Dự án sân bay Long Thành sẽ là đòn bẩy tác động đến thị trường bất động sản

Chiều 5-11, tại Hà Nội, đã diễn ra buổi tọa đàm về 'Bất động sản Long Thành cất cánh cùng sân bay' do Tạp chí điện tử Bất động sản (BĐS) Việt Nam và Viện Nghiên cứu BĐS Việt Nam tổ chức, Hiệp hội BĐS Việt Nam bảo trợ.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) đánh giá, huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) nằm ở vị trí là cửa ngõ giao thương quan trọng với các nút giao thông lớn của các tuyến đường đã và đang hình thành như: TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành, Dầu Giây - Đà Lạt, Dầu Giây - Phan Thiết, Biên Hòa - Vũng Tàu… giúp kết nối Long Thành, Đồng Nai với TP Hồ Chí Minh và các khu vực nhanh chóng, thuận tiện. Bên cạnh đó, Long Thành còn chuẩn bị phát triển đại lộ Bắc Sơn - Long Thành với quy mô rộng 60m, 4 làn xe. Đây là trục phát triển thương mại, dịch vụ cao cấp xuyên suốt từ Biên Hòa đến sân bay quốc tế Long Thành.

Đáng chú ý, Dự án sân bay quốc tế Long Thành được xem là đòn bẩy tác động trực tiếp đến thị trường BĐS của khu vực. Theo quy hoạch, sân bay Long Thành có quy mô 5.000ha, công suất 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Khi đi vào hoạt động, sân bay Long Thành sẽ trở thành trung tâm của “thành phố sân bay” và là tâm điểm kết nối giao thương của cả khu vực.

 Các đại biểu chia sẻ thông tin tại buổi tọa đàm.

Các đại biểu chia sẻ thông tin tại buổi tọa đàm.

PGS, TS Trần Kim Chung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đánh giá, trong phạm vi 30km từ trung tâm sân bay Long Thành, các địa bàn sẽ bị thu hút để phục vụ cho sân bay. Đồng thời, sẽ lan tỏa, tiếp cận đến Bà Rịa-Vũng Tàu để khai thác lợi thế du lịch nghỉ dưỡng. Mũi Né (Bình Thuận) cũng được lợi thế từ phát triển sân bay Long Thành trong việc tiếp cận thị trường BĐS công nghiệp và dịch vụ. Bên cạnh đó, TP Thủ Dầu Một, nằm đối xứng với sân bay Long Thành qua trục Biên Hòa - Thủ Đức, một địa bàn tập trung các khu công nghiệp sẽ kết nối vào mạng phát triển cùng với Long Thành.

Đề cập đến định hướng hình thành một thành phố sân bay xung quanh sân bay Long Thành, TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế nhìn nhận, hiện nay, tất cả các sân bay đã xây dựng tại Việt Nam và sân bay trong quy hoạch chưa ở đâu có thành phố sân bay. Từ đó để thấy mô hình thành phố sân bay Long Thành là chưa có tiền lệ tại Việt Nam. Tiềm năng, cơ hội của Long Thành là rất lớn, nhưng đây là mô hình hoàn toàn mới nên sẽ cần nhiều yếu tố đi kèm để có thể phát triển.

Chia sẻ với quan điểm này, TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia nhấn mạnh, tại Việt Nam nếu có đô thị nào mới và lớn trong 50 năm nữa thì chỉ có thể là Long Thành bởi vị trí đẹp và nhiều yếu tố thuận lợi. Long Thành có tiềm năng song lại đang ở trong khu vực phát triển nông nghiệp. Vì vậy, cần có những quy hoạch đồng bộ cho khu vực này, cần quỹ vốn lớn để sẵn sàng phát triển dài hạn, trong đó, có việc đầu tư hạ tầng, mở thêm đường, trường, trạm.

Tin, ảnh: MẠNH HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/du-an-san-bay-long-thanh-se-la-don-bay-tac-dong-den-thi-truong-bat-dong-san-643029