Dự án Sáng kiến khu vực ngăn chặn và loại trừ sốt rét kháng thuốc Artemisinin: Tín hiệu khả quan
Tiếp nối dự án phòng, chống sốt rét tại Khánh Hòa, năm 2018, dự án Sáng kiến khu vực ngăn chặn và loại trừ sốt rét kháng thuốc Artemisinin đã được triển khai. Với nhiều giải pháp đồng bộ, dự án đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống sốt rét ở tỉnh.
Hướng tới phòng, chống bền vững
Dự án do Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, lao và sốt rét tài trợ, kéo dài trong 3 năm (2018 - 2020). Việt Nam là 1 trong 5 nước được thụ hưởng. Khánh Hòa là 1 trong 36 tỉnh, thành trong cả nước tham gia dự án. Riêng tại Khánh Hòa, dự án triển khai tại 44 xã, phường thuộc 7 huyện, thị xã, thành phố. Mục tiêu của dự án là giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do sốt rét, đạt những tiến bộ hướng tới mục tiêu phát triển bền vững về sức khỏe tại Việt Nam. Bác sĩ Huỳnh Văn Dõng - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Phó Giám đốc dự án cho biết: “Để đạt được mục tiêu, dự án triển khai nhiều hoạt động đồng bộ trong công tác phòng, chống như: tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ tham gia dự án; thành lập các điểm chống sốt rét; cung cấp các test chẩn đoán nhanh; điều tra, giám sát các ca bệnh, ổ dịch; cung cấp màn tẩm hóa chất cho người dân ở vùng sốt rét lưu hành; tuyên truyền nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi trong cộng đồng về công tác phòng, chống sốt rét…”.
Là một trong những địa phương vị có số ca mắc sốt rét cao nhất tỉnh, toàn bộ 14 xã của huyện Khánh Vĩnh đều nằm trong vùng sốt rét lưu hành nặng. Đặc biệt, tại huyện có 3/5 loài ký sinh trùng sốt rét gây bệnh ở người, trong đó có ký sinh trùng P.faci - là thể nặng, dễ gây biến chứng cho người mắc và ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc. Tuy nhiên, những năm qua, các hoạt động của dự án đã góp phần làm giảm nhanh số ca mắc sốt rét ở huyện Khánh Vĩnh. Nếu năm 2011, toàn huyện ghi nhận 658 ca mắc, đến năm 2018 chỉ còn 75 ca, năm 2019 giảm xuống còn 60 ca. Đặc biệt, 9 năm trở lại đây, huyện không có ca tử vong do sốt rét. Theo lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện, nhờ có sự hỗ trợ của dự án, năng lực của cán bộ làm công tác phòng, chống sốt rét ở huyện được nâng cao; đặc biệt người dân ngày càng có ý thức trong phòng, chống bệnh sốt rét. Không chỉ Khánh Vĩnh, các huyện, thị xã, thành phố tham gia dự án đều có số ca mắc sốt rét giảm so với các năm trước.
Cần sự chung tay của các cấp, ngành
Ngay khi tiếp nhận, Ban quản lý dự án cấp tỉnh đã triển khai hàng loạt hoạt động. Theo đó, trong 2 năm (2018, 2019), dự án đã thành lập 10 điểm chống sốt rét, cấp 18.000 test chẩn đoán nhanh sốt rét cho đơn vị y tế các cấp; hơn 200 túi y tế cho nhân viên y tế thôn bản; treo hàng chục tấm pano tuyên truyền về bệnh sốt rét; tiến hành điều tra các ca bệnh, ổ bệnh và phun hóa chất chủ động để tránh lây lan. Đồng thời, tổ chức tập huấn về chẩn đoán, thông tin báo cáo, giám sát sốt rét, hướng dẫn thực hiện các nội dung dự án cho hàng trăm cán bộ y tế; cấp 960 cái màn, 3.070 cái võng tẩm hóa chất diệt muỗi tồn lưu dài cho người dân ở những vùng có sốt rét lưu hành... Nhờ đó, năm 2018, toàn tỉnh chỉ ghi nhận 125 ca mắc sốt rét, giảm 69,8% so với 2 năm trước, không có ca tử vong. Năm 2019, số ca mắc là 94, giảm gần 25% so với cùng kỳ, tỷ lệ người dân ngủ mùng có tẩm hóa chất diệt muỗi đạt 98%. Hiện nay, chỉ số bệnh nhân sốt rét dưới 0,10/1.000 dân số.
Theo lộ trình loại trừ sốt rét ở Việt Nam, đến năm 2025, tất cả các huyện, thị xã, thành phố ở tỉnh sẽ không còn bệnh sốt rét và chuyển sang giai đoạn đề phòng sốt rét quay lại; riêng huyện Khánh Vĩnh đến năm 2028 phải loại trừ xong bệnh sốt rét. Với nhiều giải pháp phòng, chống sốt rét đang được triển khai, Khánh Hòa sẽ đạt được mục tiêu đề ra, tuy nhiên, để bảo đảm sự bền vững thì cần có nguồn kinh phí ổn định để hoạt động. Hiện nay, nguồn kinh phí Trung ương đầu tư cho công tác phòng, chống sốt rét ở các địa phương có xu hướng cắt giảm, các nguồn đầu tư từ các tổ chức quốc tế ngày càng hạn chế, gây nhiều khó khăn cho hoạt động này.
Bác sĩ Dõng kiến nghị: “Để đạt được mục tiêu đề ra, không thể giao hết cho ngành Y tế mà rất cần sự chung tay của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội; đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc chỉ đạo thực hiện, giám sát, kiểm tra, nâng cao nhận thức cộng đồng”.
C.Đan