Dự án Quốc lộ 27, đoạn tránh sân bay Liên Khương: Dài 6 km, mất 12 năm xây dựng
Mất hơn 12 năm xây dựng, nhưng Dự án Quốc lộ 27, đoạn tránh sân bay Liên Khương (Lâm Đồng) vẫn không thể hoàn thành, dù chỉ dài khoảng 6 km, quy mô xây dựng vỏn vẹn 2 làn xe.
Đến cuối năm 2020, công tác giải phóng mặt bằng của Dự án Quốc lộ 27, đoạn tránh sân bay Liên Khương mới đạt khoảng 51%
Tiến độ “cao su”
Theo thông tin của phóng viên Báo Đầu tư, Kiểm toán Nhà nước vừa có Thông báo số 876/TB-KTNN gửi Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) tỉnh Lâm Đồng thông báo kết quả kiểm toán Dự án Quốc lộ 27, đoạn tránh sân bay Liên Khương.
Dự án Quốc lộ 27, đoạn tránh sân bay Liên Khương có điểm đầu tuyến tại Km171, Quốc lộ 27; điểm cuối tuyến tại Km177+222, chiều dài tuyến khoảng 6,2 km (qua địa phận huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng).
Khi hoàn thành Dự án sẽ nối thông tuyến Quốc lộ 27 qua địa phận tỉnh Lâm Đồng, góp phần giải quyết các luồng giao thông vận tải hành khách, hàng hóa hợp lý và kinh tế hơn do rút ngắn được cự ly vận chuyển trên tuyến; đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển giao thông và kinh tế - xã hội trong khu vực và tỉnh Lâm Đồng.
Đây là dự án có quy mô vốn đầu tư không lớn (khoảng 121 tỷ đồng theo quyết định đầu tư ban đầu và 235 tỷ đồng sau khi tiến hành điều chỉnh), nhưng lại có thể xếp vào nhóm các công trình có thời gian thi công “cao su” nhất trong lĩnh vực hạ tầng giao thông.
Kiểm toán Nhà nước cho biết, trên cơ sở đề xuất của UBND tỉnh Lâm Đồng, vào năm 2008, Bộ GTVT đã có Quyết định số 1051/QĐ-BGTVT phê duyệt Dự án Quốc lộ 27, đoạn tránh sân bay Liên Khương, sử dụng vốn trái phiếu chính phủ và giao Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng làm chủ đầu tư.
Theo kế hoạch ban đầu, Sở GTVT Lâm Đồng sẽ phải hoàn thành 2 gói thầu xây lắp của Dự án sau 24 tháng thi công (năm 2010). Tuy nhiên, do công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều vướng mắc và việc vốn bố trí cho Dự án Quốc lộ 27, đoạn tránh sân bay Liên Khương quá dàn trải, manh mún (trong các năm 2009, 2010, 2011, mỗi năm bố trí 10 tỷ đồng; năm 2012 bố trí 14 tỷ đồng), nên công trình này liên tục hụt hơi, không đáp ứng được tiến độ đề ra và buộc phải dừng, giãn tiến độ thi công từ năm 2012.
Tại thời điểm bắt đầu giãn tiến độ, Gói thầu số 02 (xây lắp phần cầu vượt và 4 nhánh nút giao với đường cao tốc Liên Khương - Đà Lạt) mới hoàn thành 2 mố, 2/3 trụ và lao lắp dầm hai nhịp biên. Gói thầu số 01 (thi công 6 km đường) thậm chí còn chưa triển khai thi công.
Trước vai trò quan trọng của công trình và theo đề nghị của địa phương, vào tháng 1/2019, Bộ GTVT đã phê duyệt điều chỉnh Dự án Quốc lộ 27, đoạn tránh sân bay Liên Khương và ưu tiên đưa vào danh mục 14 dự án giao thông quan trọng cấp bách được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thông qua phương án sử dụng 15.000 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020.
Sau lần điều chỉnh này, ngoài việc tổng mức đầu tư Dự án tăng lên gấp đôi; tiến độ hoàn thành công trình cũng được gia hạn đến cuối tháng 12/2020.
Mặc dù đã được bố trí đủ vốn để khởi động lại công trình, nhưng đến thời điểm kiểm toán (tháng 11/2020), giá trị khối lượng của Gói thầu số 01 mới đạt khoảng 10,5 tỷ đồng (16% giá trị hợp đồng). Do công tác giải phóng mặt bằng chậm, đặc biệt là việc xây dựng khu tái định cư để bố trí cho khoảng 40 hộ dân thuộc diện phải tái định cư còn nhiều thủ tục chưa hoàn thành, nên Bộ GTVT buộc phải gia hạn tiến độ đến 30/4/2021.
Đối với Gói thầu số 02, ngày 1/3/2019, chủ đầu tư và nhà thầu thống nhất thanh lý hợp đồng số 23/HĐKT/2009 ngày 29/10/2009. Các khối lượng còn lại được gộp vào Gói thầu số 01 thành 1 gói thầu xây lắp duy nhất theo Quyết định số 447/QĐ-BGTVT ngày 11/3/2019 của Bộ GTVT.
Điều đáng nói là, theo báo cáo của Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng, đến ngày 31/12/2020, Dự án mới hoàn thiện được phần cầu vượt nút giao; công tác giải phóng mặt bằng phần đường mới bàn giao được 3,2 km/6,2 km (đạt 51,6%). Các nhà thầu mới đang đúc cấu kiện, đào hữu cơ; sản lượng thực hiện khoảng 14/64,93 tỷ đồng (đạt 21,56%).
Ngoài ra, việc thi công phần nền đường tại Dự án trên thực tế có một số sai khác so với hồ sơ thiết kế được duyệt cần điều chỉnh thiết kế; còn nhiều tồn tại, vướng mắc trong việc lập, công khai, trình thẩm định và phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng.
Vì vậy, để có đủ thời gian thực hiện hoàn thành toàn bộ Dự án và các thủ tục nghiệm thu, thanh quyết toán công trình theo đúng quy định, Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng một lần nữa lại xin Bộ GTVT cho phép điều chỉnh thời gian thực hiện hợp đồng Gói thầu Xây lắp, Gói thầu Tư vấn giám sát thi công đến ngày 30/6/2021 và Gói thầu số 07 (kiểm toán quyết toán Dự án hoàn thành) đến ngày 31/12/2021.
Nhiều sai sót
Theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước, việc chậm tiến độ thi công của Dự án Quốc lộ 27, đoạn tránh sân bay Liên Khương đã làm phát sinh tăng chi phí do các yếu tố trượt giá và thay đổi chế độ chính sách của Nhà nước. Từ đó, làm giảm hiệu quả đầu tư công trình so với mục tiêu đề ra.
Do sốt ruột với Dự án, từ năm 2019 đến nay, Bộ GTVT đã có nhiều công điện, văn bản đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng quyết liệt chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan, chính quyền địa phương các cấp tập trung tháo gỡ khó khăn, giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc, sớm bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu để triển khai thi công, đáp ứng tiến độ yêu cầu của Dự án. Tuy nhiên, sự hồi đáp đối với các đề nghị này là không đủ để Dự án Quốc lộ 27, đoạn tránh sân bay Liên Khương có những chuyển biến tích cực trên hiện trường.
Ngoài để tiến độ kéo dài, Kiểm toán Nhà nước còn chỉ ra một loạt sai sót khác tại Dự án Quốc lộ 27, đoạn tránh sân bay Liên Khương thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư và ban quản lý dự án.
Cụ thể, công tác khảo sát vị trí bãi đổ thải của Gói thầu số 01 chưa thống nhất. Trong đó, cự ly vận chuyển theo sơ đồ duỗi thẳng vị trí bãi đổ thải Phú Hội (xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng) trong hồ sơ khảo sát mặt đường cũ và bãi vật liệu là 1 km đến cuối tuyến, nhưng trong thuyết minh kỹ thuật của Dự án là 12,6 km đến cuối tuyến.
Công tác khảo sát thiết kế Gói thầu số 02 được Kiểm toán Nhà nước đánh giá là chưa phù hợp với thực tế, dẫn đến trong quá trình thi công phải điều chỉnh, bổ sung, xử lý hiện trường điều chỉnh thiết kế, làm tăng kinh phí 2,974 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, do vốn bố trí cho Dự án không đầy đủ, khiến công tác giải phóng mặt bằng chậm theo và dẫn đến những khối lượng chưa thi công phải điều chỉnh giá vật liệu, nhân công, máy thi công tại thời điểm thi công, nghiệm thu làm tăng chi phí đầu tư 5.345,5 triệu đồng (Gói thầu số 02).
Liên quan công tác ký kết và thực hiện hợp đồng, Kiểm toán Nhà nước ghi nhận Hợp đồng số 23/HĐKT/2009 ngày 29/10/2009 tại Gói thầu số 01 chưa quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên đối với việc nghiệm thu toàn bộ công việc, từng phần việc và những phần công việc cần nghiệm thu trước khi chuyển qua phần công việc khác quy định tại mục 7.16, Thông tư số 06/2007/TT-BXD, ngày 25/7/2007.
Đặc biệt, Trung tâm Tư vấn quản lý dự án và kiểm định giao thông vận tải (nay là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông, là đơn vị được Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng giao nhiệm vụ điều hành công trình này) chậm chấp thuận gia hạn tiến độ Gói thầu số 02 (nhà thầu trình ngày 28/3/2011, nhưng đến ngày 25/11/2011, Trung tâm mới có văn bản đồng ý gia hạn).
Kiểm toán Nhà nước cho biết, năm 2020, số vốn được phân bổ cho Dự án là 113,974 tỷ đồng (trong đó, vốn năm 2019 kéo dài sang năm 2020 là 28,474 tỷ đồng, năm 2020 được bố trí 85,5 tỷ đồng). Đến thời điểm kiểm toán, chủ đầu tư mới chỉ giải ngân được số vốn năm 2019 kéo dài sang năm 2020, nguyên nhân kéo dài là do công tác giải phóng mặt bằng vướng nhiều thủ tục, đặc biệt là xây dựng khu quy hoạch tái định cư cho khoảng 40 hộ dân trong vùng ảnh hưởng của Dự án, nên chưa thể chi trả tiền đền bù, dẫn đến đơn vị thi công chưa có mặt bằng để triển khai thi công.
Tại Thông báo số 876/TB-KTNN, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị chủ đầu tư xử lý tài chính 542 triệu đồng, đồng thời nghiêm túc chấn chỉnh, rút kinh nghiệm đối với những thiếu sót trong công tác khảo sát, thiết kế, dự toán; công tác ký kết và thực hiện hợp đồng; công tác quản lý chất lượng công trình; công tác quản lý chi phí; quản lý tiến độ.
“Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng phải đôn đốc các nhà thầu khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công để các dự án hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo mục tiêu đầu tư và phát huy hiệu quả sử dụng vốn từ nguồn ngân sách nhà nước. Báo cáo kết quả thực hiện về Bộ GTVT để tổng hợp báo cáo Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành II theo địa chỉ số 116 - Nguyễn Chánh, quận Cầu Giấy, Hà Nội trước ngày 30/6/2021”, đại diện Kiểm toán Nhà nước yêu cầu.