leo thang thành một cuộc chiến tranh toàn diện.
Vào đầu những năm 1970, sự lớn mạnh nhanh chóng của Hải quân Liên Xô, đặc biệt là sự xuất hiện của các tàu tuần dương hạt nhân lớp Kirov, đã làm thay đổi đáng kể cán cân sức mạnh trên biển. Mỹ nhận thấy sự cấp thiết phải thu hẹp khoảng trống giám sát ngày càng gia tăng.
Kỹ sư điện Lee M. Hammarstrom, người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ Chiến tranh Lạnh, đã nhấn mạnh những thách thức mà Mỹ phải đối mặt vào thời điểm đó: "Chúng ta đang ở trong tình thế MAD, vì vậy nếu Liên Xô có khả năng vô hiệu hóa các cuộc tấn công của chúng ta, họ hoàn toàn có thể đã tính đến việc tấn công trước".
Mặc dù đã có những nỗ lực tình báo điện tử (ELINT) qua các chương trình vệ tinh như Poppy, có khả năng phát hiện và định vị các bức xạ radar của Liên Xô, nhưng cộng đồng tình báo Mỹ vẫn gặp khó khăn do tốc độ xử lý dữ liệu chậm chạp, đôi khi mất đến vài tuần để giải mã. Đến năm 1971, một loạt các cuộc tập trận hải quân quy mô lớn đã bộc lộ thêm những lỗ hổng trong hệ thống tình báo vệ tinh của Mỹ, cho thấy cần thiết có một cơ chế phản ứng nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Chính trong bối cảnh đó, dự án Parcae ra đời. Được thiết kế như một hệ thống tình báo điện tử quỹ đạo tiên tiến nhất thời bấy giờ, Parcae được kỳ vọng sẽ lấp đầy khoảng trống quan trọng trong khả năng giám sát hàng hải toàn cầu của Mỹ, đối phó với thách thức ngày càng tăng từ Hạm đội Liên Xô. Dựa trên các báo cáo chi tiết và những cuộc phỏng vấn chuyên sâu, nội dung dưới đây sẽ tiết lộ cách Parcae mang lại cho Mỹ khả năng giám sát đại dương chưa từng có, một bí mật được giữ kín trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Trong nhiều thập kỷ, sự tồn tại của các vệ tinh Parcae là một trong những bí mật được bảo vệ nghiêm ngặt nhất của chính phủ Mỹ, thậm chí còn được giữ kín đối với phần lớn giới chức quân sự. Mãi đến tháng 7/2023, Văn phòng Trinh sát Quốc gia (NRO) mới chính thức thừa nhận sự tồn tại của chương trình này thông qua một tài liệu ngắn gọn chỉ một trang.
Tiết lộ quan trọng này diễn ra trong lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Hải quân Mỹ (NRL) tại Washington, D.C., nơi khai sinh của dự án Parcae. Kể từ khi thành lập vào năm 1961, NRO đã chỉ đạo các hoạt động vệ tinh do thám của Mỹ, giám sát nhiều chương trình khác nhau, bao gồm trinh sát hình ảnh, chặn liên lạc và tình báo tín hiệu.
Tuy nhiên, trong nhiều năm, những dấu vết về chương trình Parcae đã dần hé lộ qua những nỗ lực điều tra của báo chí và thậm chí từ những bình luận của một cố vấn quân sự Nga. Những tiết lộ này đã làm nổi bật áp lực to lớn và sự sáng tạo không ngừng của các kỹ sư Mỹ trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh đầy rủi ro và căng thẳng, thúc đẩy họ phát triển những công nghệ an ninh quốc gia mang tính đột phá.

Phóng bộ ba vệ tinh giám sát đại dương PARCAE trên đầu tên lửa Atlas F. Ảnh: Không quân Mỹ (USAF)
Parcae được xây dựng dựa trên nền tảng của các chương trình ELINT vệ tinh trước đó của Hải quân Mỹ, dưới sự khởi xướng của NRO. Vệ tinh đầu tiên trong dòng này là GRAB, được phóng vào năm 1960 dưới vỏ bọc của một thí nghiệm khoa học mang tên "Nền và bức xạ thiên hà" (chương trình giám sát quỹ đạo thành công đầu tiên của Mỹ, bao gồm một loạt năm vệ tinh giám sát điện tử của Phòng nghiên cứu Hải quân và vệ tinh thiên văn mặt trời). Nhiệm vụ kép này nhằm che giấu hoạt động gián điệp bí mật đằng sau mục đích nghiên cứu khoa học hợp pháp.
Nhiệm vụ chính của GRAB, được giữ bí mật cho đến năm 1998, là theo dõi các phát xạ radar của Liên Xô, cung cấp thông tin tình báo quan trọng cho Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) và Bộ Tư lệnh Không quân Chiến lược Mỹ để phục vụ công tác lập kế hoạch chiến lược. Tuy nhiên, quá trình xử lý dữ liệu của GRAB diễn ra khá chậm chạp.
Tiếp nối GRAB, chương trình Poppy được giới thiệu vào năm 1962 và kéo dài đến năm 1977, đã nâng cao đáng kể khả năng tình báo vệ tinh với việc triển khai nhiều vệ tinh có khả năng xác định vị trí gần đúng của các nguồn phát xạ. Chương trình này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong thu thập thông tin tình báo, mở đường cho truyền dữ liệu nhanh chóng trực tiếp đến các trạm mặt đất, loại bỏ các quy trình ghi chép rườm rà trước đây. Sự đổi mới này đã gợi mở tiềm năng cung cấp thông tin tình báo gần như tức thời, đặt ra những kỳ vọng đầy tham vọng cho những gì mà Parcae cuối cùng sẽ hiện thực hóa.