Người Mỹ nghĩ gì về Bộ Hiệu quả Chính phủ và Elon Musk?
Người dân Mỹ đồng tình với việc cắt giảm lãng phí ngân sách qua DOGE, nhưng ngày càng lo lắng trước ảnh hưởng quá lớn của Elon Musk và các kế hoạch dữ liệu nhạy cảm.
Ý tưởng thành lập Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE) nhằm cắt giảm lãng phí ngân sách nhận được sự đồng thuận rộng rãi của người dân Mỹ. Tuy nhiên, sự tham gia trực tiếp của tỷ phú Elon Musk – người dẫn dắt sáng kiến này – lại đang vấp phải làn sóng phản đối gia tăng, vượt qua cả ranh giới đảng phái truyền thống.
Từ nhiều thập kỷ qua, phần lớn người Mỹ tin rằng chính phủ hoạt động kém hiệu quả, theo kết quả của nhiều cuộc khảo sát. Vì thế, họ ủng hộ việc thành lập DOGE như một cách để tinh gọn bộ máy hành chính liên bang.
Tuy nhiên, theo tổng hợp các cuộc thăm dò do New York Times công bố, khi đi vào chi tiết, người dân bắt đầu bày tỏ lo ngại – đặc biệt là về vai trò và quyền lực của ông Musk trong việc điều hành cơ quan này.

Cuộc thăm dò của người dân Mỹ về nhiệm vụ cắt giảm của chính phủ và DOGE. Biểu đồ: The New York Times (Việt hóa: Phương Linh).
Trong một khảo sát do NBC News thực hiện vào tháng 3, chưa đến 40% cử tri cho rằng DOGE nên bị dừng hoạt động hoàn toàn. Tuy nhiên, trong nhóm ủng hộ DOGE, ý kiến lại chia rẽ: Một phần muốn tiếp tục duy trì tốc độ hiện tại, trong khi phần còn lại đề xuất nên chậm lại để đánh giá tác động thực tế.

Biểu đồ khảo sát về suy nghĩ của các cử tri Mỹ về Elon Musk, DOGE và những nỗ lực của bộ này nhằm cắt giảm chi tiêu và quy mô của chính phủ liên bang. Biểu đồ: The New York Times (Việt hóa: Phương Linh).
Khi người được hỏi buộc phải lựa chọn giữa "ủng hộ" hoặc "phản đối" DOGE, tỷ lệ phản đối lên tới 60%. Một số đơn vị khảo sát cho phép người tham gia chọn phương án trung lập hoặc chưa có ý kiến, và trong các khảo sát như vậy, tỷ lệ phản đối có xu hướng thấp hơn đôi chút – cho thấy không ít người chưa thực sự hiểu rõ hoặc chưa quyết định về mô hình này.
Sáng kiến cắt giảm ngân sách quy mô lớn của DOGE ngày càng gắn liền với hình ảnh của Elon Musk – người thường xuyên đăng tải các đề xuất "thắt lưng buộc bụng" trên nền tảng X mạng xã hội do chính ông sở hữu.
Tầm ảnh hưởng ngày càng mở rộng của Musk đã gây ra những căng thẳng nội bộ trong chính quyền Trump, bao gồm cả một cuộc họp nội các gay gắt gần đây. Một số nghị sĩ Cộng hòa tại Quốc hội đã phải trực tiếp kêu gọi ông Musk giảm nhẹ tác động đến cử tri của họ. Ngay cả cựu Tổng thống Trump cũng khuyến cáo rằng Musk nên sử dụng “dao mổ” thay vì “rìu bổ củi”.
Theo khảo sát của Đại học Quinnipiac trong tháng này, 57% cử tri – bao gồm cả 16% người thuộc Đảng Cộng hòa – cho rằng Elon Musk đang nắm giữ quá nhiều quyền lực trong các quyết sách quốc gia.
Hình ảnh cá nhân của Musk cũng đang dần xấu đi. Trong vòng bốn năm qua, mức độ ủng hộ ông trong nhóm cử tri từng biết đến ông đã giảm mạnh – từ tích cực sang tiêu cực. Sự sụt giảm này chủ yếu đến từ các cử tri Dân chủ và độc lập, trong khi tỷ lệ ủng hộ từ phía Cộng hòa lại tăng lên.
Dù đa phần các phản ứng về DOGE vẫn mang màu sắc đảng phái, có một điểm khiến cả hai phía đồng thuận phản đối: kế hoạch truy cập và hợp nhất dữ liệu từ các cơ quan như Cục An sinh Xã hội (SSA) và Sở Thuế vụ (IRS). Gần hai phần ba người Mỹ tỏ ra lo ngại về việc nhóm của Musk có thể tiếp cận những dữ liệu nhạy cảm này.